.

Thơ Đường luật mãi là món ăn tinh thần của người Việt

.

ĐNĐT – Tại ngày hội Thơ Đường luật Việt Nam lần thứ 11 diễn ra tại Đà Nẵng ngày 19-3, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Đà Nẵng Bùi Văn Tiếng bày tỏ mong một ngày nào đó ngày hội sẽ diễn ra tại nơi cách đây khoảng 300km - quần đảo Hoàng Sa của Tổ quốc Việt Nam.

Trước đó, sự kiện văn hóa toàn quốc nhằm tôn vinh thơ Đường luật Việt Nam này đã được tổ chức tại 10 tỉnh, thành phố trên cả nước; lần thứ 10 tại tỉnh Bắc Ninh và lần 12 (năm 2017) sẽ là tỉnh Nghệ An.

Phát biểu khai mạc, Giáo sư Hoàng Chương, Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, Chủ tịch Hội thơ Đường luật Việt Nam khẳng định, thơ Đường luật luôn đồng hành với lịch sử, quá trình phát triển và mãi là món ăn tinh thần của dân tộc Việt Nam.

Theo đó, thơ Đường luật xuất hiện từ đời nhà Đường (Trung Quốc) với các thi hào kiệt xuất như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị… đã để lại cho nhân loại một kho tàng văn học mang tính nghệ thuật bác học, chuẩn mực uyên thâm và tính nhân văn cao cả.

Tiếp thu tinh hoa thơ Đường luật, các nhà thơ trong giới hào kiệt, sĩ phu Việt Nam đã kế thừa, vận dụng vào điều kiện thực tế của đất nước để cho ra đời và tồn tại một dòng thơ mang bản sắc riêng của dân tộc.

Thơ Đường luật Việt Nam, sau một thời gian dài chìm lắng, đã dần được khôi phục và trở thành một trào lưu văn học phát triển rộng rãi khắp cả nước. Một số người tiên phong đã nhóm lên tổ chức đầu tiên là CLB Thơ Đường rồi phát triển thành Hội Thơ Đường luật Việt Nam, trực thuộc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc. Sau 10 năm phát triển, Hội hiện có 68 chi hội cơ sở tại 43 tỉnh, thành phố trên cả nước với gần 2.500 hội viên.

Hằng năm, Hội xuất bản các tổng tập “Thơ Đường luật Việt Nam” (trước đây có tên là “Thắp sáng Đường thi”) với sự tham gia của hàng chục nghìn lượt tác giả. Các chi hội, 10 năm qua, cũng cho ra mắt trên 700 tập thơ Đường luật, tổ chức trên 30 cuộc thi thơ Đường…

Ngày hội Thơ Đường luật Việt Nam lần thứ 11 diễn ra tại Đà Nẵng nhân chào mừng kỷ niệm 41 năm ngày giải phóng Đà Nẵng, theo GS Hoàng Chương, cũng là dịp để “các đại biểu từ mọi miền đất nước về hội tụ, có cơ hội chiêm ngưỡng các di tích đặc biệt của thành phố biển và mình chứng những phát triển trong thời kỳ đổi mới của “Thành phố đáng sống”.

VĂN THÀNH LÊ
 

;
.
.
.
.
.