Ảnh tự chụp, tự mình chụp ảnh chính mình hay chụp chung với một số người khác cùng với cảnh vật chung quanh. Có người thích tự chụp ảnh mình bên cạnh những con vật hoang dã, vật nuôi… Chúng ta quen nghe từ lóng chụp ảnh “tự sướng” để chỉ công việc này.
Tổng thống Barack Obama và Ellen. |
Bức ảnh thường chụp với một máy ảnh kỹ thuật số hoặc máy ảnh điện thoại cầm tay hoặc được hỗ trợ bởi một cây gậy chỉ dành cho chụp ảnh. Thuật ngữ “tự sướng” (selfie-ảnh tự chụp) đã được nhà nhiếp ảnh gia Jim Krause đưa ra bàn cãi, thảo luận vào năm 2005, mặc dù hình ảnh thực hiện theo thể loại này xuất hiện trước khi thuật ngữ “tự sướng” được sử dụng, phổ biến.
Trong những năm 2000, trước khi Facebook trở thành mạng xã hội trực tuyến chiếm ưu thế, ảnh tự chụp phổ biến trên MySpace. Tuy nhiên, nhà văn Kate Losse kể lại rằng giữa năm 2006 và 2009 thì Facebook ngày càng trở nên phổ biến hơn so với MySpace. Dần dần về sau, sự cải tiến trong thiết kế, đặc biệt là các máy ảnh “ở mặt trước” (có thể xem ngắm màn hình thuận tiện hơn) của iPhone 4 (2010) và các ứng dụng hình ảnh di động như Instagram và Snapchat dẫn đến sự hồi sinh của ảnh tự chụp vào những năm đầu 2010.
Cựu Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-Bak và cầu thủ bóng đá Ji So Yun. |
Hiện nay trên mạng xã hội truyền thông đang xuất hiện nhiều ảnh chụp “tự sướng” của những người nổi tiếng và các nhà chính trị như cựu Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-Bak và cầu thủ bóng đá Ji So Yun; tại Ấn Độ, ứng cử viên Đảng BJP, Thủ tướng Narendra Modi đăng tải một bức ảnh tự chụp trên Twitter sau khi bỏ phiếu trong Gandhinagar, Ấn Độ. Vào tháng 7- 2014, Thụy Sĩ đã trở thành nước đầu tiên chụp hình ảnh toàn bộ viên chức Chính phủ… đưa lên mạng.
Vài năm trước đây, ở Hoa Kỳ, Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng với Bill Nye và Neil deGrasse Tyson cùng chụp ảnh “tự sướng” tại Nhà Trắng. Một lần khác, Tổng thống Barack Obama dự lễ tưởng niệm Nelson Mandela tại Soccer City ở Johannesburg với các nhà lãnh đạo thế giới đã có một bức ảnh tự chụp - chia sẻ nụ cười với Thủ tướng Đan Mạch Helle Thorning-Schmidt, và sau này, một ảnh khác, với Thủ tướng Anh David Cameron.
Ngồi trên gờ cửa sổ tầng lầu ở Tokyo chụp ảnh “tự sướng” |
Và cái ảnh “ tự sướng” mới, thú vị nhất của Tổng thống Barack Obama đã phá vỡ một trong những nguyên tắc của mình. Trước đó, ông tuyên bố với công chúng ở Illinois “không nên sử dụng ảnh tự chụp, sợ rằng đã có ảnh thì không ai muốn bắt tay, trong khi, tôi rất muốn bắt tay từng người”. Nhưng khi xuất hiện trên chương trình Ellen DeGeneres Show, nhân ngày Lễ tình nhân vào tháng 2 vừa qua, Tổng thống Barack Obama đã nở nụ cười rất tươi bên cạnh Ellen, người dẫn chương trình, qua “ảnh tự chụp” bằng điện thoại thông minh.
Tuy nhiên, tổng kết từ năm 2015 đến nay, theo The Guardian, ảnh tự chụp “táo bạo” đã mang lại nhiều trường hợp gây chấn thương đến tử vong trên thế giới. Ví dụ, tại Ấn Độ, 3 sinh viên bị tàu sắt cán chết khi đang cố chụp ảnh “tự sướng” gần con tàu; hoặc hai người đàn ông ở vùng núi Ural chết khi đang chụp ảnh “tự sướng” với một quả lựu đạn. Tại Indonesia, Eri Yunanto tử nạn khi rơi vào một miệng núi lửa lên núi Merapi ở Java khi đang chụp ảnh. Ở Bali, một khách du lịch Singapore, Mohamed Aslam Shahul, đang chụp ảnh thì bị sóng đánh, đập vào vách đá và tử nạn. Ba người trong công viên quốc gia Yellowstone ở Mỹ bị con bò rừng húc trong khi chụp ảnh “tự sướng” ở vị trí quá gần với chúng…
Nhiếp ảnh gia Paul Souders “chụp ảnh tự sướng” với gấu xám ở Công viên quốc gia Katmai, Alaska. |
Ở Nga, những cái chết “selfie-ảnh tự sướng” đang trở thành một vấn đề quan tâm của quốc gia. Yelena Alexeyeva, trợ lý Bộ trưởng Nội vụ cho biết, Bộ Nội vụ đã phát động một chiến dịch an toàn công cộng, cảnh báo mọi người không nên tự chụp ảnh mình ở những nơi nguy hiểm, và có lẽ một ngày nào đó, bài học “selfie - ảnh tự chụp an toàn” sẽ là bài học rút ra từ thực tế của cuộc sống sẽ hiện diện trong các chương trình học của thế giới.
HOÀNG ĐẶNG