ĐNĐT - Sáng 17-5, tại nhà thờ Thái Phiên làng Nghi An, UBND quận Cẩm Lệ phối hợp với Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Đà Nẵng tổ chức lễ tưởng niệm 100 năm ngày chí sĩ Thái Phiên hy sinh. Đến dự có Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh (phải) và các đại biểu viếng hương chí sĩ Thái Phiên. |
Chí sĩ Thái Phiên (1882 – 1916) người làng Nghi An, xã Hòa Phát, huyện Hòa Vang; nay là phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng. Thuở nhỏ ông học chữ Hán, sau theo Tây học, sớm nuôi chí lớn, ngấm ngầm hoạt động chống thực dân Pháp. Năm 1904, ông tham gia phong trào Ðông Du, năm 1908 tham gia phong trào kháng sưu giảm thuế bùng phát mạnh mẽ tại Quảng Nam. Từ năm 1913, ông là một trong những người lãnh đạo Việt Nam Quang Phục Hội miền Nam Trung Kỳ.
Đầu năm 1916, ông cùng với đồng chí, đồng hương là Trần Cao Vân gặp vua Duy Tân thống nhất kế hoạch khởi nghĩa chống Pháp. Chưa kịp hành động thì cơ mưu bị bại lộ, cuộc khởi nghĩa không thành, Thái Phiên, Trần Cao Vân và vua Duy Tân bị Pháp bắt trên đường lên căn cứ vào rạng sáng ngày 4-5-1916.
Nhà vua yêu nước bị Pháp đưa vào Đà Nẵng, xuống tàu đày qua đảo Réunion thuộc Pháp. Các nhà chí sĩ tham gia cuộc khởi nghĩa bị đày đi nhiều nơi. Riêng chí sĩ Thái Phiên cùng ba đồng chí Trần Cao Vân, Tôn Thất Đề và Nguyễn Quang Siêu bị thực dân Pháp và Nam triệu xử chém tại pháp trường An Hòa (Huế) vào ngày 17-5-1916.
Cách mạng Tháng Tám thành công, tên chí sĩ Thái Phiên được đặt cho thành phố Đà Nẵng (thành Thái Phiên), tên chí sĩ Trần Cao Vân được đặt cho tỉnh Quảng Nam (tỉnh Trần Cao Vân). Đến nay, tên của hai chí sĩ yêu nước người Quảng này đã được đặt cho tên trường, tên đường… tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh mong rằng chính quyền địa phương, họ tộc Thái làng Nghi An và các cơ quan chức năng tiếp tục bảo vệ, sưu tầm các tài liệu, hình ảnh liên quan đến chí sĩ Thái Phiên để góp phần làm giàu cho kho tàng lịch sử - văn hóa của thành phố Đà Nẵng.
Tại buổi lễ, Ban tổ chức trình chiếu phim tài liệu Huyền sử mộ đôi do Đài Phát thanh – Truyền hình Quảng Nam sản xuất, qua đó khẳng định rằng, khởi nghĩa Duy Tân năm 1916 không phải là cuộc phiến loạn, binh biến, binh cách hay là âm mưu khởi nghĩa như nhận định của một số nghiên cứu trước đây mà là cuộc khởi nghĩa có quy mô và tầm quan trọng đặc biệt với cống hiến lớn lao của Thái Phiên và Trần Cao Vân.
Tin và ảnh: V.T.LÊ