Văn hóa - Giải trí

Người vào cởi áo lau son phấn...

14:44, 14/01/2017 (GMT+7)

Sau khi hạ màn sân khấu, các nghệ sĩ tuồng lại trở về cuộc sống thường nhật với bao bộn bề, lo toan; có lúc giằng xé giữa tiếp tục theo nghề hay mưu sinh bên ngoài lo cho cuộc sống. Cuối cùng, chính nghề tay trái lại giúp họ nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật...

Diễn viên Đỗ Trung Tám mải mê với những vai diễn nên hơn 10 năm rồi anh chưa một lần ăn Tết cùng gia đình.
Diễn viên Đỗ Trung Tám mải mê với những vai diễn nên hơn 10 năm rồi anh chưa một lần ăn Tết cùng gia đình.

Muôn vẻ mưu sinh

Nghệ sĩ Nguyễn Ngọc Hoàng (thành viên Đoàn tuồng Sông Thu) tiếp chúng tôi tại căn nhà nhỏ trên đường Mai Hắc Đế (quận Sơn Trà) khi đang dở tay làm vàng mã để kịp giao cho khách. Từng xem anh vào vai kép nịnh Đổng Trác trong vở “Lữ Bố hý Điêu Thuyền” tại Liên hoan tác phẩm sân khấu của Tống Phước Phổ năm 2015 ấn tượng bao nhiêu, ngoài đời lại thấy anh chân chất, hiền lành bấy nhiêu.

Anh nói, trên sân khấu anh sống cuộc đời khác, còn ra khỏi đó thì cách chi cũng không diễn được. Trò chuyện hồi lâu, anh mở lòng về nghề. Anh là con trai thứ của hai nghệ nhân tuồng Ngọc Huệ - Diệu Thông, anh trai của nghệ sĩ Thu Trang - hiện là Trưởng Đoàn tuồng Sông Thu.

Từ năm 7 tuổi, anh tham gia đội diễn đồng ấu của Đoàn Túy Nguyệt nổi tiếng ở miền Trung. Trải qua bao biến cố, thăng trầm, nhiều đoàn tuồng đứt gánh, mẹ con anh dắt díu nhau đi hát khắp nơi, điểm dừng chân sau cùng là Đoàn tuồng Sông Thu.

“Ba mất trong một lần đi diễn về gặp tai nạn, mẹ cũng ra đi khi cách đó vài hôm còn diễn trên sân khấu. Ba mẹ đã sống với nghề đến hơi thở cuối cùng, không lý gì chúng tôi buông bỏ khi gặp chút khó khăn”, anh Hoàng chia sẻ.

Nghề hát tuồng thoái trào, cuộc sống khó khăn, anh phải chạy xe ôm kiếm sống. Một khán giả thương cảm hoàn cảnh người nghệ sĩ đã hướng anh nghề làm vàng mã. Anh Hoàng kể, dù nhiều người quay lưng với nghệ thuật truyền thống nhưng cũng có nhiều khán giả yêu mến hết lòng.

Anh nhớ mãi những người như bà Năm Cho, bà Đức Mai ở Đà Nẵng, sẵn lòng bỏ tiền túi trả công cả đoàn cho mỗi đêm diễn. Đó chính là gốc rễ để người nghệ sĩ bám sân khấu đến ngày nay.

Bây giờ, nghề vàng mã giúp cuộc sống gia đình anh ổn định. Ngoài anh, gia đình hiện còn 8 anh chị em khác cũng sống bằng nhiều nghề khác nhau: đi làm tổng đám ma, xe ôm, làm tóc, bán tạp hóa, bán giày dép... Dù bận rộn mưu sinh nhưng chỉ cần nghe nơi nào mời hát thì tất cả bỏ hết công việc, cùng nhau đi diễn.

“Tình yêu đối với tuồng như thấm vào máu. Nói gì thì nói, có khó khăn đến mấy anh em tôi vẫn gắn bó với tuồng”, anh Hoàng bộc bạch.

Mưu sinh để sống được với nghề cũng không ngoại lệ với những nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Chuyện một số nghệ sĩ đi làm tổng đám ma và biểu diễn sự kiện ở khách sạn, khu nghỉ dưỡng phục vụ khách du lịch kiếm thêm thu nhập là có thật.

Anh Nguyễn Thanh Phương, nhạc công nhà hát chia sẻ, sau khi hoàn thành nhiệm vụ chính tại nhà hát, thời gian rảnh anh đi đánh đàn bầu tại các nhà hàng, khách sạn hay bất kỳ sự kiện nào cần biểu diễn nhạc cụ truyền thống.

Theo anh Phương, người nghệ sĩ làm nghệ thuật truyền thống đủ sống là may mắn, đừng nói đến giàu có. Có lúc họ giằng xé giữa việc tiếp tục theo nghề hay mưu sinh bên ngoài bởi họ còn gia đình phải lo. Họ chấp nhận làm nghề tay trái để bảo đảm cuộc sống gia đình, yên tâm theo đuổi giấc mơ nghệ thuật. Đó cũng là cách để “giữ lửa” cho tuồng.

Chỉ mong đến Tết để được diễn

Yêu tuồng mãnh liệt đến thế nên có thể nói những nghệ sĩ chân chính khát khao sống dưới ánh đèn sân khấu biết nhường nào. Nghệ sĩ Thu Trang, Trưởng Đoàn tuồng Sông Thu cho biết, mỗi năm, đoàn diễn chưa đầy 20 buổi, đắt sô nhất là giai đoạn từ tháng Giêng đến tháng 5 âm lịch, đặc biệt dịp Tết. Vì thế, Tết đến, người ta rộn ràng bàn chuyện mua sắm, sum vầy, đi chơi, còn đại gia đình chị chỉ bàn tính chuyện nơi nào mời diễn, biểu diễn ra sao...

Các anh chị em Thu Trang nhiều người vẫn còn nhớ như in, trước đây, cứ đến mùng hai Tết là mẹ con dắt nhau đi khỏi nhà và đi mãi, đi mãi đến tận cuối tháng Chạp mới quay trở về tổ ấm. Còn bây giờ, dịp Tết là cao điểm, nhưng số đêm biểu diễn tuồng cũng rất ít ỏi. Tuy vậy, họ vẫn chấp nhận chờ đợi cả năm để được đi hát.

“Tôi chỉ mong hằng tuần, thậm chí hằng tháng cho tôi đứng trên sân khấu một lần, biểu diễn không cần thù lao, chỉ cần được hát, cần có người nghe là đủ rồi. Bạn không thể hiểu nổi cái cảm giác chúng tôi lặn lội đường sá xa xôi, tự lo phục trang, trang điểm, vất vả vô cùng nhưng đứng trên sân khấu nhìn xuống thấy đông đảo bà con ngồi đợi, hạnh phúc vô cùng”, nghệ sĩ Ngọc Hoàng chia sẻ.

Bởi vì duyên nợ với nghề, nhiều nghệ sĩ đành hy sinh cuộc sống riêng. Hơn 10 năm theo nghề, cũng chính là 10 năm diễn viên Đỗ Trung Tám (quê Quảng Bình), Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh chưa có một cái Tết đoàn viên. Nhắc đến bố mẹ ở quê, anh bất chợt khóc như một đứa trẻ.

“Những ngày cận Tết, nhìn cảnh mọi người khăn gói về quê với bao dự định sum vầy bên gia đình, tôi lặng đi. Bố mẹ lúc đầu cũng trách nhiều lắm, nhưng dần dà cũng thông cảm cho nghề của con. Khoảnh khắc buồn cũng nhanh qua vì chúng tôi lại được đứng trên sân khấu, được sống với nghề”, diễn viên Đỗ Trung Tám xúc động nói.

Có thể nói, sân khấu đã mang đến cho người nghệ sĩ giây phút thăng hoa dù cuộc sống của họ còn nhiều nhọc nhằn như những câu thơ của soạn giả cải lương Viễn Châu viết trong Kiếp cầm ca: Khi bức màn buông danh vọng hết/Người về lòng rũ sạch sầu thương/Người vào cởi áo lau son phấn/Trả cả vinh hoa lẫn đoạn trường... Song từ chính trong khó khăn, nhọc nhằn đó, càng thấy rõ hơn thứ tình cảm vừa nồng nàn, vừa thiêng liêng mà họ dành cho nghệ thuật tuồng.

Theo GS, TS Sua Choo Pong, đạo diễn sân khấu (quốc tịch Singapore), ở Malaysia, Trung Quốc hay Indonesia, Chính phủ hỗ trợ về mặt tài chính cho những nghệ sĩ chủ chốt và tài trợ những buổi nghệ thuật phục vụ công chúng. Ở Singapore, các nghệ sĩ chuyên nghiệp hay nghiệp dư đều có quyền xin tài trợ. Đối với Việt Nam, ông cho rằng, NSND hay NSƯT cũng cần được hỗ trợ hay trả lương để họ tổ chức các lớp dạy học cho thế hệ trẻ về nghệ thuật truyền thống.

Mấy năm gần đây, Nhà nước có nhiều chính sách ưu đãi cho nghệ thuật truyền thống, nhưng để người nghệ sĩ sống được với nghề, không phải vất vả mưu sinh vẫn là bài toán khó.

Bài và ảnh: HÀ THU

.