Văn hóa - Giải trí
Ngựa hoang sải vó giữa đời
Một đời phong trần mang lại cho Mai Trần ít vinh quang mà nhiều cay đắng. Giờ đã ngoài 60 tuổi, ông vẫn loanh quanh chưa tìm được chốn nghỉ chân giữa cuộc đời tấp nập và bộn bề này.
Mai Trần là nghệ sĩ gạo cội của làng kịch. (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
Bao phen chao đảo
Mai Trần và Lê Công Tuấn Anh vốn là đôi bạn thân, từng cùng nhau chở bánh đi bỏ mối ở chợ Cầu Muối (quận 1, thành phố Hồ Chí Minh) vào những năm 1990. 18 năm ngày mất bạn thân, Mai Trần tự tay làm một mâm cơm nhỏ, rót một ly bia và đốt một điếu thuốc cúng bạn, ngậm ngùi:
“Anh Giáp Ngọ, còn em Bính Ngọ
Hai con ngựa hoang sải vó giữa đường đời
Bây giờ em nhỏ đi rồi
Còn anh ở lại bồi hồi nhớ em”.
Cũng vì tuổi ngựa (Giáp Ngọ 1954), mà mỗi khi nói về mình, Mai Trần luôn lấy hình ảnh một con ngựa hoang để so sánh: “Tôi chẳng khác gì một con ngựa, cả đời rong cương cất vó, lang bạt từ khi tuổi còn xuân đến lúc tóc liu riu bạc”. Ngẫm lại cuộc đời mình, ông bảo có quá nhiều thăng trầm, cay đắng, cả những điều kỳ diệu lắm khi khó tin của số phận. Ông bước vào đời với rất nhiều cơ hội, may mắn liên tiếp.
Thông minh, lại có máu kịch nghệ, chữ nghĩa lai láng, 16 tuổi, Mai Trần thi đậu khoa Diễn viên, Trường Quốc gia âm nhạc và kịch nghệ Sài Gòn. 17 tuổi, ông tốt nghiệp và về làm việc tại Đoàn ca múa kịch tỉnh Đồng Nai. 20 tuổi, ông học đạo diễn.
Những năm tháng đi học, Mai Trần nổi lên như một nghệ sĩ với dáng vẻ phong trần, đào hoa. Ông và diễn viên Hải Yến nhanh chóng kết thành một cặp đôi trên sân khấu kịch lẫn ngoài đời.
Những năm 1970, đôi uyên ương Mai Trần - Hải Yến phát huy tối đa khả năng phối hợp nhịp nhàng “song kiếm hợp bích”. Giới nghệ sĩ gọi Mai Trần - Hải Yến là “cặp đôi sóng thần”. Ngoài thời gian tập và diễn chung, mọi người cũng đã chứng kiến những giây phút “tự biên tự diễn” của hai vợ chồng ở ngoài đời, hồn nhiên và hạnh phúc đến mức tưởng như hai người sinh ra là để dành cho nhau.
Nhưng hạnh phúc ấy quá ngắn ngủi. Khi sàn diễn rệu rã, cơm tổ không nuôi đủ áo cơm cho gia đình cũng là lúc những rạn nứt bắt đầu. Hải Yến bỏ đi lao động ở nước ngoài vì không chịu được cảnh nghèo túng. Mai Trần cay đắng một mình nuôi con.
Ông đã bươn bả đủ thứ nghề như: bán bánh mì, bắp dạo, bánh bao, gia công dây cu-roa... “Có lần thầy giáo cũ là NSƯT Nguyễn Văn Phúc bắt gặp tôi bán bánh mì ở ngoài đường mà xót xa không nói nên lời. Còn tôi lại thấy bình thường vì nghệ sĩ cũng phải kiếm cơm như ai. Tuy vất vả nhưng tôi được rất nhiều bạn bè mua ủng hộ”, ông kể.
Nhớ lại những ngày tháng đó, Mai Trần lắc đầu: “Trên đường tình, tôi tự nhận mình là kẻ thất bại, không đủ sức nắm giữ yên vui. Nhưng với cuộc sống mưu sinh cơm áo, tôi là kẻ vật lộn hết mình, không ngại bươn chải hiểm nguy và vắt kiệt đến từng hơi thở. Tôi chỉ chông chênh khi đêm về nhìn con ngủ một mình mà ứa nước mắt”. Ông kể, trong thời gian đầu khi nuôi con mình, có đêm chợt tỉnh giấc dậy viết bài thơ:
“Có một sợi tóc thật dài vương trên áo gối
Anh giật mình quay quắt nhìn quanh
Em đã về sao? Chẳng lẽ? Tóc còn xanh!
À, không phải, tóc con mình, con gái”
Không lâu sau những ngày tháng đơn độc ấy, Mai Trần gặp tình yêu mới. Ông kết hôn và có 2 con gái với một cô nhân viên trực tổng đài. Nhưng một lần nữa ông phải lao đao khi hai vợ chồng làm ăn thua lỗ. Ông kể: “Vợ tôi từng không thiết tha gì sống chết vì cô ấy thấy có lỗi.
Tôi phải động viên, an ủi, cuối cùng phải bán căn nhà khang trang để trả nợ, thuê một căn phòng trọ nhỏ tá túc tạm”. Nhưng cuộc sống nhà trọ mỗi lúc một nơi, nay quận 2, mai lại về quận 12, nay ở quận 9, mai lại về Thủ Đức. Có thời gian không có tiền trả nhà trọ, ông dắt vợ con về nhà ông bà ngoại ở, còn mình thì lang bạt khắp nơi, tiện đâu ở đó như phim trường, nhà bạn bè, anh em…
Mỏi chân chưa nghỉ chốn này
Thời gian gần đây, Mai Trần khoe: “Ai muốn gặp tôi thì cứ xuống ngã tư Thủ Đức nhé! Nhà nhỏ nhưng cái tình không nhỏ, luôn mở cửa đón tiếp mọi người”. Ngôi nhà được xây cất đơn sơ đủ chỗ để 4 người chui ra chui vào trên một mảnh đất ven đường có phần vắng vẻ.
Ông tiết lộ: “Thấy tôi chưa an cư, bạn bè thương mến hùn hạp, đóng góp mỗi người một ít, người cho tiền, người cho gạch, cát, thép, xi-măng… để xây”. Mai Trần bảo, ai cho cái gì thì anh lấy cái đó chứ không khách sáo hay thấy “nhục” mà từ chối, bởi “được nhận nhiều tình cảm yêu thương của mọi người là cái phước của mình”.
Có được căn nhà nhưng thật ra Mai Trần còn lắm nỗi lo, bởi miếng đất này là của một người bà con cho mượn để xây nhà. Thành ra anh phải làm sao có tiền để “mua đứt” luôn mới có thể coi như có nhà cửa ổn định. Đó cũng là lý do ở cái tuổi lẽ ra được an nhàn thì anh phải nai lưng kiếm tiền nuôi con nhỏ. Nhất là khi có nhiều lời mời đóng phim, làm đạo diễn hơn trong vài năm gần đây, anh “cày” liên tục không biết mệt mỏi.
Anh bảo mình là “ngựa” sinh ra để chạy, giờ là “con ngựa già” mỏi gối chồn chân nhưng vẫn phải sải vó giữa đời. Tôi chợt nhớ đến lời nói của một người nghệ sĩ rất thân của Mai Trần rằng: “Trường đời dàn trải đầy nghịch cảnh, bao nhiêu bất trắc cứ đổ đầy trên số phận của Mai Trần khiến anh cứ như con ngựa chạy đuổi miệt mài trong cái hư không vô cùng tận”.
Có một chuyện nữa mà mãi đến thời gian gần đây, Mai Trần mới tiết lộ với báo chí. Đó là về cha mẹ ruột của mình. “Tôi biết mình là con nuôi cách đây chừng 4 năm khi mẹ tôi mất. Bà kể rằng, bà đã xin tôi từ Trà Vinh mang về Quảng Trị nuôi hồi tôi còn ẵm ngửa. Mẹ ruột tôi là người ở trong nhà, lấy ba tôi để sinh con gái cho ông nhưng vì sinh con trai nên bắt mẹ phải cho tôi đi”, ông rưng rưng…
Hoang mang, đau đớn, Mai Trần về Trà Vinh tìm cha mẹ ruột chỉ với một manh mối duy nhất là lời trăn trối của mẹ: “Về Trà Vinh tìm ông Tư què thì sẽ biết cha mẹ con là ai”. Sau gần 10 năm tìm kiếm trong vô vàn khó khăn, vất vả, có lúc tưởng như bỏ cuộc, ông cũng tìm được cha mẹ ruột. Mừng mừng tủi tủi gặp lại nhau sau gần 60 năm xa cách, bao nhiêu hờn giận, trách móc Mai Trần gác lại hết. Ông bỗng thấy cuộc đời này vui hơn, đáng sống hơn khi có thêm những người thân yêu bên cạnh.
Nghệ sĩ gạo cội của làng kịch
Nhắc đến tên Mai Trần, có thể không nhiều người biết bởi ông làm nghề khá bình lặng. Nhưng khán giả mê kịch nghệ những năm 90 không thể quên ông với nhiều vai diễn nổi danh trên sân khấu như: Hoàng Tú trong vở Nhân danh công lý, trung úy Phêđo Rốpki trong vở Đêm họa mi, Lỗ Quý trong vở Lôi Vũ, Jourdan trong vở Trưởng giả học làm sang… Xuất sắc nhất phải kể đến vai giáo điên trong vở Ai điên? Mai Trần kể, năm đó, khi diễn xong vai này, nghệ sĩ Bạch Tuyết cảm phục đến nỗi tuyên bố ngay: “Nếu có quyền, chị sẽ trao giải Oscar cho em”.
Trên phim ảnh, Mai Trần thường đóng những vai phụ và từng được vinh danh với giải thưởng Cánh diều vàng 2005 ở hạng mục Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất với vai Năm Đực phim Sống trong sợ hãi. Ngoài ra, ông còn làm phó đạo diễn phim truyền hình, đạo diễn các chương trình hài…
Theo nghệ sĩ Việt Anh, Mai Trần có tài trong nhiều lĩnh vực như ca hát, đánh đàn, làm thơ, đánh võ, chơi thể thao… Khán giả hẳn không quên trong phim Sống trong sợ hãi, nhân vật Năm Đực từng đọc ca dao xưa khiến nhiều người kinh ngạc: “Trời sinh trâu thì sinh cỏ/ Đất sinh giếng thì sinh mo/ Người sinh oa thì sinh tui /O một mình thì khôn đặng”.
Bất cứ nơi đâu, ông cũng xuất khẩu thành thơ. Nhất là trên phim trường, ông thường tức cảnh làm thơ khiến nhiều người bái phục lẫn vui cười. Vì sống phóng khoáng, tình cảm nên Mai Trần lắm bạn nhiều bè. Những cuộc vui có anh bao giờ cũng tưng bừng vì “Năm Đực” liên tục trổ tài lẻ, hết đàn lại hát, rồi ngâm thơ, kể chuyện tiếu lâm rất duyên dáng và hóm hỉnh.
Trước nhà Mai Trần có cái sân rộng, ở giữa có một cái bàn đặt chậu cây ớt đang ra quả. Ông cười ha hả: “Cuộc đời tôi cay đắng quá rồi, trồng cây ớt nhậu cho bớt đắng cay”. Chiều chiều, thấy có người đến bẫy chim, ông kéo vào nhậu, phân bua rằng ở đây buồn, chỉ có chim làm bầu bạn.
Nghe vậy, họ kéo vào làm vài ba ly, nghe ông đàn hát, đọc thơ, kể chuyện tiếu lâm đến nỗi ghiền. Dù xa xôi nhưng dip cuối tuần, ông chiêu dụ bạn bè gần xa về đàn ca hát xướng thâu đêm, quên hết chuyện thế sự. Mai Trần không bao giờ thiếu nụ cười cợt đùa với thế sự chung quanh.
PHƯƠNG NGUYÊN