Dù nắng hay mưa, đều đặn mỗi tháng, Đội chiếu bóng lưu động (thuộc Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Đà Nẵng) lại lên đường phục vụ bà con vùng ven, nông thôn, miền núi. Niềm vui không ít, nhưng nỗi buồn cũng ngày một nhiều hơn theo sự bùng nổ các phương tiện nghe, nhìn hiện đại.
Đội chiếu bóng lưu động về phục vụ người dân thôn Phú Túc tối 28-7. Ảnh: NGỌC HÀ |
Rộn rã làng quê nghèo
Dưới cái nắng hầm hập của chiều hè tháng 7, bốn thành viên Đội chiếu bóng lưu động cặm cụi tại nhà gươl thôn Phú Túc (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang) với nhiều công việc chuẩn bị cho suất chiếu phục vụ trẻ em vùng quê nghèo này. Anh Phan Công Dũng, Đội trưởng Đội chiếu bóng lưu động sau một hồi quan sát vị trí lắp đặt màn hình đã “nhắm” được mảnh đất rộng bên cạnh nhà sinh hoạt truyền thống để dựng màn hình 300 inch. Trong khi đó, 3 thành viên còn lại của đội khẩn trương lắp đặt máy chiếu, căn chỉnh âm thanh, nối đường dây điện... Dù còn mấy giờ đồng hồ nữa mới bắt đầu, nhưng vài đứa trẻ trong thôn đã kéo đến xem, không khí yên bình nơi làng quê bỗng chốc sôi động hẳn.
19 giờ, nhạc hiệu nổi lên, những ánh mắt trẻ thơ dồn về phía màn ảnh chăm chú theo dõi bộ phim “Chú khủng long tốt bụng”. Bé Đinh Thị Ngọc Yến (học sinh lớp 2, Trường tiểu học Hòa Phú) hào hứng nói: “Con đã xem nhiều bộ phim hoạt hình trên ti-vi, nhưng xem ở cái màn hình to thế này thì thích hơn. Nghe mọi người bảo có đội chiếu phim về, tụi con đợi mãi. Chiều nay, con hối mẹ ăn cơm thật sớm để đi coi phim”.
Không khó hiểu tại sao trẻ con nơi đây háo hức với hoạt động xem phim ngoài trời đến thế, bởi điều kiện giải trí còn nhiều thiếu thốn. Song vui mừng hơn cả, có lẽ là những thành viên Đội chiếu bóng lưu động. Lặng nhìn các em say sưa xem phim, anh Phan Công Dũng không giấu sự xúc động. “Nghề chiếu bóng lưu động cũng giống “ông bầu” ca nhạc vậy. Bữa nào khán giả thưa thớt thì héo hon cả ruột, bữa nào khán giả đông đúc, lòng vui như hội. Thử hỏi, nghề anh em tôi chủ yếu chiếu phục vụ bà con vùng quê, họ mà không tới, một mình giữa sân bãi mênh mông không buồn sao được”, anh Dũng tâm sự.
Đau đáu chuyện nghề
Nơi Đội chiếu bóng lưu động đến là các xã nông thôn, miền núi thuộc huyện Hòa Vang (11 xã, đặc biệt là các thôn Tà Lang, Giàn Bí thuộc xã Hòa Bắc; thôn Phú Túc, xã Hòa Phú), quận vùng ven, trẻ em làng SOS, khu công nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang và các trường đại học trên địa bàn thành phố. Các bộ phim được chiếu chủ yếu là phim truyện, phim tài liệu, hoạt hình thiếu nhi nhân các ngày lễ lớn của đất nước. Ngoài ra, Đội còn chiếu phim tuyên truyền thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị”, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo, phòng chống các tệ nạn xã hội, an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm...
Anh Phan Công Dũng cho rằng, dù phương tiện truyền thông ngày càng hiện đại nhưng hoạt động chiếu bóng lưu động vẫn đóng vai trò quan trọng trong tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và trên hết là góp phần nâng cao đời sống tinh thần người dân vùng ven, vùng nông thôn. “Chừng nào nhu cầu hưởng thụ văn hóa, giải trí của người dân vùng ven, vùng nông thôn chưa được đáp ứng đầy đủ thì chiếu bóng lưu động vẫn là lựa chọn không thể thiếu. Hơn nữa, những buổi chiếu bóng lưu động giúp duy trì tính cộng đồng - nét văn hóa đẹp của làng quê”, anh Dũng nói.
Theo nghề hơn 30 năm nay, anh Lê Xuân Hiệp, thành viên của đội chia sẻ, hiện tại, làm nghề gặp nhiều khó khăn nhưng cũng có nhiều niềm vui. Đó đơn giản là trẻ con vùng quê “vây” các anh xin xem phim, là hình ảnh các bà, các mẹ nắm tay cảm ơn vì được xem tư liệu về cuộc đời những người làm cách mạng như các mẹ... Song niềm vui ấy cũng nhanh chóng qua đi và các anh lại đau đáu về nghề...
Anh Dũng chia sẻ thêm, so với trước đây, nghề chiếu bóng lưu động đang gặp khó về lượng khán giả. Hào quang của nghề khoảng mười mấy năm về trước, khi phương tiện truyền thông (ti-vi, Internet) chưa phổ biến. Thời điểm ấy, mỗi buổi chiếu, người dân nườm nượp kéo đến, lót cả dép ngồi dưới đất. Còn bây giờ, khán giả vơi đi rất nhiều, mỗi đêm chừng 100 người đã là thành công.
Dẫu vậy, mỗi tháng đều đặn, dù mưa hay nắng, Đội lại lên đường phục vụ bà con. Trời nắng thì không sao, những hôm trời mưa, các thành viên phải đèo máy móc, thiết bị bằng xe máy nên phải tìm cách che chắn sao cho không bị hư hỏng. Trong khi đó, anh Hiệp bày tỏ: “Ở các làng quê bây chừ, ti-vi, điện thoại di động đều có cả. Nếu không có định hướng đúng, tôi lo sợ người ta sẽ quay lưng với chiếu bóng lưu động. Riêng chúng tôi, những người gắn cả tuổi thanh xuân với nghề, luôn trân trọng và hiểu sứ mạng của người làm chiếu bóng lưu động”.
Khi được hỏi có khi nào muốn bỏ nghề, bốn thành viên Đội chiếu bóng lưu động đều cho rằng, trải qua chừng ấy năm, vui có, buồn có nhưng không ai nghĩ đến chuyện bỏ nghề!
Để phát huy hiệu quả của hoạt động chiếu bóng lưu động, vài năm gần đây, Đội chủ động thay đổi phương thức hoạt động, chú ý hình thức tuyên truyền như: sử dụng loa cổ động trước các buổi chiếu; thông báo thời gian, địa điểm, nội dung buổi chiếu đến nhân dân để huy động người xem; quay lại một số hình ảnh “hậu trường” của bà con tại một số địa phương, đơn vị khi đến xem buổi chiếu để tạo sự sôi động cho chương trình. Đến nay, hoạt động Đội vẫn bảo đảm chỉ tiêu giao. Năm 2015, Đội phục vụ 258 buổi chiếu, thu hút 44.570 lượt người xem; 6 tháng đầu năm 2016, phục vụ 140 buổi chiếu, thu hút 24.680 lượt người xem. |
NGỌC HÀ