.

Phát triển văn hóa đọc ở cơ sở: Cần cách làm phù hợp

.

Quận Hải Châu đã và đang triển khai nhiều mô hình cà-phê sách và các điểm đọc sách tại nhà sinh hoạt cộng đồng (NSHCĐ). Tuy nhiên, muốn phát huy văn hóa đọc tại các địa điểm này, cần tăng cường chất lượng sách và người quản lý sách.

Điểm cà-phê sách Boom trở thành địa chỉ quen thuộc của phụ nữ phường Hòa Thuận Tây trong phong trào xây dựng văn hóa đọc. 					              	               Ảnh: NGỌC HÀ
Điểm cà-phê sách Boom trở thành địa chỉ quen thuộc của phụ nữ phường Hòa Thuận Tây trong phong trào xây dựng văn hóa đọc. Ảnh: NGỌC HÀ

29 điểm đọc sách, báo

Không giống các quận, huyện khác, Hải Châu không có thư viện cấp quận do đã có Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố nằm trên địa bàn. Vì thế, phát triển văn hóa đọc cơ sở là hướng đi được UBND quận chú trọng trong thời gian qua. Tính đến tháng 7-2016, trên địa bàn 13 phường có tổng cộng 29 điểm cà-phê sách đã và đang dự kiến triển khai (trong đó 20 điểm đã đi vào hoạt động). Cụ thể, phường Thuận Phước triển khai 5 điểm cà-phê sách (gồm 4 điểm tại quán cà-phê và 1 điểm đọc sách tại NSHCĐ); phường Hòa Thuận Tây triển khai 4 điểm (gồm 3 điểm cà-phê và 1 tại NSHCĐ); phường Hải Châu 2 và phường Bình Hiên có 3 điểm cà-phê sách; các phường còn lại đều có từ 1 đến 2 điểm cà-phê sách.

Có thể nhận thấy, dù mới triển khai nhưng các điểm cà-phê sách trên địa bàn quận thu hút sự quan tâm của nhiều người. Anh Lê Tiến Dũng, chủ quán cà-phê Lucia (83/2 Trần Phú) chia sẻ, ngay khi cán bộ văn hóa phường đến bàn về việc triển khai cà-phê sách, anh đồng ý ngay. Thế là anh đến Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố xin mượn sách, thêm nguồn sách từ phường, quận cung cấp và ít sách của riêng mình, anh đã tạo được 2 tủ sách đủ thể loại tại quán cà-phê nhỏ xinh này. “Khách đến đây khá thích thú với sự thay đổi nho nhỏ của quán. Nhiều người vừa ngồi đọc sách, vừa nhâm nhi ly cà-phê, thấy cũng hay hay. Nếu là khách quen thì chúng tôi còn cho mượn về nhà”, anh Dũng cho biết.

Trong khi đó, cà-phê Boom (99 Nguyễn Hữu Thọ) cũng mới đưa vào hoạt động cà-phê sách từ tháng 2-2016, song khá nhiều người tìm đến làm bạn với sách. Chủ quán cà-phê hiện là hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Hòa Thuận Tây nên nơi đây trở thành địa chỉ quen thuộc của chị em trong phong trào xây dựng văn hóa đọc. Chị Nguyễn Thị Kiều Linh, Chủ tịch Hội LHPN phường chia sẻ, hơn ai hết, bản thân mỗi chị em cán bộ phải làm quen với việc đọc sách rồi mới vận động hội viên cùng đọc, góp phần xây dựng văn hóa đọc sách trong cộng đồng.

Cần tăng cường chất lượng đầu sách

Việc triển khai cà-phê sách trên địa bàn quận Hải Châu bước đầu gặp nhiều thuận lợi và nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các chủ kinh doanh cà-phê. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, để thu hút bạn đọc nhiều hơn, cần tăng cường chất lượng sách trưng bày, chú trọng thể loại tiểu thuyết đang ăn khách trên thị trường, truyện ngắn và sách, truyện dành cho thiếu nhi.

“Khách đến cà-phê để thư giãn, họ cần những cuốn sách có nội dung nhẹ nhàng, số lượng trang không quá nhiều. Vì thế, chúng tôi mong muốn bổ sung các loại sách dạng này, bởi đây không phải là thư viện và người ta không có nhiều thời gian quan tâm đến các loại sách nghiên cứu”, anh Dũng góp ý.

Bên cạnh chất lượng đầu sách, một điều đáng quan tâm khác là việc đọc sách tại các NSHCĐ gặp không ít khó khăn khi tại đây không có người trực phục vụ bạn đọc. Vì thế, mặc dù có bàn ghế, có tủ sách nhưng sách vẫn nằm im ắng sau lớp cửa kính.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Sanh, Phó phòng Văn hóa - Thông tin quận cho hay, đơn vị vừa đề nghị các phường bố trí, kết hợp với hoạt động của Đoàn Thanh niên để luân phiên cắt cử người trực phục vụ các phòng đọc sách, điểm cà-phê sách tại các Trung tâm Học tập cộng đồng hoặc nhà văn hóa, NSHCĐ ở khu dân cư, nhằm tạo không khí sôi nổi trong văn hóa đọc. Ngoài ra, đơn vị cũng kiến nghị UBND quận tăng cường chỉ đạo các phường nhanh chóng triển khai mô hình cà-phê sách trên địa bàn 13 phường, với phương châm tạo điều kiện thuận lợi cho xã hội hóa; rà soát các NSHCĐ tại các khu dân cư 13 phường và các quán cà-phê đủ điều kiện để phát triển mô hình cà-phê sách; tăng cường phối hợp với Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố hỗ trợ nguồn sách cho các phường và các hộ kinh doanh cà-phê sách.        

Có thể thấy, chủ trương mở cà-phê sách và điểm đọc sách tại các NSHCĐ của quận Hải Châu là hướng đi đúng để khơi dậy văn hóa đọc, nhưng cần có cách làm phù hợp để văn hóa đọc thực sự đi vào chiều sâu.    

NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.