Văn hóa - Giải trí

Trả lại cảnh quan di tích lịch sử thành Điện Hải: Không chỉ trách nhiệm mà còn là đạo lý

08:13, 24/10/2016 (GMT+7)

Tại cuộc họp nghe báo cáo một số đồ án kiến trúc, quy hoạch trên địa bàn thành phố diễn ra gần đây, lãnh đạo thành phố đã kết luận giải tỏa, di dời toàn bộ các hộ dân khu vực phía tây xâm hại di tích quốc gia thành Điện Hải. Đây là quyết định hết sức ý nghĩa đối với công tác bảo tồn di sản. Ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao thông tin thêm về vấn đề này.

Lối dẫn vào thành Điện Hải. Ảnh: NGỌC HÀ
Lối dẫn vào thành Điện Hải. Ảnh: NGỌC HÀ

*  Thưa ông, chủ trương trên có ý nghĩa như thế nào đối với việc giữ gìn và phát huy giá trị thành Điện Hải, khi mà suốt thời gian dài, ngành Văn hóa cũng như dư luận đặc biệt trăn trở về sự xâm hại đối với di tích cấp quốc gia này?

- Thành Điện Hải là di tích cực kỳ quan trọng, không chỉ của người dân Đà Nẵng mà của cả nước, bởi nơi đây gắn với giai đoạn lịch sử bi hùng của dân tộc trong buổi đầu kháng chiến chống Pháp. Vì thế, vấn đề gìn giữ, bảo vệ, phát huy giá trị thành Điện Hải không chỉ là trách nhiệm mà còn là đạo lý của các thế hệ đối với cha ông. Nhưng tiếc rằng, trong thời gian dài, việc gìn giữ, bảo vệ, phát huy giá trị thành Điện Hải chẳng những không được chú trọng mà còn bị xâm hại nghiêm trọng.

Luật Di sản quy định, di tích cấp quốc gia có hai vùng bảo vệ, vùng bảo vệ I gồm những yếu tố cấu thành di tích, vùng bảo vệ II phải cách vùng bảo vệ I từ 50 - 65m. Nhưng hiện tại, các công trình, cơ quan Nhà nước đã và đang xâm hại di tích như: Công viên phần mềm số 2 Quang Trung, Trung tâm Hành chính thành phố, Trung tâm Thể dục-Thể thao người cao tuổi. Đặc biệt, phía tây thành, 38 ngôi nhà của 28 hộ dân đã cơi nới, xây dựng sát vào tường thành, trưng dụng cả tường thành đặt để vật dụng sinh hoạt, xâm hại vùng bảo vệ di tích I. Điều này đã gây bức xúc và trăn trở cho những người làm công tác văn hóa cũng như người dân.

Vì thế, quyết định của lãnh đạo thành phố về việc giải tỏa, di dời toàn bộ công trình nhà ở của 54 hộ phía tây thành Điện Hải (có thêm một số nhà liên đới ngoài 38 nhà nêu trên-PV) và dừng công trình xây dựng kho lưu trữ ở vị trí tiếp giáp phía bắc thành Điện Hải là quyết định mạnh mẽ chưa từng có của chính quyền đối với việc bảo vệ, phát huy di tích. Thông tin này khiến chúng tôi thật sự vui mừng. Điều làm tôi bất ngờ là chính những hộ dân xâm lấn phía tây thành đã ủng hộ chủ trương này và sẵn sàng di dời.

* Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến, đây mới chỉ là chủ trương và liệu có thành hiện thực không, thưa ông?

- Cá nhân tôi cũng như anh em làm công tác văn hóa tin rằng, khi đã có chủ trương rồi thì sẽ thực hiện được. Bởi vì 20 năm qua, để chỉnh trang đô thị, chính quyền Đà Nẵng đã vận động, di dời 100.000 hộ dân và được nhân dân đồng thuận thì bây giờ không có lý gì, 54 công trình nhà ở này mà nhân dân không đồng thuận, di dời. Nếu có quyết tâm của lãnh đạo thành phố chắc chắn sẽ làm được. Phong cách lãnh đạo bấy lâu nay của lãnh đạo thành phố là nói đi đôi với làm.

* Sở Văn hóa – Thể thao tham mưu, đề xuất thế nào để thành Điện Hải xứng đáng là địa chỉ văn hóa, lịch sử không thể bỏ qua của người dân và du khách?

- Trả lại cảnh quan cho di tích chỉ là bước đầu, để phát huy giá trị thành Điện Hải, ngành Văn hóa sẽ lập đề án bảo vệ, trùng tu di tích này. Trước hết, đề nghị thành phố và Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch khôi phục toàn bộ bức tường thành bên ngoài, hào rãnh về đúng nguyên trạng vốn có của di tích. Bước thứ hai, tiếp tục có những đề án khôi phục những phần của di tích bị tàn phá trước đây và đến một thời điểm hợp lý, đề xuất lãnh đạo thành phố xem lại vị trí của Bảo tàng Đà Nẵng hiện đang nằm trên khuôn viên di tích này.

* Không chỉ thành Điện Hải, mà thời gian đến, theo ông, thành phố và ngành Văn hóa cần quan tâm và có giải pháp, kế hoạch giữ gìn, bảo tồn các di tích lịch sử trên địa bàn thành phố như thế nào?

- Ngoài di tích thành Điện Hải, chúng ta cũng cần quan tâm đến di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn. Đây cũng là di tích cấp quốc gia đang bị xâm hại bởi một số yếu tố xây mới không phù hợp. Quan điểm của chúng tôi là giữ gìn nguyên vẹn những yếu tố cấu thành di tích. Nếu muốn phát triển dịch vụ, làm du lịch thì phải tôn trọng nguyên tắc đó.

Đồng thời, chúng tôi ủng hộ việc mở rộng không gian đô thị, phát triển hạ tầng đô thị của thành phố nhưng mong muốn không làm ảnh hưởng di tích. Bởi nếu di tích mất đi thì không thể nào khôi phục lại. Hiện nay, ngành Văn hóa và các địa phương đã tiến hành kiểm kê 18 di tích lịch sử cấp quốc gia, gần 50 di tích lịch sử cấp thành phố, các di tích trong diện bảo vệ và sẽ tiến hành trùng tu theo mức độ ưu tiên, dựa trên đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thành phố Đà Nẵng, giai đoạn 2016-2020” đã được thành phố phê duyệt.

Ông Hồ Tấn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Quản lý di sản thành phố: Đây là ứng xử với văn hóa rất đáng hoan nghênh. Nếu thành phố thực hiện được điều này không chỉ làm đẹp lòng các bậc tiền nhân mà các thế hệ người Đà Nẵng về sau cũng sẽ luôn ghi công ơn này.

Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng: Tôi vừa nhận được thông tin, Hội đồng thẩm định của Cục Di sản văn hóa đã thông qua việc công nhận Bộ sưu tập súng thần công thành Điện Hải là Bảo vật quốc gia và đang làm thủ tục đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận. Niềm vui này đến đúng thời điểm thành phố chủ trương trả lại nguyên trạng di tích thành Điện Hải nên càng có ý nghĩa. Sau này, nếu được khôi phục thì tôi cho rằng nơi đây sẽ trở thành điểm nhấn về văn hóa, lịch sử của thành phố và có một không hai của cả nước.

NGỌC HÀ (thực hiện)

.