Văn hóa - Giải trí

Giá trị văn hóa-lịch sử Dinh trấn Thanh Chiêm

Cần bảo tồn và phát huy hiệu quả

08:07, 25/08/2016 (GMT+7)

Ngày 24-8, tại thị xã Điện Bàn, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL), Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học “Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ quốc ngữ”.

Hơn 70 tham luận khoa học của các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, các học giả trong và ngoài nước, các vị linh mục, nhà báo… đã được thảo luận, chia sẻ nhằm cung cấp thêm thông tin, tư liệu về các nhóm chủ đề lớn như: vai trò, vị trí của Dinh trấn Thanh Chiêm trong phát triển xứ Đàng Trong; Dinh trấn Thanh Chiêm trong quá trình ra đời chữ Quốc ngữ; quá trình hoàn thiện, sử dụng và truyền bá chữ Quốc ngữ; công tác bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử - văn hóa Dinh trấn Thanh Chiêm nói chung và chữ Quốc ngữ nói riêng…

Đền thờ Đức bà Đoàn Quý Phi (được trùng tu năm 2000) nằm kề bến Chợ Củi, cách dinh trấn Thanh Chiêm xưa khoảng 700m về hướng tây. 								Ảnh: HUỲNH VĂN MỸ
Đền thờ Đức bà Đoàn Quý Phi (được trùng tu năm 2000) nằm kề bến Chợ Củi, cách dinh trấn Thanh Chiêm xưa khoảng 700m về hướng tây. Ảnh: HUỲNH VĂN MỸ

Dinh trấn Thanh Chiêm- kinh đô thứ hai của xứ Đàng Trong

Hầu hết các tham luận và ý kiến trình bày của các đại biểu đều đánh giá cao vai trò và vị trí chiến lược của Dinh trấn Thanh Chiêm (nay thuộc xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) đối với xứ Đàng Trong (từ năm 1602-1832), đồng thời cho rằng, nơi đây có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc hình thành chữ Quốc ngữ. Tham luận của nhóm tác giả Nguyễn Văn Đăng - Mai Văn Được (Trường Đại học Khoa học Huế) đã phân tích, đánh giá về vị trí của dinh Quảng Nam lúc bấy giờ, khẳng định dinh Quảng Nam xưa là trung tâm chính trị lớn sau Đô thành Huế, là kinh đô thứ hai của xứ Đàng Trong; một trong những trung tâm kinh tế lớn nhất với tiềm lực quân sự mạnh, hoạt động giao thương tấp nập, phát triển.

Trong khi đó, các tham luận của tác giả Huỳnh Văn Mỹ, Châu Yến Loan, Đoàn Anh Thái… đề cập cụ thể hơn về vai trò của Dinh trấn Thanh Chiêm trong sự nghiệp mở đất phương Nam của các chúa Nguyễn, tầm quan trọng của cảng thị Hội An trong việc thúc đẩy giao thương, giao lưu văn hóa, tôn giáo từ phương Tây vào Đàng Trong.

Bên cạnh đó, các tham luận và ý kiến trình bày tại hội thảo cũng khẳng định vai trò quan trọng của Dinh trấn Thanh Chiêm trong việc hình thành và truyền bá chữ Quốc ngữ. Trong số 30 tham luận về chủ đề này, có 22 tham luận xác quyết Thanh Chiêm là nơi khai sinh ra chữ Quốc ngữ, 4 tham luận ghi nhận: “Thanh Chiêm là một trong những cái nôi đầu tiên quan trọng nhất sáng tạo ra chữ Quốc ngữ”.

Trong khi đó, tham luận của PGS.TS Ngô Văn Minh (Học viện Chính trị khu vực 3) cho rằng, nơi khai sinh ra chữ Quốc ngữ không phải là Thanh Chiêm mà là Cần Húc, vì đó mới là nơi đặt dinh trấn Quảng Nam, đồng thời cho rằng chưa tìm ra được một tài liệu nào nói rõ Thanh Chiêm là nơi đặt lỵ sở dinh Quảng Nam, hay nơi ra đời chữ Quốc ngữ.

Các đại biểu cũng đã thảo luận, trình bày sôi nổi về tầm quan trọng, vai trò của các giáo sĩ phương Tây đối với việc hình thành chữ Quốc ngữ. Tham luận của các tác giả Đinh Trọng Tuyên và Đinh Bá Truyền khẳng định rằng, Giáo sĩ Francisco de Pina (người Bồ Đào Nha), chính là người đặt nền tảng cho việc ra đời chữ Quốc ngữ ở dinh trấn Thanh Chiêm.

Trong khi đó, tham gia thảo luận tại hội nghị, GS Fukuda Yasuo (Trường Đại học Hà Nội) đã nêu ra những luận điểm và chứng minh vai trò tích cực của người Nhật ở Hội An trong việc hỗ trợ giáo sĩ  Francisco de Pina sáng tạo ra chữ Quốc ngữ vào đầu thế kỷ XVII.

Nghề trồng dâu - nuôi tằm - ươm tơ - dệt lụa vẫn được duy trì ở vùng Thu Bồn, thuộc Duy Xuyên, Điện Bàn, nhất là ở xã Duy Trinh. Trong ảnh: Ươm tơ và phơi tơ ở xưởng ươm tơ của ông Nguyễn Nhật Tuấn (làng Chiêm Sơn, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam). Ảnh: HUỲNH VĂN MỸ
Nghề trồng dâu - nuôi tằm - ươm tơ - dệt lụa vẫn được duy trì ở vùng Thu Bồn, thuộc Duy Xuyên, Điện Bàn, nhất là ở xã Duy Trinh. Trong ảnh: Ươm tơ và phơi tơ ở xưởng ươm tơ của ông Nguyễn Nhật Tuấn (làng Chiêm Sơn, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam). Ảnh: HUỲNH VĂN MỸ

Đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa

Tại hội thảo, bên cạnh các ý kiến đánh giá, khẳng định về vai trò của Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ, các đại biểu cũng đã tập trung làm rõ và khẳng định Dinh trấn Thanh Chiêm xứng đáng được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia và đề nghị xây dựng tượng đài giáo sĩ Francisco de Pina cùng tượng đài chữ Quốc ngữ ở Thanh Chiêm để tôn vinh, coi đây là những biểu tượng văn hóa của xứ Quảng nói riêng, của đất nước nói chung.

Tuy nhiên, ông Hồ Xuân Tịnh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam cho rằng: “Khó khăn lớn nhất của việc lập hồ sơ khoa học Dinh trấn Thanh Chiêm để trình Bộ VH-TT&DL xếp hạng di tích quốc gia là xác định vị trí di tích để từ đó khoanh vùng bảo vệ. Toàn bộ khu vực Thanh Chiêm hiện nay đều là khu dân cư, do đó việc khoanh vùng bảo vệ chỉ có thể xác định từng điểm riêng rẽ trong tổng thể di tích chứ không thể khoanh vùng toàn bộ”.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cho rằng việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa lịch sử của Dinh trấn Thanh Chiêm có tiềm năng lớn trong việc định hướng phát triển du lịch bền vững ở Quảng Nam. “Dinh trấn Thanh Chiêm nằm trong tuyến phát triển du lịch của tỉnh đó là Điện Bàn, cách Đà Nẵng gần 30km về phía nam và cách phố cổ Hội An chưa đầy 10km về phía Tây, do đó tỉnh Quảng Nam hoàn toàn có thể nghiên cứu, triển khai phát triển theo một tour du lịch bao gồm sinh thái và văn hóa”, bà Nguyễn Thị Thanh Tùng (Trường Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) đề xuất.

Liên quan đến vấn đề này, nhà báo Trương Điện Thắng đề nghị: “Sau khi hội thảo kết thúc, UBND tỉnh Quảng Nam cần tiếp tục thúc đẩy việc đề nghị xếp hạng Di tích quốc gia về văn hóa-lịch sử của Dinh trấn Thanh Chiêm và cả nơi phát sinh chữ Quốc ngữ; đồng thời nâng Bảo tàng Điện Bàn thành Bảo tàng Bắc Quảng Nam để phù hợp với Luật Di sản hiện hành nhằm tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, đặc biệt là đưa những nội dung trưng bày về Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ thành không gian riêng biệt, đặc sắc hơn”.

Dinh trấn Thanh Chiêm nay thuộc xã Điện Phương (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) được chúa Tiên Nguyễn Hoàng thành lập năm Nhâm Dần (1602). Đây được coi là thủ phủ thứ hai ở Đàng Trong. Dưới thời các chúa Nguyễn, Thanh Chiêm là nơi thực tập việc quản lý, điều hành đất nước của các thế tử. Đây cũng là căn cứ quân sự hùng mạnh từng đánh bại hạm đội vương quốc Hà Lan năm 1644 và các cuộc tiến công của quân Trịnh; đặc biệt là bàn đạp tiến hành cuộc Nam tiến mở rộng bờ cõi đất nước về phía Nam. Tại Thanh Chiêm-Hội An, từ năm 1617-1625, linh mục Francisco de Pina đã học tiếng Việt, truyền đạo bằng tiếng Việt và dạy cho hai giáo sĩ là Alexandre de Rhodes (người Pháp) và Antonio Fonte (người Bồ Đào Nha). Tại Thanh Chiêm, còn có trường dạy chữ quốc ngữ đầu tiên, do Cha Bề Trên và là thầy dạy F. de Pina đảm trách.

Kỷ niệm 110 năm phủ lỵ Tam Kỳ

Tối 24-8, tại Quảng trường 24-3, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Tam Kỳ kỷ niệm 110 năm phủ lỵ Tam Kỳ, 10 năm thành lập thành phố, đón nhận Huân chương Độc lập hạng ba và công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Tam Kỳ là thành phố loại II trực thuộc tỉnh.

Ngay sau phần lễ là chương trình nghệ thuật do nhạc sĩ Trần Quế Sơn và đạo diễn Đinh Anh Dũng tổ chức, dàn dựng mang đến cho người xem một “thành phố của những ước mơ xanh” đầy nghệ thuật và cảm xúc. Những tổ khúc phim, múa, hát dựng nên diện mạo đủ đầy về thành phố Tam Kỳ, Tam Kỳ đất phủ xưa, Tam Kỳ của hành trình lên phố và Tam Kỳ của ngày mới, nơi đang nuôi những ước mơ xanh.

Báo Quảng Nam

QUỐC KHẢI

.