Văn hóa - Giải trí
Khám phá, trải nghiệm cùng bảo tàng
Hai năm qua, Bảo tàng Đà Nẵng luôn đổi mới phương thức hoạt động, trong đó tăng cường công tác giáo dục thông qua chương trình “giờ học ngoại khóa”.
Học sinh nghe giới thiệu về thành Điện Hải trong giờ học ngoại khóa tại bảo tàng. |
Hấp dẫn “giờ học ngoại khóa”
Trên cơ sở các chủ đề về văn hóa, lịch sử vùng đất Đà Nẵng mà Bảo tàng Đà Nẵng đưa ra, các trường học trên địa bàn thành phố lựa chọn chủ đề phù hợp với học sinh của mình và đăng ký tham gia. Để bảo đảm chất lượng buổi học, số lượng học sinh mỗi giờ học không quá 50 em.
Các “giờ học ngoại khóa” về thành Điện Hải, nghề điêu khắc đá Non Nước, nghề làm nước mắm Nam Ô, nghề làm bánh tráng Túy Loan, lễ hội Cầu ngư, văn hóa Cơtu... được giới thiệu đến học sinh một cách sinh động, gần gũi. Cuối mỗi giờ học, cán bộ bảo tàng có bài khảo sát đơn giản hoặc câu hỏi nhanh kèm những món quà nhỏ nhằm khuyến khích tinh thần học tập, đồng thời qua đó đánh giá mức độ tiếp thu của học sinh.
Em Nguyễn Thanh Tâm, lớp 5/1 Trường tiểu học Lý Công Uẩn (quận Hải Châu) chia sẻ, học ngoại khóa ở bảo tàng thú vị hơn rất nhiều so với học trong sách vở. “Bắt con nhớ thuộc lòng vài dòng trong sách giáo khoa sao khó quá. Còn đến đây, con được các cô chú hướng dẫn viên và thầy cô giới thiệu về văn hóa, lịch sử, con dễ nhớ vô cùng”, em Tâm nói.
Bà Nguyễn Thị Trinh, Trưởng phòng Trưng bày và Đối Ngoại, Bảo tàng Đà Nẵng, cho biết trong năm học 2015-2016, cả 3 khối tiểu học, THCS và THPT với 57 trường (gồm 3.355 học sinh) thực hiện 69 buổi học ngoại khóa ở Bảo tàng Đà Nẵng. Năm học 2016-2017 (từ tháng 9 đến tháng 10-2016) có 8 trường với 881 học sinh tham gia 19 buổi học ngoại khóa. Để có được kết quả này, cán bộ bảo tàng tích cực giới thiệu chương trình đến các trường học và tham gia soạn những tập tài liệu nhỏ giới thiệu từng chủ đề bên cạnh hình ảnh trưng bày có sẵn tại bảo tàng. Cán bộ bảo tàng còn trực tiếp mang hiện vật đến các trường giới thiệu cho học sinh...
Hướng đến hoạt động khám phá, trải nghiệm
Cũng theo bà Trinh, công tác giáo dục là khâu cuối cùng và không thể thiếu trong toàn bộ hoạt động của bảo tàng. Thông qua đó, người dân và du khách mới biết hoạt động của bảo tàng và hiểu đầy đủ giá trị của các di sản văn hóa vật chất và tinh thần được trưng bày, giới thiệu nơi đây. Đối với thế hệ trẻ, điều này càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi các chương trình như: “Giờ học ngoại khóa tại bảo tàng”, “Hành trình đến với thành Điện Hải”, “Em yêu lịch sử” giúp các em hiểu thêm về vùng đất mình sinh sống, từ đó biết yêu thương và chung tay xây dựng quê hương.
Thời gian đến, để hoạt động giáo dục tại bảo tàng càng hấp dẫn, không chỉ đối với học sinh mà với đối tượng cán bộ, công nhân, viên chức, người dân..., bảo tàng hướng đến hoạt động khám phá, trải nghiệm, tạo thêm các không gian văn hóa liên quan đến di sản văn hóa, làng nghề của Đà Nẵng như: nhận diện và tập vẽ mặt nạ các nhân vật tuồng, tìm hiểu về loài voọc chà vá chân nâu trên bán đảo Sơn Trà, em học nghề đan mây tre, thử trang phục truyền thống của đồng bào Cơtu, khám phá những trò chơi dân gian như: cờ gánh, ô ăn quan, nặn tò he...
“Gần đây, chúng tôi mời nghệ nhân trình diễn văn hóa Cơtu, hô hát bài chòi đến biểu diễn tại bảo tàng và nhận được sự đánh giá cao của công chúng. Vì thế, việc mời nhân chứng, nghệ nhân tham gia trong các giờ học cũng như xuất hiện trong không gian trải nghiệm được chúng tôi tính đến. Chúng tôi mong muốn được các sở, ngành liên quan phối hợp tạo lập không gian văn hóa hấp dẫn, thu hút nhiều đối tượng đến với bảo tàng”, bà Trinh chia sẻ thêm.
Bài và ảnh: HÀ THU