Văn hóa - Giải trí
Về cuốn hồi ký của một người Quảng
LTS: Tháng 11 vừa qua, Nhà Xuất bản Đà Nẵng phát hành cuốn hồi ký Cuộc đời tôi của ông Phạm Hồng Quang, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đặc khu ủy Quảng Đà, nguyên Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Báo Đà Nẵng xin giới thiệu với bạn đọc bài viết của Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử thành phố Bùi Văn Tiếng in trong cuốn hồi ký cách mạng này.
Cuốn sách Cuộc đời tôi thực chất là cuốn hồi ký có giá trị lịch sử của một người Quảng từng tham gia kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ ngay trên quê hương mình - ông Phạm Hồng Quang. Ngoài phần dẫn nhập và lời kết của một trong hai người biên soạn là nhà giáo Phạm Úc - con rể ông và phần đồng chí, đồng đội cùng những người mến phục ông viết về ông, nổi bật trong cuốn sách này là phần ông tự viết về cuộc đời mình và ông gọi một cách chân chất, giản dị là Cuộc đời tôi.
Qua Cuộc đời tôi, người đọc có thể hình dung tiểu sử một người cán bộ cách mạng, đồng thời cũng có thể hình dung lịch sử một vùng đất được xem là gian khó, ác liệt vào bậc nhất thời chiến tranh giải phóng của Khu 5 và không chừng là gian khó, ác liệt vào bậc nhất thời chiến tranh giải phóng của cả miền Nam. Sở dĩ như vậy là bởi cuộc đời ông Phạm Hồng Quang luôn gắn bó máu thịt với vùng đất quê hương mà ông rất đỗi tự hào.
Tự hào đến mức khi được cử ra Hà Nội để báo cáo với Bộ Chính trị về tình hình đô thị Đà Nẵng sau Hiệp định Paris, do quá căng thẳng áp lực trước nhiệm vụ đột xuất này nên ông thầm động viên mình: “Tự nhiên cái máu Quảng Nam nó nổi lên trong ngực tôi. Tôi nghiệm trong đầu, mình phải nói cho người ta không coi thường người Quảng Nam”.
Thú vị nhất trong những câu chuyện thú vị mà ông Phạm Hồng Quang kể lại chính là câu chuyện ông hùng biện trước các nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng vào năm 1974 vừa nêu trên. Ra Hà Nội ngày ấy ông không đi tay không - quốc gia đại sự đâu phải chuyện đùa. Ông mang theo những 4 tập tài liệu đã được Bí thư Khu ủy 5 Võ Chí Công phê duyệt. Nhưng Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng Lê Duẩn đã đặt ông Phạm Hồng Quang vào một tình thế đầy thách thức khi yêu cầu Văn phòng Trung ương Đảng thu hết 4 tập tài liệu ấy như kiểu thí sinh không được mang tài liệu vào phòng thi và nêu lý lẽ rất rõ ràng: “Nếu nói cái đã chuẩn bị, thì gửi ra chứ kêu anh ra làm gì?”.
Rồi chương trình làm việc cũng có sự điều chỉnh: thay vì báo cáo sau ông Mai Chí Thọ của Sài Gòn để có thêm thời gian chuẩn bị và “học hỏi đội bạn”, ông Phạm Hồng Quang lại được chỉ định phải báo cáo đầu tiên. Ông không còn con đường nào khác là phải tự mình chứng tỏ bản lĩnh và quan trọng hơn là thể hiện khả năng nắm chắc tình hình phong trào nội thành Đà Nẵng để có thể trả lời những câu hỏi không hề đơn giản của Bí thư thứ nhất. Với những câu trả lời như từ gan ruột mà ra ấy, đúng là không ai có thể coi thường người Quảng Nam đúng như ông hằng tâm niệm.
Sau buổi làm việc, ông Trương Chí Cương, nguyên Phó Bí thư Khu ủy 5 gặp ông ở Nhà khách Trung ương Đảng số 8 Chu Văn An và phấn khích nói rằng: “Mầy làm tau tự hào”. Chắc hôm ấy, không chỉ riêng ông Trương Chí Cương tự hào về người đồng hương Quảng Nam Phạm Hồng Quang. Và cả hôm nay nữa...
Hôm ấy trước mặt Bí thư thứ nhất Lê Duẩn và Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Đức Thọ, ông Phạm Hồng Quang còn trình bày một sáng kiến của Quảng Đà về xây dựng Đảng trong nội thành để nhanh chóng gầy dựng lại phong trào đô thị đang gặp khó khăn thậm chí khủng hoảng sau thời điểm Xuân Mậu Thân. Thật ra đó là sáng kiến của chính ông khi đi cùng ông Hồ Nghinh trở về căn cứ: “Tới bến đò Kỳ Lam, tự nhiên một ý nghĩ lóe sáng lên như cái bật lửa. Tôi nói liền với anh Nghinh: Ở Điện Bàn, Hòa Vang, ta sẵn có loại đảng viên hợp pháp khá đông. Bây giờ mình tung số đó vào Thành để tạo ra lực lượng mới. Anh Nghinh nhìn tôi làm thinh. Đi một đoạn, anh dừng lại giữa đám dâu bên sông: Ông nói tôi nghe có sáng ra. Anh hỏi tiếp: Lãnh đạo làm sao? Tôi nói: Người xã nào thì xã đó lãnh đạo. Đi đến Bảo An Tây, anh Nghinh bảo tôi: Rồi đây, nó không để ta yên đâu. Thế nào rồi nó sẽ xúc dân các vùng giải phóng... Tôi nói: Nó xúc, thì mình mất dân ở vùng ta. Nhưng, nó lại đẩy dân cách mạng vào thành phố. Anh nói: Ông nói thêm về chuyện lãnh đạo làm sao? Tôi nói: Không làm theo địa bàn dân cư, mà theo dây, theo chuỗi của xã. Các chi bộ xã sẽ yêu cầu đảng viên đi theo để nắm dân của mình... Đến đây, quyết tâm của anh Nghinh mạnh mẽ đến mức nét phấn khởi sáng lên trên gương mặt anh. Anh bảo tôi: Chiều ni ông không họp Đặc khu ủy. Ông xuống gặp Tổ chức Đặc khu, hình như ở Bến Đền. Ông đến bàn công việc này cho thật sáng. Chi bộ 2 ra đời từ đó”.
Đương nhiên, với độ lùi thời gian hơn 6 năm, giữa phòng họp của Văn phòng Trung ương Đảng, ông Phạm Hồng Quang không kể lại cuộc đối thoại giữa ông và ông Hồ Nghinh 6 năm trước. Ông chỉ nêu khái quát cách làm mà ông tự nhận là sai với Điều lệ Đảng, ông nhấn mạnh kết quả thực tế ở Đà Nẵng do sáng kiến này mang lại, rồi nói: “Tôi thay mặt Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Đà ra đây xin nhận kỷ luật với Bộ Chính trị vì chúng tôi...”. Ý ông muốn nói Ban Thường vụ Tỉnh ủy cố tình làm sai Điều lệ Đảng, nhận kỷ luật... cũng không oan ức gì. Đến cuối đời, ông vẫn nhớ mãi lời Bí thư thứ nhất Lê Duẩn nói với ông và dường như không chỉ nói với ông: “Điều lệ là gì? Điều lệ con người đặt ra. Con người chưa có kinh nghiệm biết đâu đặt ra Điều lệ?”.
Cũng trong buổi làm việc với Bộ Chính trị ở Văn phòng Trung ương Đảng năm 1974 đáng nhớ ấy, ông Phạm Hồng Quang đã được gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Thủ tướng hỏi ông đang làm nhiệm vụ gì, ông thưa với Thủ tướng rằng, nhiệm vụ chính của ông là vận động quần chúng. Thật vậy, đóng góp lớn nhất của ông Phạm Hồng Quang đối với cách mạng là năng lực thuyết phục các tầng lớp nhân dân đồng hành cùng dân tộc, đứng về phía chính nghĩa. Có được năng lực đáng quý ấy, ông không chỉ dựa vào tài ăn nói- mà thực ra dân Quảng tính tình bộc trực cũng đâu phải khéo ăn khéo nói lắm. Có được năng lực đáng quý ấy, ông chủ yếu dựa vào tấm lòng chân thật và sự khoan dung về văn hóa - biết chấp nhận cái khác mình.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà trong Điếu văn đọc tại lễ tang ông vào sáng 2-12-2000, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng Phan Như Lâm đã nhấn mạnh: “Với cương vị Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, đồng chí Phạm Hồng Quang đã có những cống hiến rất xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc” và khẳng định, với ông Phạm Hồng Quang, “chất dân vận đã thành máu thịt”.
Nhờ chất dân vận đã thành máu thịt, nên nhiều năm làm việc trong tòa nhà 70 đường Bạch Đằng, ông luôn thấm thía rằng sự thoáng rộng của một trụ sở Mặt trận không phải ở những gian phòng to lớn sang trọng mà là ở tấm chân tình cởi mở hướng đến tinh thần hòa giải hòa hợp dân tộc.
Đọc Cuộc đời tôi, người đọc không chỉ tiếp cận với một Phạm Hồng Quang - người cán bộ mà còn tiếp cận với một Phạm Hồng Quang- người cha. Có lẽ ấn tượng hơn cả là hình ảnh Phạm Hồng Quang - người cha trò chuyện với con trai mình là Phạm Phương Chấn trong đoạn hồi ức sau đây: “Thấy sức khỏe ông Hồ Nghinh quá yếu, Ban Dân y Quảng Đà đề nghị cho khiêng ông Hồ Nghinh ra Bắc. Ông Hồ Nghinh nói chết trên quê hương cũng tốt, chớ chuyện chi đâu.
Ông không chịu đi ra miền Bắc nhưng lại giục con trai ông Tân (vào chiến trường ông Phạm Hồng Quang lấy tên là Trần Văn Tân) ra Bắc học đại học. Một hôm, ông nhắn con trai qua cơ quan ông ăn thịt gà bồi dưỡng. Nhân dịp hai cha con ngồi bên nhau, ông nói với con: Bác Nghinh nói với ba biểu con chuẩn bị đi Bắc để học. Thôi, chú Quốc nói với con rồi, mà con không đi mô. Răng không đi? Họ cũng tú tài như con, họ ở ngoài miền Bắc họ vô biết mấy, răng mình lại ra? Bác Nghinh đau dạ dày gầy yếu rứa, bác còn không chịu đi, không chịu xa chiến trường, biểu con đi răng được”.
Có một người con suy nghĩ chín chắn và tràn đầy khí phách như thế, làm sao Phạm Hồng Quang- người cha không cảm thấy tự hào về con mình và hoàn toàn dễ hiểu khi nghe tin anh Phạm Phương Chấn hy sinh, ông Phạm Hồng Quang “già đi đến mười mấy tuổi như hóa thành người khác” (hồi ức của ông Nguyễn Đình An).
BÙI VĂN TIẾNG