Văn hóa - Giải trí

Ngôi nhà mới của mỹ thuật Đà Nẵng

08:09, 17/12/2016 (GMT+7)

Sau gần hai năm triển khai xây dựng, hoàn tất các hạng mục trưng bày, ngày 19-12 này, Bảo tàng Mỹ thuật thành phố chính thức mở cửa đón công chúng. Đây là tin vui không chỉ với giới mỹ thuật mà còn với đông đảo những người yêu hội họa.

Bức phù điêu gò đồng khoảng 5mx3m là bức tranh tổng thể giới thiệu lịch sử phát triển mỹ thuật của vùng đất Đà Nẵng và miền Trung - Tây Nguyên.
Bức phù điêu gò đồng khoảng 5mx3m là bức tranh tổng thể giới thiệu lịch sử phát triển mỹ thuật của vùng đất Đà Nẵng và miền Trung - Tây Nguyên.

Không gian trưng bày ấn tượng

Những ngày trung tuần tháng 12, thời tiết mưa gió liên tục nhưng không khí làm việc tại Bảo tàng Mỹ thuật khá khẩn trương để kịp hoàn thiện các không gian trưng bày cho sự kiện khánh thành sắp đến. Tại đại sảnh - nơi trang trọng nhất, dành đón tiếp và cung cấp những thông tin khái quát cần thiết cho lộ trình tham quan Bảo tàng được đặt bức phù điêu gò đồng khoảng 5mx3m, chạm khắc tinh xảo bởi các nghệ nhân đến từ Hà Nội.

Đây là bức tranh tổng thể giới thiệu lịch sử phát triển mỹ thuật của vùng đất Đà Nẵng, miền Trung-Tây Nguyên, điển hình là khắc họa những tác phẩm mỹ thuật, điêu khắc từng đoạt giải như: tượng đài Mẹ Thứ, cầu Sông Hàn, mặt nạ tuồng, chùa Cầu Hội An, tượng Chămpa, nhà Rông, nhà Gươl của đồng bào Cơtu, lễ hội Cồng chiêng, lễ hội Cầu ngư...

Cũng tại tầng 1, các tác phẩm được đưa về không gian trưng bày chuyên đề đang chờ lên khung. Đây là những tác phẩm đoạt giải của họa sĩ Đà Nẵng và khu vực miền Trung-Tây Nguyên từ năm 1976 đến nay mà Bảo tàng sưu tầm, tích lũy hoặc được hiến tặng trong thời gian qua và những tác phẩm của các họa sĩ nổi tiếng cả nước tại trại sáng tác mỹ thuật Đà Nẵng 2016 (chủ đề “Cuộc sống, mảnh đất và con người Đà Nẵng nói riêng và khu vực miền Trung-Tây Nguyên nói chung”) và tại trại sáng tác mỹ thuật 2014 (chủ đề “Cuộc sống và con người Đà Nẵng”) như: Vũ Trọng Thuấn, Vĩnh Phối, Hồ Hữu Thủ, Dương Sen, Ca Lê Thắng, Hồ Minh Quân, Lê Thanh Tùng, Lê Trí Dũng, Nguyễn Phú Hậu...

Ngoài tác phẩm hội họa, điêu khắc, Bảo tàng giới thiệu đến công chúng mỹ thuật tạo hình hoa văn trên vải, y phục, trang sức các dân tộc, mỹ thuật dân gian tượng nhà mồ các dân tộc Trường Sơn - Tây Nguyên, điêu khắc đình, chùa, tượng thờ - tranh thờ, linh vật thờ cúng, các sưu tập mặt nạ tuồng, mỹ thuật ứng dụng truyền thống gồm nghệ thuật gốm sứ, đá mỹ nghệ, đồ mộc...

“Các hạng mục nội dung trưng bày đến thời điểm hiện tại đã cơ bản hoàn thiện, kịp tiến độ khánh thành. Đây cũng là công trình văn hóa chào mừng 20 năm Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương”, ông Hà Thanh Vân, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật cho biết.

Mong ước đã thành hiện thực

Là người theo công trình suốt hơn 2 năm qua, họa sĩ Nguyễn Trung Kỳ, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng bày tỏ niềm hạnh phúc khi Bảo tàng sắp ra mắt công chúng. Từ lâu, giới hội họa thành phố khát khao có không gian trưng bày, giới thiệu tác phẩm. Từ nay, người làm nghệ thuật không còn cảnh mượn tạm hoặc thuê địa điểm khi có sự kiện triển lãm.

Trong quá trình sưu tầm hiện vật, ông Kỳ không khỏi ngạc nhiên khi nhiều họa sĩ không một chút phân vân hiến tặng đứa con tinh thần quý giá của mình, kể cả những tác phẩm nổi tiếng, từng triển lãm ra thế giới. “Điều đó cho thấy tình yêu dành cho mỹ thuật Đà Nẵng rất lớn và kỳ vọng đối với Bảo tàng Mỹ thuật cũng rất lớn. Bởi khi đi vào hoạt động, Bảo tàng không chỉ là nơi giao lưu, học hỏi của những người trong ngành mà còn là cái nôi nuôi lớn tình yêu cái đẹp, hướng đến chân - thiện - mỹ”, họa sĩ Nguyễn Trung Kỳ chia sẻ.

Trên cương vị quản lý, ông Hà Thanh Vân không khỏi lo lắng về việc phát huy hết công năng của Bảo tàng. Đây được xem là công trình văn hóa trọng điểm của thành phố và là công trình tiên phong trong thực hiện quy hoạch phát triển mỹ thuật đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2014. Theo quy hoạch này, thành phố trực thuộc Trung ương phải có bảo tàng mỹ thuật.

Song ông Vân kỳ vọng với bề dày lịch sử vốn có, mỹ thuật Đà Nẵng chắc chắn có nhiều điều kiện phát triển khi Bảo tàng đi vào hoạt động. “Trao đổi với nhiều họa sĩ, nhà nghiên cứu trên cả nước, họ khẳng định Đà Nẵng không thiếu những họa sĩ giỏi nhưng lại thiếu môi trường mỹ thuật nên không thể khuyến khích sự sáng tạo.

Việc Đà Nẵng là thành phố thứ hai trên cả nước, sau TP. Hồ Chí Minh có bảo tàng mỹ thuật riêng cho thấy thành phố quan tâm đến lĩnh vực này. Tôi cho rằng đó là lợi thế để phong trào mỹ thuật của Đà Nẵng phát triển và Bảo tàng Mỹ thuật sẽ trở thành trung tâm giao lưu, trao đổi kinh nghiệm lẫn sự kiện mỹ thuật của cả khu vực miền Trung-Tây Nguyên”, ông Hà Thanh Vân nói.

Công trình Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng có tổng kinh phí ước tính gần 30 tỷ đồng cho phần xây lắp và đầu tư trang thiết bị nội thất các khu trưng bày. Hiện bảo tàng lưu giữ 604 hiện vật, trong đó nhiều hiện vật có giá trị được hiến tặng, chuyển nhượng bởi các họa sĩ tên tuổi.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

.