Diễn ra trong vòng một tháng (từ ngày 3-1 đến 3-2), cuộc thi Tiếng hát mãi xanh do Trung tâm Văn hóa thành phố Đà Nẵng tổ chức thu hút đông đảo thí sinh lớn tuổi trên địa bàn tham gia. Đọng lại sau cuộc thi là tiếng hát vượt lên thời gian, chan chứa tình yêu đời, yêu người...
Tiết mục song ca dự thi tại “Tiếng hát mãi xanh”. |
Cuộc thi Tiếng hát mãi xanh dành cho các đối tượng công chức, viên chức, công nhân, người lớn tuổi hiện đang công tác và sinh sống trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Đối tượng dự thi được chia làm hai bảng, bảng 1 từ 41 đến 55 tuổi, bảng 2 từ 56 tuổi trở lên. Thí sinh thể hiện tài năng ca hát đơn ca và song ca, trình diễn dòng nhạc boléro và tự chọn theo chủ đề “Mùa xuân tình yêu”.
Từ ngày đăng ký (cuối tháng 11-2016) đến ngày dự vòng sơ loại (3-1-2017), các thí sinh hăng hái tập luyện nhằm mang lại tiết mục tốt nhất. Thí sinh Thạch Châu (75 tuổi, cũng là thí sinh lớn tuổi nhất cuộc thi), thành viên Câu lạc bộ Thơ Việt Nam chia sẻ, phần lớn thời gian của ông dành cho thơ và ca hát. Điều đó được xem là “thần dược” cho tuổi già, giúp cuộc sống của ông luôn tươi trẻ. “Tôi dự thi 2 bài, trong đó tôi đặc biệt yêu thích bài Chuyện tình cây và đất. Dù không được đi sâu vào vòng trong nhưng tôi rất vui khi đến với cuộc thi này. Bởi đó không chỉ là sân chơi cho những người yêu thích ca hát, mà trên hết đã giúp động viên tinh thần, giúp tôi thấy mình sống vui, sống khỏe và sống có ích”, ông Châu tâm sự.
Thí sinh Trần Đình Toàn (sinh năm 1966) lại đến với cuộc thi như một cơ duyên. Vốn là hướng dẫn viên du lịch tiếng Pháp, anh thường xuyên đi tour nên không có nhiều thời gian cho riêng mình và cũng không để ý một cuộc thi dành cho người lớn tuổi diễn ra trên địa bàn thành phố.
Tình cờ, cuối năm 2016, anh tham gia chương trình văn nghệ do Trung tâm Văn hóa thành phố tổ chức và được động viên đăng ký dự thi. Anh Toàn cho biết, hồi còn trẻ, anh tham gia khá sôi nổi phong trào văn nghệ quần chúng và nằm trong đội văn nghệ của phường. Rồi công việc cuốn đi khiến anh không còn thời gian dành cho âm nhạc.
“Thấy TP. Hồ Chí Minh có chương trình Tiếng hát mãi xanh, tôi mê lắm, từng muốn đi thi nhưng xa quá. May đâu Đà Nẵng cũng có cuộc thi này để tôi thực hiện được ước mơ. Lọt vào chung kết cuộc thi với tôi đã là niềm tự hào, nhưng cuộc thi còn mang lại cho tôi nhiều hơn thế, đó là tìm được những anh, chị, bạn bè cùng sở thích”, anh Toàn nói.
Có thể thấy, Tiếng hát mãi xanh đã tạo được sân chơi hấp dẫn cho những người lớn tuổi có chung niềm đam mê ca hát. Theo ông Ngô Văn Bảy, Giám đốc Trung tâm Văn hóa thành phố, đây là lần thứ hai Trung tâm tổ chức cuộc thi này. Năm trước, Tiếng hát mãi xanh được gộp chung với cuộc thi Tài năng nghệ thuật dành cho nhiều lứa tuổi nên không thu hút nhiều thí sinh tham gia. Lần này, với sự chuẩn bị chu đáo từ kế hoạch tuyên truyền đến các vòng sơ loại, sơ khảo, cuộc thi thu hút đông đảo thí sinh và người dân đến thi tài, cổ vũ.
“Không chỉ có thí sinh từ đội thông tin lưu động, đội văn nghệ quần chúng và các câu lạc bộ của quận, huyện, nhiều thí sinh tự do và người lao động trên địa bàn thành phố cũng nhiệt tình tham gia cuộc thi này. Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, lên kế hoạch để có nhiều sân chơi bổ ích cho mọi lứa tuổi trên địa bàn thành phố, đáp ứng nhu cầu, sở thích của người dân”, ông Bảy cho biết thêm.
Tối 3-2, Trung tâm Văn hóa thành phố tổ chức công diễn, tổng kết và trao giải cuộc thi Tiếng hát mãi xanh tại Trung tâm Văn hóa thành phố Đà Nẵng - số 32 đường Bạch Đằng. Theo đó, Ban tổ chức trao giải nhất toàn đoàn cho quận Hải Châu, giải nhì quận Sơn Trà, giải ba quận Cẩm Lệ, giải khuyến khích quận Thanh Khê và Câu lạc bộ Tao đàn Phương Nam; trao 6 huy chương vàng, 12 huy chương bạc, 7 giấy chứng nhận khuyến khích cho các thí sinh có tiết mục dự thi xuất sắc. |
Bài và ảnh: NGỌC HÀ