Văn hóa - Giải trí
Tóc ngắn tóc dài Những trang viết đong đầy yêu thương
Tóc ngắn tóc dài (NXB Đà Nẵng, 2016) là những trang viết với lối hành văn dung dị, mộc mạc nhưng bàng bạc tình yêu thương dành cho quê hương, gia đình… và chất chứa những cảm nhận, triết lý rất đỗi tinh tế, nhân văn từ cuộc sống.
Tóc ngắn tóc dài vừa được NXB Đà Nẵng ấn hành. |
Việc sở hữu một tập sách tập hợp những bài viết tâm đắc của mình ở nhiều thể loại như: ký, ghi chép, tản văn… là mong mỏi từ rất lâu của Nguyễn Đức Nam nhưng đến nay anh mới thực hiện được khi ở tuổi ngũ tuần. Có lẽ nghề báo với dòng chảy của sự kiện và vai trò lãnh đạo của một cơ quan báo chí (Báo Công an Đà Nẵng) khiến anh không có nhiều thời gian để ngồi lại với công việc tỉ mẩn của chính mình, cho riêng mình: tuyển chọn, tập hợp những bài viết tâm đắc trong một tuyển tập gọi là “lưu giữ kỷ niệm thân thương nhất”.
Với 50 bài viết trong dặm dài hành trình của hơn 25 năm cầm bút, trong đó có những bài viết cũ và cả những tác phẩm mới, lần đầu được giới thiệu, thông điệp dễ dàng nhận thấy trong Tóc ngắn tóc dài chính là tình yêu quê hương, gia đình và cuộc sống. Tóc ngắn tóc dài được hình thành bằng lăng kính của một nhà báo - người làm thơ, một người từ quê ra phố mang theo cái chân chất của miền quê Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam), với tuổi thơ lấm lem bùn đất và đến nay đã đi qua hơn nửa cuộc đời, trải nghiệm bao vui - buồn, được - mất ở chốn thị thành. Song, sâu thẳm trong anh vẫn vẹn nguyên những ký ức về “những sớm mùa đông cắt da cắt thịt í ới gọi bạn bè đi gỡ trúm lươn giữa đồng, nhớ khi đã leo hết con dốc cao đi đốt than, đốn củi mà trời vẫn còn lờ mờ trong sương núi chưa kịp sáng…”. Đọc bài Nơi nương tựa đời người, mới hiểu dáng dấp làng quê chưa bao giờ mất trong anh, để cùng thổn thức với tác giả khi “chợt nghe cơn gió Giêng - Hai thổi tạt là thương nhớ quay quắt đồng quê, thương cây lúa đang lên đòng phải vật vã ngậm sữa cho một vụ mùa. Ở phố hễ nghe chớp biển là nghĩ đến mưa nguồn, cứ rộ lên mùa cá chuồn là nghĩ đến quả mít non quê nhà. Mỗi mùa mưa bão là thao thức suốt đêm không biết “nước lớn, nước giựt” đến đâu rồi. Và cứ sau mỗi mùa lũ, bùn non còn ì oạp nuốt đến bắp chân cũng lặn lội trở về với quê…”.
Nếu ai ở xa quê, đọc những dòng chữ trên, chắc hẳn có lúc ngân ngấn nước mắt và nhận ra đó là nơi bình yên nhất giữa cuộc sống tất bật với bao bộn bề lo toan. Bởi lẽ, trong mỗi người, ai cũng có quê hương để nhớ. Vì vậy, thật dễ hiểu khi trong Tóc ngắn tóc dài, bài nào viết về quê cũng rưng rức (Nơi nương tựa đời người, Quê nội, Mẹ quê ra phố…); và bài nào về cha, mẹ (Ba mươi năm xa cha, Tết ở quê nhà…) cũng đong đầy cảm xúc, như tác giả viết:“Mẹ của con còn chưa kịp ngắm nhìn hạnh phúc khi Cha trở về sau chiến tranh, lại phải chia tay với Cha một lần nữa. Cuộc chia tay vĩnh viễn. Nỗi đau xé lòng, nỗi đau nhân đôi. Vò võ cô đơn năm tháng còn lại nuôi một nách 4 đứa con nhỏ bươn bả qua thời khốn khó cùng cực của đất nước thời bấy giờ, dễ dầu gì ai đong đếm cho hết nỗi đau của Mẹ”.
Tôi thích mảng “Quê” trong Tóc ngắn tóc dài bởi đọc cứ thấy day dứt, ám ảnh. Phải chăng, dòng chảy vội vã của cuộc sống cuốn chúng ta đi trong nỗi lo cơm - áo, đôi khi chúng ta đã hững hờ với chính góc bình yên nhất trong tâm hồn mình? Khi viết về quê, Nguyễn Đức Nam dường như hoàn toàn được trở về với tính nghệ sĩ của người làm thơ. Thế nên, trong văn của anh chứa nhiều chất thơ - điều đó rất khác biệt với những bài báo cũng của chính anh luôn mang đậm chất thông tấn, đầy góc cạnh và trực diện các vấn đề nóng hổi của cuộc sống.
Trong Tóc ngắn tóc dài, Nguyễn Đức Nam cũng dành khá nhiều trang viết về mảng “Phố” - thành phố Đà Nẵng, phần lớn là bút ký, ghi chép, tạp bút. Một Ngỡ ngàng Đà Nẵng được viết bằng tình yêu dành cho thành phố sông Hàn. Một Thành phố khát vọng được viết bằng niềm tự hào khi Đà Nẵng thay da đổi thịt, mở mang phố xá, tạo dựng nơi ăn chốn ở ổn định cho dân, mà như ai đó đã nhận xét: Đà Nẵng đã xây dựng được những giá trị nhân văn mới. Một Nhà chồ ngày ấy, bây giờ được viết bằng niềm vui và cả sự hoài niệm khi rất nhiều nhà chồ, tập trung ở các phường ở quận Sơn Trà đã đổi đời nhờ chủ trương giải tỏa. Một Tạm biệt chim én là nỗi trăn trở, bâng khuâng khi quá trình hiện đại hóa thành phố phải chia tay đài nước cũ, tiễn biệt những đàn chim én chao liệng, ríu ra ríu rít ngày nào…
Với Tóc ngắn tóc dài, đứa con tinh thần đầu tay này, Nguyễn Đức Nam đang lưu giữ những “kỷ niệm thân thương nhất” mà anh gọi đó là nơi “ấm áp trái tim quay về”. Chắc hẳn 50 bài trong một tuyển tập gần 250 trang vẫn chưa đủ để nói hết những gì mà nhà báo Nguyễn Đức Nam muốn gửi gắm, chuyển tải. Song, khi gấp lại tập sách này, người đọc sẽ nhớ một giọng văn nhẹ nhàng, tự nhiên như hơi thở và sẽ cảm thấy lòng bình yên - “bình yên một thoáng cho tim mềm”.
TÚ PHƯƠNG
(*) Sách có bán tại nhà sách Phương Nam (252 - 254 Lê Duẩn, Đà Nẵng) và Trung tâm thương mại Vincom Ngô Quyền - Đà Nẵng