Văn hóa - Giải trí
Nuôi dưỡng tình yêu thiên nhiên
1. Cứ đến gần ngày cuối tuần, hội các bà mẹ có con nhỏ trong nhóm bạn của tôi lại bắt đầu tranh luận xem tuần này sẽ đưa bọn trẻ đi chơi ở đâu. Chẳng biết từ khi nào các bà mẹ vốn rất thân thiết và luôn cùng quan điểm giờ chia hai phe rõ rệt. Một bên muốn đưa bọn trẻ đến mấy quán cà-phê máy lạnh để lũ trẻ tự chơi, hoặc lẫm chẫm chạy nhảy xung quanh; bé nào nghịch quá thì được mẹ đưa cho chiếc điện thoại hoặc máy tính bảng để nghe nhạc, xem hoạt hình để các mẹ có thời gian chuyện trò với nhau. Một người trong nhóm lý giải: “Cả tuần đi làm mệt lắm rồi, cuối tuần mình cũng cần được xả hơi, nghỉ ngơi một chút”.
Phía còn lại muốn đưa con đến các khu, điểm vui chơi có nhiều không gian cây xanh để các con được tự do khám phá, tự do chạy nhảy, hòa cùng thiên nhiên, nắng, gió. Thế nhưng, cứ mỗi lần các mẹ yêu thích thiên nhiên “rủ rê” lại bị các mẹ chọn cà-phê máy lạnh than phiền rằng buổi sáng cuối tuần, đánh thức con dậy, cho con vệ sinh, ăn sáng các kiểu; đến lúc ra khỏi nhà đã hơn 9 giờ, mặt trời đã lên cao, nắng đã chói chang, chẳng biết các con có chơi được gì không hay chạy nhảy rồi về ốm, sốt, sụt sịt..., mọi việc lại đến tay các bà mẹ thì mệt hết muốn thở luôn.
2. Tâm lý chung của các bà mẹ trẻ lần đầu có con nhỏ đều sợ con bị ốm, sợ con không quen với nắng, gió nên mỗi lần đi đâu đều phải nhìn trời, nhìn đất, rồi che đậy, bao bọc con thật kỹ để tránh khói, bụi, ô nhiễm môi trường. Vì vậy, rất nhiều trẻ chỉ quanh quẩn với các món đồ chơi trong nhà, hoặc những bộ bàn ghế salon, phòng máy lạnh, biết đến thiên nhiên qua các thiết bị điện tử. Tôi nhớ có lần đọc cuốn sách Để con được ốm của bác sĩ Nguyễn Trí Đoàn, xung quanh việc chăm sóc cơ bản cho trẻ giai đoạn từ 0-5 tuổi, để con có thể trưởng thành thì con còn có quyền “được ốm”.
Bác sĩ Đoàn viết: “Mẹ nào cũng thương con nên lúc nào cũng muốn con được bảo vệ, vì thế trẻ không có cơ hội tiếp xúc với bệnh. Tình thương đó đúng, chính đáng nhưng không có lợi cho trẻ. Bệnh ở trẻ đa số là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm siêu vi..., những bệnh đó muốn ngừa được thì trẻ phải được quyền bệnh, nghĩa là bố mẹ phải cho bé bệnh thì cơ thể mới sinh ra kháng thể”. Đấy là những chia sẻ rất cơ bản, rõ ràng nhưng không phải bà mẹ trẻ nào cũng đủ dũng cảm để thực hiện.
3. Người mẹ nào cũng có những nỗi sợ mơ hồ, lo lắng cho những đứa con bé bỏng của mình. Thế nhưng, khi vượt qua được nỗi sợ hãi thì đó là niềm yêu thích, đam mê. Rất nhiều bố mẹ vẫn cần mẫn tìm những địa điểm phù hợp để con được tự do khám phá. Con còn nhỏ thì thỉnh thoảng đưa đến Công viên 29-3 để con có không gian rộng rãi chạy nhảy, được chạm vào cây cỏ, được ngửi thấy mùi của đất, mùi của một vài con vật có trong công viên. Con lớn hơn một chút thì được đưa đến Công viên Biển Đông, chơi trên thảm cỏ xanh mát dưới rặng dừa bình yên.
Các con sẽ thấy những chú bồ câu hiền lành, thân thiện, được làm quen với những người bạn mới, hay hòa mình vào dòng nước biển xanh mát để nếm vị mặn mòi của biển. Có khi đó là những chuyến dạo quanh Sơn Trà, nếu may mắn con sẽ được thấy những đàn khỉ đang thong dong ngồi chơi bên đường đi. Khi có tiếng động, đàn khỉ lại ào ào bỏ chạy, chỉ còn tiếng xào xạc trong từng khóm cây.
Hay cha mẹ ghé vào suối Đá để con được nhặt những viên sỏi đầu tiên ném xuống dòng nước; hay vào Tịnh viên Sơn Trà nằm bên núi để con chơi dưới vườn tre, trúc hàng trăm loại, sờ vào nhũng chiếc lá sen xanh mướt vẫn thoang thoảng mùi thơm, cho đàn cá dưới ao đang tung tăng bơi lượn ăn những mẩu bánh mì vụn... Khi đó, các con không chỉ tự cảm nhận thiên nhiên theo cách riêng của trẻ thơ mà bố mẹ cũng có rất nhiều điều để chia sẻ, kể với con từ những câu chuyện thực tế.
Mỗi bố mẹ đều có quyền nuôi con theo cách của riêng mình nhưng hãy để con được “chạm” vào cuộc sống, để con được lớn lên, nuôi dưỡng tình yêu cùng với mẹ thiên nhiên.
THU HÀ