Văn hóa - Giải trí
Cuối năm, tây hành…
Cuối năm, mùa mưa ở miền Trung nhưng là mùa khô ở các nước bạn phía tây dãy Trường Sơn. Tôi chọn lịch “tây hành” theo hướng đó và bất ngờ gặp được nhiều người bạn Việt tha hương.
Chùa Khánh An trên đất Thái Lan. |
Đón chúng tôi là anh bạn Thavorn Nguyễn, làm việc tại một công ty du lịch ở Thái Lan. Anh là một người Việt thuộc thế hệ thứ hai sinh ra tại Mukdahan. Cha anh là cụ Nguyễn Hoàng đến Lào năm 1946 với nghề thợ rèn cung cấp khí giới cho quân đội Việt Minh. Năm 1930, cha mẹ anh cùng người anh trai đầu đã đi từ Quảng Trị đến Savannakhet trong ròng rã 3 tháng.
Khi nghe tin quân Pháp sẽ san bằng tỉnh này để tiêu diệt lực lượng Việt Minh vào năm 1946, gia đình anh được lệnh “di tản” sang Mukdahan, Thái Lan. Một năm sau, Thavorn ra đời. Nhưng cũng như bao gia đình Việt kiều khác, gia đình cụ Hoàng không được nhập quốc tịch, chỉ làm một số công việc hạn chế và không được đi khỏi quá 30 cây số từ nơi cư trú. Trẻ em sinh ra chỉ được học hết cấp 1.
Nhiều người bỏ trốn lên Bangkok làm ăn đã bị bắt lại. Lần đầu bị phạt 300 bath; lần sau sẽ bị đưa vào nhà giam Lat Bua Khao bên hồ Paksong vô thời hạn.
Thavorn học hết tiểu học lại học nghề sửa radio, lấy vợ ở Mukdahan. Anh lại trốn lên Bangkok làm thuê, sửa ti-vi độ nhật. Có những ngày không việc làm phải nhịn đói. Anh kể: “ Một hôm tôi vác cái ti-vi vừa sửa xong đi giao cho nhà chủ.
Vừa vào hiên nhà, con vẹt nói good morning liên hồi. Vẹt còn nói tiếng Anh được, tại sao mình là người mà không nói được! Tôi tự hỏi như vậy rồi quyết tâm tự học. Mỗi ngày học hai ba từ thôi. Đến khi nói được tiếng Anh, tôi quyết định xin đi làm hướng dẫn du lịch theo kiểu làm chui...”. Mãi đến năm 2006, ngày 25-4, Thavorn cùng nhiều Việt kiều khác được vào quốc tịch Thái Lan nhờ quan hệ ngoại giao giữa hai nước được cải thiện. Anh coi đó như là ngày sinh nhật thứ hai của mình.
Đến ngày 7-5, nghĩa là chưa đầy hai tuần lễ sau đó, anh được Sở Du lịch Mukdahan bầu làm cố vấn cho đến nay và đứng ra lập công ty Thai-Viet Tours để kết nối du lịch với các tỉnh duyên hải Việt Nam, trong đó có Quảng Trị quê hương anh.
Giờ đây, gia đình Thavorn Nguyễn đã ăn nên làm ra. Ba đứa con anh đều tốt nghiệp đại học và làm việc trong những công ty lớn. Anh đi về Việt Nam như cơm bữa.
Ở Mukdahan, tôi còn gặp nhiều gia đình khác, như vợ chồng anh chị Gái và Nguyễn Tân, chủ một tiệm ăn luôn đông khách ở xóm ngã năm thuộc khu phố Soi Khang Moonniti, thành phố Mukdahan. Họ cùng quê ở Huế và thuộc thế hệ thứ hai.
Cũng như Thavorn, anh Tân chị Bé giờ “sướng lắm” vì ngày nào cũng có khách bên nhà sang, các con của họ đã nói được nhiều tiếng mẹ đẻ hơn. Anh chị Lê Văn Chích và Trần Thị Đào (quê gốc Lệ Thủy, Quảng Bình) ở chợ đêm gần đó tuy có vẻ lam lũ hơn vì bán hàng trái cây từ 3 giờ chiều đến tận khuya, nhưng mỗi ngày cũng kiếm được 200-300 bath, cũng sắm được xe hơi và cho con ăn học...
Đứa con gái út phụ hàng cho anh chị tuy nghe được tiếng Việt nhưng thỉnh thoảng lại vẫn Khop khun (cám ơn), Phop can may (hẹn gặp lại) với cả khách mua hàng người Việt!
Một hiệu ăn của người Việt trên đất Lào. |
Rời Mukdahan, chúng tôi ngược về thủ phủ vùng đông Bắc, thành phố và tỉnh Udon Thani. Đây là tỉnh có đông Việt kiều nhất ở Thái Lan với hơn 40.000 người, có những ngôi làng Việt như Nổng Ôn, thuộc xã Xieng Phin ở ngoại ô Udon với di tích Hồ Chí Minh và một ngôi chùa cổ 200 năm là chùa Khánh An (Wat Sunthonpradid) do Hội người Việt tại đây quản lý…
Đúng vào dịp kỷ niệm trận hải chiến bảo vệ đảo Gạc Ma, quần đảo Trường Sa, chùa Khánh An đã phối hợp với Chi hội Việt kiều tại Udon Thani tổ chức Đại lễ cầu siêu – Tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Việt Nam hy sinh vì Tổ quốc và đồng bào tử nạn.
Ông Lương Xuân Hòa, Phó Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở Thái Lan và là thành viên Ban Trị sự chùa kể với tôi: “Đại lễ cầu siêu diễn ra trong không khí xúc động, trang nghiêm, gửi đi thông điệp vì chính nghĩa và lẽ phải để góp sức vào công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc…”. Khánh An là ngôi chùa xây dựng từ năm 1964 và được nhà vua Thái Lan ban sắc phong, cùng với hàng chục ngôi chùa khác, có những ngôi chùa cổ xây dựng từ thời Nhà Nguyễn, là nơi sinh hoạt tín ngưỡng và thực hiện tinh thần tương thân tương ái của đạo hữu Phật giáo người Việt trên khắp nước Thái.
Vài ba thập kỷ trước, hàng vạn kiều bào Việt Nam ở Lào, Thái Lan... cứ sống trong lặng lẽ với nỗi nhớ quê hương nơi đất khách. Họ cứ tưởng quê hương đã vời vợi nghìn trùng, tưởng như không có ngày gặp lại người thân.
Nhưng nay thì đã khác. Khi các nước láng giềng đã cùng nhau chung sống trong hòa bình, con đường Liên Á thuộc Hành lang kinh tế Đông-Tây đã thông thương, họ như được hồi sinh và nhiều người đã có dịp về lại quê hương, đưa con cháu về thăm đất tổ. Tiếng Việt sau nhiều năm ít sử dụng, giờ mỗi ngày một trau chuốt hơn nhờ nhiều du khách từ quê nhà sang...
Có những kiều bào thành đạt nhất mà tôi đã gặp trên hành trình từ Thái Lan về Lào là giáo sư Lê Vy ở đại học Ubon hay anh thanh niên Thanik Khachonkittisakul (tên Việt là Thọ), tổng giám đốc công ty lữ hành Thai2020 Travel mới ngoài 30 tuổi.
Thọ nói tiếng Việt trôi chảy và là một trong những doanh nhân đi đầu trong tổ chức các tour caravan về Việt Nam khá sớm. Thanik có hàng chục chi nhánh, đại lý khắp Thái Lan, Malaysia, Lào và nhờ đó, Thai2020 đã trở thành một trong 4 công ty được hàng không Việt Nam chọn là đối tác tổ chức các tour du lịch song hành giữa đường bộ và đường hàng không.
Hay vợ chồng chủ tiệm vàng lớn ở ngay cửa chợ mới Pakse tỉnh Champasak (Lào) là anh chị Nhung và Cường (tên Lào là KhamKeuang Keovilaysack). Ngoài kinh doanh vàng bạc, đổi ngoại tệ do vợ và con gái đảm trách, Cường còn là chủ đội xe du lịch hạng sang đưa khách về Việt Nam nên “hai việc bổ sung cho nhau rất tốt”, như cách anh kể bằng tiếng Việt... Khi được hỏi đã về Hà Tĩnh thăm gia đình được mấy lần, chị Nhung bảo: “Cứ thích thì về, thuận lợi lắm!”.
Còn chị Lò Thị Sủi, một chủ quán ăn ở ngã ba Seno, tỉnh Sanvannakhet (Lào) thì quê tận Hà Giang. Cha đi lính cho Tây và bị điều sang Lào rồi ở lại luôn sau chiến tranh. Chị và anh em sinh ra trên đất khách, tiếng Việt đã quên đi khá nhiều. Đường sá thông thương từ năm 2006 đến nay nên chị Sủi đã đưa được chồng con về thăm quê cũ.
Khi đến thủ đô Vientiane, chúng tôi vào những tiệm phở lớn hơn như Phở Đức Tùng từ Hà Nội sang kinh doanh luôn đông nghẹt khách, kể cả ngồi nhâm nhi cà-phê và chơi bi-da trong phòng máy lạnh gần cơ quan thương vụ của Đại sứ quán Việt Nam. Đối diện đó là một siêu thị Vong Deuane, có tên Việt là Yến Hải chuyên bán hàng sỉ từ Thái Lan về, kiêm cả đổi ngoại tệ.
Cách đó không xa là những hộ buôn bán quần áo người Quảng Nam, Đà Nẵng… Nhưng đó chỉ là những hộ kinh doanh trên phố. Khi tôi đi chợ Sáng, mới thấy sự năng động của bà con Việt kiều tại đây, họ là chủ những hiệu kim hoàn, hàng điện tử, hàng vải lớn trong khu chợ này.
Ở Vientiane, chúng tôi còn quen biết một doanh nhân gốc Quảng, anh N.B.Đ, hiện là một nhà đầu tư trồng và chế biến cao su lớn ở các tỉnh miền Trung Lào. Anh Đ. nói hiện nay có khoảng 50.000 Việt kiều từ Savannakhet đến Vientiane, là một cầu nối quan trọng trong ngoại giao nhân dân và kể cả giao thương. Nhiều doanh nhân Việt muốn sang làm ăn ở đây, nếu không biết tiếng Lào, thì chính bà con Việt kiều sẽ là những đối tác thân thiện!
Gặp những đồng hương trên đường Xuyên Á lúc nào chúng tôi cũng được họ niềm nở đón tiếp, nói chuyện cho dù họ rất bận rộn với việc mưu sinh. Sau bao năm cách trở, gian truân và mong đợi, giờ đây, nói như lời anh Thavorn, “ai cũng muốn cả khu vực này yên bình để làm ăn sinh sống, qua lại thăm viếng tổ tiên, người thân và làm cho người dân nước nào cũng hiểu nhau, thương yêu nhau...”. Nhưng, có được vào thăm những tổ ấm gia đình của họ, chúng tôi mới thấy một không gian sống nguyên vẹn của người Việt với cách tổ chức gia đình, dạy dỗ con cái và thờ cúng tổ tiên.
Trương Điện Thắng