.
Đối thoại đầu tuần

Chung tay quản lý Hải Vân Quan

.

Hải Vân Quan đang trở nên hoang phế. Lý do khiến địa danh lịch sử nằm trên đỉnh đèo Hải Vân bị “lãng quên” đến mức xuống cấp trầm trọng vì chưa được phân định địa giới hành chính giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng, nên trách nhiệm bảo vệ cũng không rõ thuộc về bên nào.

Hải Vân Quan, nơi từng được mệnh danh là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”, hiện đang xuống cấp bởi sự thiếu phối hợp trong quản lý.     Ảnh: NGỌC HÀ
Hải Vân Quan, nơi từng được mệnh danh là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”, hiện đang xuống cấp bởi sự thiếu phối hợp trong quản lý. Ảnh: NGỌC HÀ

Mới đây, Sở Văn hóa và Thể thao (VHTT) thành phố Đà Nẵng và Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế ký biên bản ghi nhớ về việc khoanh vùng bảo vệ, lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích đối với Hải Vân Quan. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở VHTT thành phố Đà Nẵng và ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế về vấn đề này.

* Bỏ qua vấn đề quản lý địa giới hành chính, cái “bắt tay” của hai đơn vị vì “đại cục” văn hóa được xem là bước khởi đầu trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Hải Vân Quan. Xin các ông chia sẻ cảm nghĩ của mình về sự kiện này?

- Ông Huỳnh Văn Hùng: Hải Vân Quan mang những giá trị quan trọng về văn hóa, lịch sử, kiến trúc, quân sự gắn liền với vương triều nhà Nguyễn, nhưng trong suốt bao năm qua, địa danh này không được trùng tu, tôn tạo. Có nhiều lý do dẫn đến thực trạng này nhưng chủ yếu do nhập nhằng về địa giới hành chính giữa thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế, nên phân định trách nhiệm bảo vệ Hải Vân Quan cũng theo kiểu “cha chung không ai khóc” và đến bây giờ vẫn chưa được công nhận di tích. Vì thế, việc hai Sở cùng nhau ngồi lại bàn bạc, khắc phục những khó khăn, tìm cách quản lý Hải Vân Quan khiến những người làm công tác văn hóa như tôi hết sức vui mừng và xúc động.

- Ông Phan Tiến Dũng: Từ xưa, Hải Vân Quan là con đường thiên lý Bắc - Nam nối liền hai vùng đất. Ngày nay, địa danh này nằm trên con đường di sản miền Trung, nên có thể nói vị trí của Hải Vân Quan khá đặc biệt. Nói thật, nhìn Hải Vân Quan xuống cấp, bản thân mình làm văn hóa cũng xót xa lắm chứ, nhưng vấn đề đặt ra là tu bổ như thế nào đây? Muốn tu bổ phải bắt đầu từ những nguyên tắc pháp lý. Do đó, việc hai Sở xác định thống nhất khoanh vùng bảo vệ, lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích cho Hải Vân Quan là bước khởi đầu trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Hải Vân Quan. Bởi nguyên tắc khi trở thành di tích cấp quốc gia thì dựa trên Luật Di sản để bảo vệ, phát huy giá trị của di tích đó.

Lãnh đạo hai Sở Văn hóa - Thể thao Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế ký biên bản ghi nhớ về việc khoanh vùng bảo vệ, lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích đối với Hải Vân Quan.
Lãnh đạo hai Sở Văn hóa - Thể thao Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế ký biên bản ghi nhớ về việc khoanh vùng bảo vệ, lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích đối với Hải Vân Quan.

* Kế hoạch hợp tác giữa hai Sở cụ thể như thế nào, thưa ông?

- Ông Huỳnh Văn Hùng: Thời gian đến, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế phối hợp với Trung tâm Quản lý di sản thành phố Đà Nẵng hoàn thiện hồ sơ khoa học xếp hạng di tích Hải Vân Quan trình Sở VHTT và báo cáo lãnh đạo hai địa phương đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) xếp hạng Hải Vân Quan là di tích cấp quốc gia. Đồng thời, hai bên tiến hành khoanh vùng bảo vệ Hải Vân Quan gồm khu vực 1 và 2 thuộc địa giới hành chính của huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên Huế) và quận Liên Chiểu (thành phố Đà Nẵng) để bảo đảm giữ gìn, bảo tồn những hạng mục, yếu tố gốc gắn liền với công trình và tạo cơ sở cho việc phục hồi, tu bổ, tôn tạo, phát huy hiệu quả giá trị của Hải Vân Quan. Sở VHTT hai địa phương sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu xây dựng quy chế quản lý và kế hoạch bảo tồn sau khi công trình được xếp hạng di tích. Trong khi chờ đợi hai địa phương làm thủ tục để công nhận di tích, lãnh đạo hai Sở thống nhất đề nghị giao huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên Huế) và quận Liên Chiểu (thành phố Đà Nẵng) tăng cường công tác kiểm tra, có giải pháp quản lý, bảo đảm an toàn cho du khách tham quan địa danh này.

- Ông Phan Tiến Dũng: Cụ thể hơn là đến cuối tháng 11-2016, các bộ phận chuyên môn hai bên thống nhất hoàn thiện hồ sơ. Trong tháng 12, đăng ký lãnh đạo hai địa phương chủ trì cuộc họp đi đến kết luận cuối cùng, trình Bộ VHTT&DL công nhận Hải Vân Quan là di tích cấp quốc gia để sớm có cơ sở pháp lý, trùng tu, tôn tạo Hải Vân Quan. Tôi cho rằng, Hải Vân Quan không chỉ có ý nghĩa về lịch sử, kiến trúc mà còn là danh thắng nổi tiếng. Vì thế, Hải Vân Quan không dừng ở di tích cấp tỉnh, thành mà xứng tầm là di tích cấp quốc gia. Khi đã được công nhận di tích cấp quốc gia, đến thời điểm nào đó, đơn vị chức năng sẽ đề xuất di tích cấp quốc gia đặc biệt đối với Hải Vân Quan.

Cần có sự phối hợp để quản lý và khai thác di tích Hải Vân Quan.  							               Ảnh: NGỌC HÀ
Cần có sự phối hợp để quản lý và khai thác di tích Hải Vân Quan. Ảnh: NGỌC HÀ

* Dư luận tỏ ra băn khoăn việc phân định địa giới hành chính giữa thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn chưa rõ ràng, liệu điều này có ảnh hưởng đến công tác quản lý Hải Vân Quan, thưa ông?

- Ông Phan Tiến Dũng: Sau này ranh giới xác định cụ thể Hải Vân Quan thuộc về địa phương nào là do Quốc hội và Chính phủ phân định, nhưng di sản văn hóa là của chung tất cả mọi người, của nhân loại, cần phải được bảo vệ, giữ gìn. Điều quan trọng là việc trùng tu, tôn tạo Hải Vân Quan phải bảo đảm sự thống nhất, tính chính xác nguyên gốc của di tích.

Dù nguồn vốn đầu tư từ Bộ VHTT&DL hay của từng địa phương vẫn phải bảo đảm tính đồng bộ, hợp lý, chứ không phải cùng tu bổ, tôn tạo các hạng mục của di tích nhưng Thừa Thiên Huế làm một kiểu, Đà Nẵng làm kiểu khác... Làm sao để nhìn vào thấy được sự thống nhất trong quản lý di tích của cả hai địa phương.

Chúng tôi xác định, mục đích của việc liên kết là khẳng định giá trị của Hải Vân Quan, trùng tu, bảo vệ Hải Vân Quan mang tính đồng bộ về lâu dài. Người dân hai địa phương và du khách khi đến đây sẽ nhìn nhận đây là việc làm kịp thời, đáng hoan nghênh.

- Ông Huỳnh Văn Hùng: Tôi cho rằng Hải Vân Quan là di tích lịch sử quan trọng của cả nước chứ không riêng của Đà Nẵng hay Thừa Thiên Huế. Bảo tồn và phát huy di tích Hải Vân Quan là trách nhiệm của hậu thế đối với di sản của cha ông. Ngay từ khi có kế hoạch làm việc với Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế, tôi đã không còn quan trọng việc Hải Vân Quan thuộc bên nào mà xác định phải cứu lấy Hải Vân Quan.

Cửa ải trên đỉnh đèo Hải Vân gọi là Hải Vân Quan, được xây từ đời Trần và được trùng tu vào thời Nguyễn (năm Minh Mạng thứ 7, 1826). Cửa trông về phủ Thừa Thiên đề ba chữ “Hải Vân Quan”, cửa trông xuống Quảng Nam đề “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Một bên góc bảng còn ghi thêm “Minh Mệnh thất niên cát nhật tạo”, tức làm vào ngày tốt năm Minh Mệnh thứ 7 (1826). Với địa thế hiểm trở, đèo Hải Vân và Hải Vân Quan luôn được triều đình nhà Nguyễn coi trọng, vì thế vua Minh Mệnh đã truyền khắc hình vào Dụ Đỉnh, tức đỉnh thứ 8 của Cửu Đỉnh trong sân Thế miếu (khu vực Đại nội Huế). Ngoài ra, nơi đỉnh Hải Vân hiện vẫn còn một vài lô cốt (tàn tích của Đồn Nhất) do quân đội Pháp xây dựng vào năm 1826 để bảo vệ ngọn đèo chiến lược này. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đèo Hải Vân là nơi liên tiếp diễn ra những trận đánh lớn.

Trong hàng thập kỷ, địa danh này bị xuống cấp trầm trọng do những lý do liên quan đến phân định địa giới hành chính giữa tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ), nay là thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế. (Theo Wikipedia)

NGỌC HÀ thực hiện

;
.
.
.
.
.