Văn hóa - Giải trí

Vươn tới sự sáng tạo

08:27, 27/08/2016 (GMT+7)

Đi gần hết chặng đường, cuộc thi sân khấu tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc năm 2016 đọng lại trong lòng người xem nhiều cảm xúc về sự đam mê, nghiêm túc với nghề của những nghệ sĩ, diễn viên làm nghệ thuật truyền thống.

Một cảnh trong vở Phúc thần Thoại Ngọc Hầu của Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh.
Một cảnh trong vở Phúc thần Thoại Ngọc Hầu của Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh.

Chất lượng nghệ thuật cao

Những ngày cuối tháng 8, Nhà hát Trưng Vương trở thành điểm đến của những ai trót đem lòng yêu nghệ thuật truyền thống. Không khó để bắt gặp nụ cười, giọt nước mắt và những tràng vỗ tay dưới khán đài trong mỗi buổi diễn. Đó là phần thưởng lớn nhất dành cho các nghệ sĩ, diễn viên, bởi họ đã “cháy” hết mình trên sân khấu và nhận được sự đồng cảm của người xem qua từng vai diễn.

NSND Bạch Hạc, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế chia sẻ, tại cuộc thi này, Nhà hát tham gia 2 vở: Bi kịch hoàng đế thi sĩ - tuồng lịch sử và Tìm lại cội nguồn - tuồng dân gian. “Mỗi tác phẩm được dựng lên, bao nhiêu công sức, tâm huyết của anh chị em đều tập trung vào đó. Vì thế, đến với cuộc thi là cơ hội giới thiệu tuồng Huế với khán giả cả nước, là khát khao cống hiến của mỗi nghệ sĩ, diễn viên. Tâm trạng cả đoàn háo hức và luôn với tinh thần cháy hết mình”, NSND Bạch Hạc nói.

Chung niềm phấn khởi, Giám đốc Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh Trần Ngọc Tuấn cho biết, đơn vị tham gia hai vở tuồng, một về lịch sử, một về đề tài cách mạng. Đây là hai vở diễn hoàn toàn mới về kịch bản, được ấp ủ ý tưởng và đầu tư dàn dựng công phu. Tham gia cuộc thi là để đơn vị nhìn nhận, đánh giá mình đang ở đâu trong việc gìn giữ, phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống; đồng thời, tạo điều kiện cho nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát trao đổi, học hỏi và nhận sự góp ý từ khán giả, đồng nghiệp.

Theo đánh giá sơ bộ của NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, các đơn vị dự thi đầu tư khá kỹ từ khâu kịch bản, đạo diễn, âm thanh, trang phục, diễn xuất... nên mang đến nhiều tác phẩm chất lượng. Chủ đề nổi bật của cả hai loại hình nghệ thuật tuồng và dân ca kịch là câu chuyện lịch sử gắn liền với vùng đất địa phương như: Phúc thần Thoại Ngọc Hầu (Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh), Thai Xuyên Trần Quý Cáp (Đoàn Ca kịch Quảng Nam), Chuyện tình bên tháp cổ (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Khánh Hòa), Bi kịch hoàng đế thi sĩ (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế), Phật hoàng Trần Nhân Tông (Nhà hát tuồng Việt Nam), Đào Duy Từ (Nhà hát Nghệ thuật hát bội thành phố Hồ Chí Minh), Nước non cửa Phật (Nhà hát tuồng Đào Tấn), Thuận thiên bảo kiếm (Đoàn nghệ thuật tuồng Thanh Hóa)...

Bên cạnh đề tài lịch sử, đề tài chiến tranh, cách mạng được khai thác mới mẻ dưới nhiều góc độ, lồng ghép với yếu tố hiện tại mang đến hơi thở đương đại, gần gũi như Dòng sông Đỏ (Nhà hát Nghệ thuật ca kịch Huế), Như những tượng đài (Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh), hay câu chuyện xã hội hiện đại như: Người cha (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Khánh Hòa), Sóng dậy một vùng quê (Trung tâm  Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca xứ Nghệ), Chuyện bịa ở làng Vồm (Nhà hát tuồng Việt Nam)...

“Có thể nói, từ đặc trưng chung nhất của loại hình nghệ thuật tuồng và dân ca kịch, mỗi đơn vị nghệ thuật thổi vào đó đặc thù bản sắc của mỗi vùng miền. Xây dựng kịch bản sáng tạo song không thoát ly giá trị truyền thống mà làm giàu thêm giá trị truyền thống. Hơn nữa, việc đưa đề tài, câu chuyện xã hội hiện đại lên sân khấu là không hề dễ dàng, đặc biệt với sân khấu tuồng, nên có thể xem đó là sự đột phá mới”, NSND Lê Tiến Thọ nhận xét.

Đau đáu chuyện bảo tồn

Cuộc thi sân khấu tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc diễn ra 3 năm/lần theo đề án tổ chức các cuộc thi nghệ thuật từ nay cho đến hết năm 2020 nhằm tiếp tục thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển văn học - nghệ thuật trong thời kỳ mới. Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên cho rằng, cuộc thi là dịp để cơ quan quản lý nhìn lại và đánh giá đúng thực trạng hoạt động của nghệ thuật truyền thống; tìm ra những giải pháp để đầu tư xây dựng vở diễn mới có chất lượng, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của nhân dân; đề xuất giải pháp trong công tác đào tạo nguồn nhân lực kế cận…

Theo NSND Lê Tiến Thọ, việc tổ chức các cuộc thi sân khấu tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc là tín hiệu vui đối với nghệ thuật truyền thống. Nhưng việc quan tâm đúng mức đến loại hình nghệ thuật truyền thống vẫn là điều cần phải bàn. Chẳng hạn, ở các cuộc thi hay liên hoan nghệ thuật truyền thống, nêu rõ mục đích chính là giúp các nghệ sĩ giao lưu, trao đổi, rút ra bài học kinh nghiệm. Tuy nhiên, khá đông anh em nghệ sĩ, diễn viên làm nghệ thuật truyền thống (ngoại trừ các đơn vị dự thi) không có cơ hội tham gia vì lý do kinh phí. Tại các cuộc thi, thiếu các hội thảo để mổ xẻ những tồn tại, tìm ra giải pháp bảo tồn... thì rút ra được kinh nghiệm gì; hay diễn xong phần ai nấy về?!

“Tôi luôn trăn trở về việc đầu tư cho đội ngũ làm nghệ thuật truyền thống. Chúng ta đang thiếu trầm trọng đội ngũ sáng tác, đội ngũ sáng tác tài năng càng thiếu đến mức báo động đỏ. Ngay cả cuộc thi này đây, 17 vở diễn song chỉ có vài tác giả sáng tác và chuyển thể. Vì thế, không có nhiều tác phẩm mới gắn liền với đời sống, tính hiện đại gặp hạn chế trong loại hình này. Người xem vì thế cũng cảm thấy tác phẩm cũ, không theo kịp nhịp sống đương đại nên không mặn mà là điều đương nhiên”, NSND Lê Tiến Thọ chia sẻ thêm.

Đồng quan điểm, ông Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát tuồng Việt Nam cũng cho rằng, cần có chiến lược tổng thể trong bảo tồn giá trị nghệ thuật truyền thống, đầu tiên là vấn đề con người. “Bất kỳ ngành nghề nào cũng vậy, sự cống hiến phải được trả giá tương xứng. Nghệ thuật truyền thống cũng vậy, nếu có những chế độ, chính sách đãi ngộ tốt thì không sợ thiếu nghệ sĩ, diễn viên tài năng”, ông Tuấn nói.

Tuồng nên được xem là quốc kịch

NSND, đạo diễn Nguyễn Ngọc Phương (người có hơn 60 năm hoạt động trong lĩnh vực sân khấu dân tộc) cho rằng, niềm tự hào dân tộc lớn nhất của ông là Việt Nam có tuồng. Theo ông, thế giới không có tên gọi diễn viên là “đào” và “kép”, nhưng ở Việt Nam, từ năm 1020, chính Lý Thái Tổ đã phong cho một diễn viên là “nàng đào” (khi đó từ “nàng” là mỹ tự dành cho công chúa và con các quan), diễn viên nam tên là “kép”. “Đào” và “kép” được sử dụng cho đến ngày nay. Trong khi đó, đến thế kỷ 16, ở châu Âu và Trung Quốc, vai nữ vẫn do diễn viên nam đảm nhận. Hơn nữa, cùng thời với nhà viết kịch thiên tài William Shakespeare, Việt Nam có Đào Duy Từ với những vở tuồng nổi tiếng tận ngày nay. Nhiều yếu tố để khẳng định, nghệ thuật tiêu biểu của Việt Nam chính là tuồng. Vì thế, tôi cho rằng cơ quan quản lý Nhà nước cần xem tuồng là quốc kịch.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

.