Văn hóa - Giải trí
Qua mùa Tết cũ
Cái không khí xốn xang bên góc chợ, trong làng nghề, trên đồng ruộng đầy hoa đánh thức cảm xúc tưởng như đã quên lãng của những đứa con xa xứ. Đã lâu mình quên mất khái niệm thời gian và giật mình khi mùi bánh mứt thơm lựng bay ngang phố giữa chiều cuối đông mây giăng, sương phủ. Thời gian dẫu có rót đầy cảm xúc của một con người trong đời sống tất bật thì vẫn còn một miền kí ức nào đó, chỉ cần chạm nhẹ bởi mùi hương quen thuộc hay chỉ bởi âm thanh lao xao một cách mơ hồ nhất cũng có thể bị đánh thức.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Phố đồng hành với mình trên con đường lập nghiệp nhưng một nửa đời sống của mình để lại quê. Bởi vậy, chỉ cần một chút đổi thay nơi hàng cây trên phố cũng khiến mình bồi hồi. Mùi vị của tết đã len lỏi đâu đó qua làn gió heo may của những ngày đông cuối cùng. Tết với đứa con xa xứ là cái cảm giác thức giấc mỗi sớm mai giữa không gian yên tĩnh, nghe được cả mùi đất, mùi rơm rạ, mùi lá mục rơi bên thềm nhà. Bình yên đến lạ! Bởi thế, dù bận rộn đến đâu, mấy ngày giáp Tết cũng cố thu xếp công việc, quày quả trở về quê đôi ba ngày.
Cha nói, Tết chỉ về khi bước chân con chạm ngõ. Cứ thế, những ngày cận Tết, dù tất bật sửa soạn nhưng cha mạ vẫn luôn đau đáu để điểm danh từng đứa một, đợi từng giây chúng trở về nhà. Một năm của cha mạ vẹn tròn bởi dăm ba ngày Tết khi thềm nhà có thêm những tiếng bước chân. Cha mạ luôn là người hào phóng, bao dung nhất và cũng hy sinh nhiều nhất khi chấp nhận chắp cánh cho những đứa con bay xa bằng nụ cười và cái vẫy tay nhẹ hẫng. Và chỉ nhận về mình phần ít ỏi là con số lẻ trong 365 ngày dài đằng đẵng nhớ thương dồn nén vào lòng. Nhưng với những bậc sinh thành ấy, những nhịp đập của trái tim bên ngoài thân thể của họ vẫn đều đặn gần gụi qua từng phút giây.
Những ngày còn khỏe, Tết đến cha không bao giờ gói bánh chưng trước Tết quá lâu. Bao giờ cũng vậy, nồi bánh của cha khi vừa tắt lửa cũng là lúc chuẩn bị mâm cỗ cúng giao thừa đón năm mới đến. Vài năm trở lại đây, Tết với cha có thêm một lý do nữa để đợi con về khi đôi tay không còn đủ khỏe để bắt tròn mép lá. “Nhiệm vụ” mấy chục năm đời người cha hoán đổi cho con. Ngồi bên mâm gói bánh, cha lặng lẽ vuốt đều nếp mấy tấm lá chuối, lá dong, chỉ cho con từng nếp gấp tấm lá và cách bẻ mũi lạt tre cho đòn bánh tét tròn đều. Cha khắt khe trong từng động thái gói chiếc bánh đầu tiên và gật gù thỏa mãn với những chiếc bánh đều đặn tiếp theo. Rồi cẩn thận lót từng mảnh lá chuối vụn xuống đáy nồi trước khi xếp bánh vào để đưa lên bếp đun… Trong dáng cha gầy loay hoay với nồi bánh Tết, thấp thoáng tiếng cười con trẻ. Đâu đó những cái Tết của ấu thơ dội về, con đường ký ức dọc dài ấm áp.
Có nhiều tháng ngày mình từng không muốn đợi mùa xuân. Bởi phía ấy có lưu niềm tuyệt vọng. Nhưng mùi khói bếp, mùi bánh tét thơm lừng cùng dáng cha mạ loay hoay hòa vào chuyển động của đất trời trước gọi mời của mai vàng, lộc biếc khiến mình bất chợt đặt câu hỏi: Có công bằng không khi lãng quên cả mùa xuân của cuộc đời? Không có mùa xuân thì nhân gian buồn tẻ biết mấy, đời người cũng sẽ buồn tẻ biết mấy! Như dáng cha bên nồi bánh Tết rực lửa chiều ba mươi vắng tiếng cười con trẻ xênh xang khoe áo mới. Như hàng cây trên phố làm một cuộc trở dạ đớn đau qua những ngày đông rét buốt thịt xương để đâm chồi, nảy lộc đón một mùa xuân về. Và như thế, Tết còn là một sự trở lại. Nơi ấy với nếp nhà ba gian hay bếp củi hồng than lửa… giúp con người có những phút giây sống thật chậm, để rồi qua những tháng ngày đằng đẵng của hạ, thu, đông không bị lạc lối.
Nếu mùa xuân là mùa hò hẹn của muôn hoa, của chồi xanh lộc biếc, của tiếng cười và niềm hy vọng, thì mình không thể ước cứ ru rú mãi trong những ngày đông giá buốt, không thể bảng lãng giữa ngày thu vàng lá rơi, lại càng không thể ước đang ở trong những ngày hè rộn rã tiếng ve ngân. Nếu như sự đổi mùa là quy luật, mình đã đi qua những bất toàn trong vần vũ bất toàn của tạo hóa từ hè sang đông, cớ gì không thể chạm ngõ mùa xuân vẹn tròn. Cứ thế, hãy dang đôi tay gom những ấm áp của một mùa xuân ngoài kia đang về!
THIÊN LAM