Đà Nẵng cuối tuần
Rẽ lối cho đam mê nhiếp ảnh
Lần đầu tiên nhìn thấy tập phóng sự ảnh cưới do Khải Hoàn chụp cách đây hai năm, tôi không khỏi bất ngờ trước những hình ảnh chân thật, đầy cảm xúc, ghi lại những khoảnh khắc ý nghĩa của mọi thành viên gia đình cô dâu trong một ngày trọng đại.
Bộ phóng sự ảnh cưới do Khải Hoàn thực hiện. Ảnh: S.L |
Để chụp những bức ảnh đó, Khải Hoàn phải đến nhà khách hàng từ 5 giờ sáng, xem xét hết mọi góc chụp và bấm máy cả nghìn tấm ảnh mới có được một phóng sự ảnh cưới kể lại mọi hoạt động, mọi ánh mắt và cả tâm trạng của cô gái trước giờ phút bước về nhà chồng. Album cưới “bắt” được những cảm xúc đó như mang một làn gió mới, lấy sự tự nhiên của cô dâu chú rể làm nền; cùng những trạng thái cảm xúc cha mẹ, bạn bè, người thân trong một thời khắc thiêng liêng gắn kết hai con người. Và đó chính là những thời khắc hai người sẽ ghi nhớ suốt đời, và có thể “thưởng thức” khoảng thời gian lắng đọng ấy mãi mãi về sau.
Nét độc đáo của ảnh cưới phóng sự theo kiểu báo chí là sự chân thực, xuyên suốt và thể hiện được cảm xúc say mê, hạnh phúc của đôi uyên ương. Đặc biệt, những bức ảnh cũng ngụ ý kể một câu chuyện nào đó. Để khi ta lật giở từng trang của tập ảnh cưới cũng giống như ta đang đọc một câu chuyện bằng hình ảnh.
Khải Hoàn cho biết, ở Đà Nẵng bạn mới thực hiện hai bộ phóng sự ảnh cưới, còn nhận chụp cho khách ở thành phố Hồ Chí Minh thì rất nhiều: “Ở thành phố Hồ Chí Minh, người ta chuộng phóng sự ảnh cưới hơn, vì nó chân thực, ghi lại những khoảnh khắc quan trọng của ngày ăn hỏi, hoặc ngày tổ chức lễ cưới”. Cách kể lại câu chuyện bằng hình ảnh trong khoảng thời gian diễn ra lễ cưới, từ lúc bắt đầu cho tới lúc kết thúc một cách tự nhiên và chân thực nhất cũng là xu hướng mà các bạn trẻ ở phương Tây áp dụng. Hiện chỉ có những bạn trẻ có khả năng tài chính, sống độc lập thích xu hướng này. Phóng sự cưới đầu tiên được Hoàn chụp cho hai người bạn thân từ hồi tiểu học, thực hiện cách đây chừng 5 năm. Chụp một bộ ảnh phóng sự ngày cưới bắt buộc phải bám theo diễn biến sự kiện.
Lần đầu tiên, Hoàn đến nhà cô gái xem xét các hướng ánh sáng. Đến ngày cần chụp ảnh, Hoàn phải đến rất sớm. Đó là lúc cô dâu dậy sớm chuẩn bị trang điểm, rồi một người lớn trong gia đình thắp cây nhang đầu tiên trên bàn thờ gia tiên cáo với tổ tiên sự việc sẽ diễn ra hôm ấy. Rồi ấm trà mới pha bốc hơi nghi ngút, hướng ánh mắt của người mẹ, hình ảnh cậu em hay đứa cháu trong gia đình vân vê tấm áo dài cưới cô dâu vừa mặc.
Giây phút gia đình chú rể chạm ngõ, mẹ cô dâu dắt con gái đi ra từ phòng riêng. Trong khi hai họ chào nhau, nói chuyện, có cả ánh mắt chú rể nhìn về phía người bạn gái, người sẽ thành người bạn đời trăm năm trong ít phút nữa… Phóng sự ảnh cưới có thể nói là giúp Hoàn định hình phong cách nhiếp ảnh của mình.
Khải Hoàn đến với nhiếp ảnh khi còn là sinh viên chuyên ngành Marketing, Trường ĐH Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh. Mê được cầm máy ảnh quá, dành dụm được một ít tiền, Hoàn mua lại chiếc máy ảnh cũ của người bạn. Hồi mới cầm máy, đụng cái gì cũng chụp, không biết lấy nét, chọn khẩu độ và ánh sáng phù hợp, Hoàn… thất vọng vì những bức ảnh mình chụp trong suốt 2 tháng không có bức nào ưng ý. Vậy là anh chàng cất máy, nghĩ là mình phải từ bỏ ước mơ về những bức ảnh lung linh mà lâu nay mình tưởng tượng ra.
Rồi năm 2009, Hoàn tốt nghiệp, ở lại thành phố, đi làm. Hoàn làm mảng kinh doanh, gặp đúng giai đoạn kinh tế gặp nhiều khó khăn, nên cũng không có nhiều công việc để bị cuốn hút vào. Thế là vào ngày cuối tuần, Hoàn cầm máy lang thang cùng nhóm bạn. Các bạn chỉ cho Hoàn cách chụp, cách lấy khẩu độ, cách ngồi chờ một bóng nắng và chờ xem có ai đi xe đạp ngang qua bóng nắng đó để có được tấm ảnh bóng người trên tường. Hoàn bảo, chụp tĩnh vật mới giúp cho mình “lên tay”, vì tĩnh vật không biết diễn.
Một ngày, một người bạn du học ở Pháp về, nhờ Hoàn chụp ảnh cưới. Hoàn đồng ý nhưng chỉ chụp được chừng một giờ thì không thể chụp vì… hết ý tưởng. “Bởi lúc đó em chưa có sức bền, chưa có sự linh hoạt cũng như những ý tưởng khác nhau, nên dễ bị đuối. Để xong bộ ảnh cưới cho bạn, em phải mất 2 ngày”, Hoàn bộc bạch.
Theo lời khuyên của anh giám đốc công ty, Hoàn chuyển sang chụp ảnh thay vì rèn để thành “chuyên gia” marketing. Bạn chụp ảnh món ăn cho một công ty kinh doanh trực tuyến, rồi cứ thế, dấn vào nghiệp ảnh lúc nào chẳng hay.
Năm 2012, Hoàn về Đà Nẵng, cha mẹ biết cậu con trai mê chụp ảnh nên phản đối, bắt Hoàn phải làm việc Nhà nước để “yên ổn”. Hoàn vào làm cho một công ty kiến trúc, nhưng được vài tuần rồi dừng vì biết không thích thì mình không làm được gì. Thế là bắt đầu những ngày xách máy đi khắp nơi, chọn niềm vui ngày cưới của nhiều người giúp mình thỏa đam mê. Về Đà Nẵng mà bạn bè, người quen ở Sài Gòn mời vô chụp ảnh rất nhiều.
Đặc biệt, Hoàn và cô bạn gái Cẩm Nhung rất thích chụp các bộ ảnh về các em bé, với đầy đủ sự trong sáng, thánh thiện mà các bạn nắm bắt trong từng khoảnh khắc. Bây giờ Hoàn và Nhung đã có một tiệm chụp ảnh và cho thuê đồ cưới mang tên La Nina với những đam mê sáng tạo có nhiều cơ hội để thể hiện.
Hoàn bảo, nhiếp ảnh nó “vận” vào mình rồi, giúp thỏa mãn đam mê. Cái được mà bạn có là không thỏa mãn với chính mình, luôn tự làm mới, tự khám phá để luôn có những bức ảnh đẹp nhất. Muốn thế phải bỏ công dò từng cảnh chụp, thử máy để xem các góc chụp đã hoàn hảo chưa. Và nhiều bạn bảo Hoàn chụp ảnh hơi buồn, cậu chỉ cho tôi từng bức ảnh bây giờ và trước đây, rồi kết: “Hồi xưa em chụp ảnh đẹp mà nhìn buồn, vì nó trầm quá, giờ thì đỡ rồi”.
SONG LINH