Văn hóa - Giải trí

Diều chưa "no gió"

13:50, 23/04/2016 (GMT+7)

Giải Cánh diều Vàng phim truyện điện ảnh bất ngờ được trao cho phim Trúng số của đạo diễn Dustin Nguyễn. Xét ra thì giải Cánh diều Vàng năm nay có nhiều điều bất ngờ nhưng cũng chưa đủ để khán giả có niềm tin hơn vào phim Việt vì vẫn còn nhiều điều bất cập.

Dương Ninh Lan Ngọc nhận giải Cánh diều Vàng cho Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất trong phim Trúng số.
Dương Ninh Lan Ngọc nhận giải Cánh diều Vàng cho Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất trong phim Trúng số.

Lễ trao giải Cánh diều Vàng 2015, do Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức vào tối 20-4 tại Hà Nội dường như không còn sức “nóng” để có thể kỳ vọng đây là giải Oscar của điện ảnh Việt Nam. Một trong những lý do là việc thay đổi thời gian trao giải, thay vì được tổ chức vào dịp 15-3 nhân kỷ niệm Ngày Điện ảnh Việt Nam thì giải thưởng lùi lại hơn một tháng.

Hơn nữa, kịch bản trao giải như những lần trước, cũng những lời cảm ơn có phần sáo rỗng, kiểu như “Tôi rất bất ngờ…”, “Tôi rất xúc động…”; khán phòng của Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội còn rất nhiều ghế trống. Mặt khác, những cái tên phim được xướng lên hầu hết đã được vinh danh tại giải Bông sen - Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần thứ 19 vào tháng 12 năm ngoái.

Điều bất ngờ thứ nhất chính là phim Trúng số của đạo diễn Dustin Nguyễn giành đến 3 Cánh diều Vàng cho Phim truyện điện ảnh xuất sắc nhất, Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất (Dương Ninh Lan Ngọc) và Biên kịch xuất sắc nhất (Nguyễn Mạnh Tuấn).

Bất ngờ bởi Trúng số đơn thuần là phim hài “bình dân”, có không khí nhẹ nhàng, ấm áp tình làng nghĩa xóm, chứ không có giá trị nghệ thuật cao - tiêu chí quan trọng để xứng tầm với giải vàng của “Oscar Việt”. Song, cái được của Trúng số là hài không “nhảm”, hài “sạch sẽ”. Dustin Nguyễn từng chia sẻ khi anh bắt tay làm bộ phim này rằng, “phim có chất cổ tích, vì lòng tốt của nhân vật Thơm (Dương Ninh Lan Ngọc đóng) trong xã hội hiện nay. Tôi nghĩ khán giả sẽ cảm thấy ấm áp và yêu đời với Trúng số”.

Bất ngờ thứ hai, giải bạc dành cho Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh. Trước đó, phim này được báo giới dự đoán “không có đối thủ”. Song, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (đạo diễn Victor Vũ) từng thắng lớn tại LHP lần thứ 19 đã cùng chia giải Cánh diều Bạc với Người trở về (đạo diễn Đặng Thái Huyền) và Cuộc đời của Yến (đạo diễn Đinh Tuấn Vũ).

Thực tế, phim của Victor Vũ là tác phẩm hiếm hoi được cả khán giả lẫn giới chuyên môn yêu mến, với doanh thu hơn 80 tỷ đồng. Rất tiếc, Victor Vũ đã không được xướng tên ở hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất, mà người “soán ngôi” anh là đạo diễn trẻ Đinh Tuấn Vũ. Cuộc đời của Yến cũng từng bội thu ở LHP lần thứ 19 thì nay phải chấp nhận đứng sau Trúng số.

Bất ngờ thứ ba, Cầu vồng không sắc (đạo diễn Nguyễn Quang Tuyến), được cho là dàn trải, thiếu tính cao trào, lại được tặng Bằng khen cùng với các phim Quyên (đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình) và Bảo mẫu siêu quậy (đạo diễn Lê Bảo Trung). Hơn nữa, Cầu vồng không sắc còn nhận 2 giải khác: Nam diễn viên chính xuất sắc Âm thanh xuất sắc. Khán giả có quyền đặt câu hỏi: Dường như có sự chia đều giải thưởng để khi ra về thì “cả làng đều vui”(!?).

Một bất ngờ nữa, phim Tuổi thanh xuân (đạo diễn Nguyễn Khải Anh, Bùi Tiến Huy, Myung Hyun Woo) được xướng tên giải Cánh diều Vàng phim truyền hình. Nữ diễn viên chính xuất sắc trong phim truyền hình là Nhã Phương. Bộ phim này hợp tác với Hàn Quốc không những được chấp nhận mà còn được tôn vinh ở vị trí cao nhất trong mảng phim truyền hình.

Trong khi đó, Ban tổ chức đã đặt ra tiêu chí “thuần Việt” để loại phim Em là bà nội của anh của đạo diễn trẻ Phan Gia Nhật Linh khỏi danh sách phim tranh giải bởi cho rằng, phim này Việt hóa từ kịch bản phim Hàn Quốc Miss Granny, “không có nhiều sáng tạo về mặt nghệ thuật, không phù hợp với tiêu chí của giải” (lời của Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Nguyễn Thị Hồng Ngát).

Tuy nhiên, Em là bà nội của anh lại kéo khán giả đến rạp với doanh thu kỷ lục 102 tỷ đồng, con số mà bất kỳ nhà làm phim Việt nào cũng mơ ước. Vấn đề gây tranh cãi ở đây là khái niệm phim remake (làm lại), Em là bà nội của anh được remake, chứ không copy, nên vẫn đủ điều kiện dự giải; và rõ ràng có sự lệch pha giữa Hội đồng chấm giải và thị hiếu của khán giả.

Song, dù sao điều đáng mừng là ở lĩnh vực điện ảnh, các phim Nhà nước tham dự giải thưởng lần này không còn theo kiểu làm ra với đầu tư tiền tỷ rồi cất vào kho. Trong đó, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là một ví dụ điển hình về sự thành công của phim Nhà nước.

Giải Cánh diều Vàng 2015 đã khép lại. Các đoàn làm phim và cá nhân được xướng tên thì tay bắt mặt mừng. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là làm sao để diều “cất cánh” và “no gió”, nghĩa là với các phim được tôn vinh thì khán giả phải biết đến và sự đón nhận của công chúng phải là một trong những tiêu chí quan trọng để xét giải.

TÚ PHƯƠNG

.