.

Chuyển biến trong đầu tư văn hóa

.

Qua hai năm thực hiện Chỉ thị 43-CT/TU, nhiệm vụ trọng tâm về văn hóa được các cấp, ngành quận Thanh Khê đặc biệt quan tâm. Diện mạo văn hóa trên địa bàn quận từng bước được cải thiện.

Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận Thanh Khê hoạt động sôi nổi, đặc biệt bộ môn võ thuật.
Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận Thanh Khê hoạt động sôi nổi, đặc biệt bộ môn võ thuật.

Từng bước hoàn thiện thiết chế văn hóa

Từ năm 2015, hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao (VHTT) quận được quan tâm đầu tư, nâng cấp, xây dựng. Hiện nay, 10/10 phường thành lập Trung tâm VHTT, 6/10 phường có bộ máy quản lý. Tuy nhiên, hiện chỉ mới 4/10 trung tâm được hoàn thiện giai đoạn 1 và đưa vào sử dụng tại các phường An Khê, Hòa Khê, Xuân Hà, Chính Gián. Ngoài ra, khu vui chơi tại phường Thạc Gián hoạt động không hiệu quả cũng đã được chuyển đổi công năng thành khu vườn dạo theo chủ trương của thành phố.

Dù chỉ mới hoàn thiện giai đoạn 1 nhưng các thiết chế văn hóa hiện có cũng đáp ứng cơ bản nhu cầu hưởng thụ của người dân. Ông Ngô Chính Công, Phó Chủ tịch UBND phường Chính Gián cho biết, trước đây, Trung tâm VHTT phường là nhà sinh hoạt cộng đồng, chưa khai thác hết diện tích đất rộng gần 1.000m2. Bây giờ, nơi đây, ngoài điểm tổ chức các hoạt động VHTT của phường, còn là nơi tập thể dục (với 6 thiết bị được lắp đặt) của người dân, tạo không khí sôi nổi trong phong trào quần chúng. “Giai đoạn 2 sẽ được xây dựng thêm phòng đọc sách, đầu tư trang thiết bị để thu hút đông đảo người dân đến sinh hoạt”, ông Công cho biết.

Trong khi đó, Trung tâm VHTT quận Thanh Khê được đánh giá là địa điểm hoạt động hiệu quả nhất. Hiện nay, ngoài các lớp yoga, thể dục nhịp điệu, võ thuật, trung tâm còn có 4 sân bóng đá mi-ni, sân quần vợt, hồ bơi... Ông Vương Tuấn Kiệt, Giám đốc Trung tâm VHTT quận Thanh Khê cho biết, ngoài nguồn ngân sách địa phương, trung tâm thực hiện kêu gọi xã hội hóa nhằm đa dạng hoạt động cũng như có nguồn thu “nuôi” các hoạt động khác. “Khi tư nhân cùng tham gia, chất lượng các giải đấu được nâng cao về công tác tổ chức, giải thưởng, chuyên môn... Từ đó, hoạt động thể thao nhân rộng, lôi kéo người dân đến tham gia, cổ vũ, hiệu quả của trung tâm được cải thiện”, ông Kiệt chia sẻ.

Thực hiện chủ trương của thành phố, từ năm 2016, các thiết chế VHTT cơ sở sẽ do UBND quận làm chủ đầu tư. Hiện nay, các thiết chế trung tâm VHTT phường, xã đã được thành phố phê duyệt quy hoạch giai đoạn 2016-2020. UBND quận giao các ngành liên quan tham mưu thực hiện và đã có phê duyệt lộ trình trong kế hoạch xây dựng cơ bản quận năm 2017-2020.

Chú trọng nâng cao chất lượng

Theo Phòng VHTT quận, nhờ được đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất nên hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao diễn ra sôi nổi từ quận đến phường. Trong đó, quận chủ trương chú trọng phát huy giá trị văn hóa phi vật thể, văn hóa truyền thống như: lễ hội cầu ngư, đình làng Thạc Gián, Nhà lưu niệm Mẹ Nhu. Trong năm 2016, quận Thanh Khê tổ chức lễ khánh thành Bia di tích “Sự kiện 76 ngày đêm nhân dân Đà Nẵng làm chủ thành phố”; liên hoan nghệ thuật quần chúng “Giai điệu tự hào”; đêm văn nghệ, tiểu phẩm kịch “Vì một thành phố Môi trường - An toàn - Văn minh”; đặc biệt là các hội thi hưởng ứng “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2016” giữa các khu dân cư được tổ chức tại 10 phường do Hội Liên hiệp Phụ nữ quận phát động.

Phát huy thế mạnh trong hoạt động thể dục-thể thao, nhiều hoạt động trên địa bàn quận được tổ chức thành công như: giải “Cờ tướng- Cờ vua”, ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân quận Thanh Khê 2016 (có trên 1.000 người tham dự). Ngoài ra, quận tích cực tham gia các hoạt động của thành phố và đạt kết quả cao với 2 giải nhất toàn đoàn giải Bóng đá Nhi đồng, giải Bóng bàn, giải Cờ tướng - Cờ vua các câu lạc bộ thành phố; giải nhất thuyền đua nữ tại giải đua thuyền quận Liên Chiểu mở rộng; 3 huy chương vàng, 1 huy chương bạc chương trình văn nghệ, kịch tuyên truyền lưu động về phòng chống ma túy; giải ba toàn đoàn liên hoan nghệ thuật quần chúng “Giai điệu quê hương”...

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.