.

Gian nan đưa tác phẩm đến bạn đọc

.

Sáng tác và phổ biến là hai hoạt động song hành để một tác phẩm đến được với công chúng. Thời gian qua, nhiều tác giả Đà Nẵng nỗ lực cho ra đời những tác phẩm chất lượng, nhưng để đưa “đứa con tinh thần” của mình đến với công chúng vẫn còn là một chặng đường khá gian nan.

Cần tạo môi trường để bạn đọc tiếp cận với tác phẩm văn học một cách chuyên nghiệp, thuận lợi. TRONG ẢNH: Đông đảo độc giả “nhí” giao lưu và xếp hàng chờ nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ký trên tác phẩm của ông, tại Hội sách Hải Châu.
Cần tạo môi trường để bạn đọc tiếp cận với tác phẩm văn học một cách chuyên nghiệp, thuận lợi. TRONG ẢNH: Đông đảo độc giả “nhí” giao lưu và xếp hàng chờ nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ký trên tác phẩm của ông, tại Hội sách Hải Châu.

Gần đây, những tác phẩm Thằng nớ con nhà ai (Trương Điện Thắng), Câu chuyện Đà Nẵng (Thái Bá Lợi), Người lính (Hoàng Văn Cung)... ít nhiều được công chúng biết đến thông qua các phương tiện truyền thông và mạng xã hội.

Theo tác giả Hoàng Văn Cung, đó là sự may mắn, bởi tác phẩm của họ được bạn bè, giới chuyên môn giới thiệu trên báo chí địa phương, Trung ương... Nhưng nhìn chung, lâu nay, tác giả Đà Nẵng hầu như đơn độc trong việc phổ biến tác phẩm đến công chúng nên dần dà họ cũng “quên” mất hoạt động này. Thế nên, dù tiểu thuyết Người lính của Hoàng Văn Cung được giới chuyên môn đánh giá cao vì phản ánh lý tưởng sống của tuổi trẻ thời kháng chiến, đậm tính nhân văn nhưng vẫn vắng mặt trên các nhà sách tại Đà Nẵng.

Hỏi về điều này, tác giả cười buồn: “Ngoài sự hỗ trợ của Hội Nhà văn thành phố, tôi phải bỏ thêm kinh phí xuất bản; vì thế, chỉ được vài trăm cuốn đủ tặng bạn bè, đồng nghiệp, đồng đội chứ không phổ biến trên thị trường”. Trong khi đó, để tác phẩm đến với công chúng, nhiều tác giả phải tự liên hệ ký gởi ở các nhà sách lớn, siêu thị... nhưng số lượng không nhiều.

Với những tác giả không chuyên thì công đoạn phổ biến tác phẩm đến công chúng càng gian nan hơn. Một số viết rồi... cất đó, một số tự bỏ tiền túi mang đi in, xong mang đi tặng chứ không (hoặc ít) xuất hiện ở các cửa hàng sách. Tại Tuần lễ sách Sơn Trà tổ chức vào cuối tháng 8 vừa qua, không ít bạn đọc xúc động trước chia sẻ của thầy giáo Lê Quốc Hưng (Trường THCS Nguyễn Khuyến) khi giới thiệu tập truyện Giây phút học trò.

Là giáo viên dạy môn Tin học nhưng thầy Hưng lại có sở thích viết lách. Những câu chuyện thường ngày gắn với mái trường, bục giảng được thầy ghi lại. Mong muốn của thầy chỉ đơn giản là “viết cho thế hệ học trò thầy đang dạy, viết cho những ai từng trải qua thời học sinh và cả cho những người lớn muốn hiểu những đứa trẻ xung quanh họ”. Tích cóp tiền lương ít ỏi, thầy xuất bản hơn 200 cuốn nhưng rốt cuộc cũng chủ yếu để tặng học trò, người quen...

Bà Nguyễn Lệ Thủy, Giám đốc Công ty CP Green and Brown, người có hơn 15 năm kinh nghiệm cùng niềm đam mê lớn với sách chia sẻ, thật khó để tìm tác phẩm của tác giả Đà Nẵng trên thị trường dù theo thông tin nắm được, mỗi năm, số lượng tác phẩm ra đời không ít. “Tôi cho rằng đó là sự lãng phí chất xám, nguồn tài nguyên trí tuệ và cũng là một trong những nguyên nhân bạn đọc chưa tiếp cận được tác phẩm của tác giả Đà Nẵng”, bà Thủy nói. Cũng theo bà Thủy, sắp đến, bà dự kiến thành lập tủ sách tác giả Đà Nẵng tại nhà sách Green and Brown (đường Trần Cao Vân, quận Thanh Khê) với mong muốn làm cầu nối giữa tác giả Đà Nẵng và bạn đọc.

Trong khi đó, ông Nguyễn Nho Khiêm, Chủ tịch Hội Nhà văn thành phố cho biết, năm 2016, Hội Nhà văn đã hỗ trợ một phần kinh phí xuất bản cho gần 20 tác phẩm có chất lượng của hội viên. Tuy nhiên, các tác phẩm khó tiếp cận bạn đọc vì nhiều lý do như: số lượng in ấn ít; hình thức trình bày chưa ấn tượng so với các tác phẩm của đơn vị phát hành sách lớn như Nhã Nam, Phương Nam; không có điều kiện  giới thiệu, quảng bá tác phẩm...

“Tôi đang bàn với Ban Chấp hành của Hội thời gian đến làm sao tự truyền thông, quảng bá tác phẩm đến bạn đọc; trước hết, giới thiệu tác phẩm trong nhà trường; kế đến nuôi dưỡng, phát huy đội ngũ phê bình văn học để bình luận những cái hay của tác phẩm trên tạp chí Non Nước, trên các báo, truyền hình, tại hội sách...”, ông Khiêm chia sẻ thêm.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.