Văn hóa - Giải trí
Động lực cho văn hóa đọc
Dự án cà-phê sách, xây dựng đường sách Đà Nẵng, đổi mới hoạt động của hệ thống thư viện… là những nỗ lực của thành phố nhằm mang lại diện mạo mới cho văn hóa đọc Đà Nẵng.
Mô hình cà-phê sách thu hút người dân đến đọc sách. Trong ảnh: Nhiều gia đình đến Hiệu sách - Thư viện - Cà-phê của Công ty CP Green & Brown (G &B) cùng nhau đọc sách. |
Làn gió mới từ đường sách, cà-phê sách
Gần đây, người dân Đà Nẵng khấp khởi vui khi nhiều dự án dành cho văn hóa đọc sắp được triển khai. Theo đó, lãnh đạo thành phố đồng ý chủ trương xây dựng đường sách Đà Nẵng, dự kiến ra mắt vào cuối năm nay; dự án xây dựng công viên vui chơi công cộng cho trẻ em kết hợp phòng đọc và cà-phê sách có quy mô 1.000m2 tại phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà), do Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ, dự kiến khởi công vào tháng 5-2016.
Ông Nguyễn Đắc Xứng, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà cho biết, Sơn Trà đã có thư viện quận, hay những phòng đọc sách lồng ghép trong Trung tâm Văn hóa phường, thư viện tại các trường học nhưng chưa thu hút người dân. Mô hình công viên vui chơi công cộng kết hợp phòng đọc và cà-phê sách phục vụ cộng đồng thì khá mới mẻ.
Bên cạnh những dự án về văn hóa đọc, trên địa bàn Đà Nẵng xuất hiện ngày càng nhiều mô hình kinh doanh quán cà-phê kết hợp với đọc sách, thu hút nhiều bạn trẻ. Trong đó, đầu tư khá bài bản phải kể đến hiệu sách mô hình kiểu mới “3 in 1”: Hiệu sách - Thư viện - Cà-phê của Công ty CP Green& Brown (G&B) mở hồi tháng 1-2016 tại quận Thanh Khê.
Mô hình gồm tầng 1 là nhà sách với cách bài trí đẹp mắt để thu hút bạn đọc, tầng 2 là thư viện, bạn đọc có thể mượn sách đọc tại chỗ hoặc mang về, tầng 3 để phục vụ cà-phê. Nơi đây tổ chức hội sách vào ngày thứ bảy và chủ nhật tuần cuối mỗi tháng, thường xuyên có các buổi chia sẻ sách định kỳ hằng tháng, các chương trình chia sẻ về kỹ năng cho bạn trẻ, phương pháp nuôi dạy con từ các diễn giả G&B đến từ Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; chương trình giao lưu với tác giả ra mắt thơ, sách…
Chia sẻ về việc chọn Đà Nẵng làm nơi khởi đầu cho chuỗi hiệu sách mang thương hiệu G&B, bà Nguyễn Lệ Thủy, thành viên sáng lập kiêm giám đốc điều hành công ty cho rằng, Đà Nẵng là thành phố lớn thứ ba của cả nước nhưng văn hóa đọc kém xa Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Nhiều năm gắn bó với ngành sách, bà Thủy nhận ra rằng, để văn hóa đọc phát triển, cần có môi trường, không gian cho con người tiếp xúc với sách. “Tôi từng đến nhiều nhà sách ở Đà Nẵng, thấy các em nhỏ, bạn trẻ ngồi men theo hàng sách, ngay cả lối lên xuống cầu thang để đọc sách.
Tôi nghĩ tình yêu sách của người dân nơi đây không nhỏ, nhưng quan trọng là phát triển tình yêu đó như thế nào. Hơn nữa, Đà Nẵng đang thúc đẩy xây dựng thành phố văn hóa, văn minh. Chúng tôi kỳ vọng đón đầu xu hướng này, nhưng bước đầu chỉ đơn giản là mong muốn tạo điểm đến cho người yêu sách, góp phần xây dựng văn hóa đọc của thành phố”, bà Thủy chia sẻ.
Đổi mới hệ thống thư viện công cộng
Nếu các doanh nghiệp tư nhân không ngừng đổi mới cách thức để bạn đọc tiếp cận sách thì hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn Đà Nẵng hoạt động khá èo uột. Thống kê của Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố cho thấy, cả thành phố chỉ có Thư viện Khoa học tổng hợp mới được đầu tư quy mô từ tháng 8-2015, trang thiết bị và bộ máy tổ chức chưa được hoàn chỉnh.
Đối với hệ thống thư viện cơ sở, thành phố hiện có 3 thư viện cấp quận/huyện, 6 thư viện cấp phường/xã, 6 phòng đọc sách cơ sở. Tuy nhiên, cơ sở vật chất cũ kỹ, số lượng tài liệu sách, báo ít, kém phong phú nên không thu hút người dân, thậm chí nhiều nơi ngày đóng, ngày mở.
Theo khảo sát của chúng tôi, cơ sở vật chất không có, sách không chất lượng chính là những yếu tố khiến người dân không mặn mà với những điểm đọc sách báo công cộng. Chẳng hạn, tại Thư viện Khoa học tổng hợp, lượng bạn đọc chủ yếu là học sinh, sinh viên đến tìm sách giáo khoa, giáo trình để học bài; những người cao tuổi đến để đọc báo, tạp chí, trong khi lượng bạn đọc là cán bộ, trí thức chiếm tỷ lệ khá thấp.
“Từ ngày thư viện mở cửa phục vụ vào buổi tối, vợ chồng tôi cùng làm thẻ để đến đọc sách. Nhưng thật tình những cuốn sách tôi cần như bí quyết kinh doanh, hạt giống tâm hồn, hồi ký… đang “nóng” trên thị trường thì tìm chẳng thấy. Đến mấy lần rồi thôi luôn. Nếu như không mạnh dạn đổi mới thì thư viện công cộng khó lòng thu hút bạn đọc”, bạn đọc Thanh Huy (quận Hải Châu) chia sẻ.
Trao đổi về điều này, ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố cho biết, hằng năm, Thư viện bổ sung từ các nguồn khoảng 8.000-9.000 bản sách mới, 239 loại báo, tạp chí. Tuy nhiên, mức kinh phí khoảng 500 triệu đồng/năm nên có hạn chế trong trang bị nhiều tài liệu quý, sách có giá trị.
Cũng theo ông Thái, đổi mới hoạt động của thư viện là nhiệm vụ được lãnh đạo thành phố chỉ đạo cho ngành tại cuộc họp vào tháng 2-2016 vừa qua. Theo đó, Thư viện đang rà soát, đánh giá toàn diện về hệ thống thư viện công cộng để đề xuất thành phố xây những điểm cần thiết, hiệu quả; xóa những nơi không hiệu quả. Đặc biệt, nghiên cứu thay đổi phương thức hoạt động từ phương thức phục vụ tại chỗ chuyển dần sang thư viện điện tử, phục vụ sách, báo tận nhà; đầu tư mua bản sách mới, có giá trị mà bạn đọc quan tâm…
Có thể nói, văn hóa đọc của thành phố đang hội tụ nhiều điều kiện để “cất cánh”. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cải thiện văn hóa đọc cốt lõi vẫn ở chỗ dạy trẻ tiếp xúc với sách từ bé, cứ thế liên tục cho đến khi trưởng thành, hình thành thói quen đọc sách. Từ đó, giới trẻ mới yêu sách bên cạnh yêu văn hóa nghe nhìn đang rất phổ biến hiện nay. Có nghĩa là vai trò của gia đình, nhà trường đặc biệt quan trọng; còn thư viện, đường sách, nhà sách… chỉ là phương tiện thuận lợi để hỗ trợ phát triển văn hóa đọc.
Bài và ảnh: NGỌC HÀ