Văn hóa - Giải trí

Điện ảnh Anh khởi sắc

12:15, 19/02/2017 (GMT+7)

Trong vài năm trở lại đây, nền công nghiệp điện ảnh Anh đã được phục hồi và phát triển nhanh chóng, đóng góp doanh thu không nhỏ cho nền kinh tế của nước này. Đặc biệt, năm 2016 là một năm bùng nổ của các ngành sáng tạo tại nước Anh. Riêng lĩnh vực điện ảnh đã đóng góp mức doanh thu kỷ lục 2 tỷ USD cho nền kinh tế Anh. Có được thành công này là nhờ Chính phủ Anh có những quyết định thông minh, khôn khéo với chính sách kinh tế đơn giản.

Đạo diễn Ken Loach nhận giải Cành cọ Vàng tại Liên hoan phim Cannes lần thứ 69 cho bộ phim I, Daniel Blake.
Đạo diễn Ken Loach nhận giải Cành cọ Vàng tại Liên hoan phim Cannes lần thứ 69 cho bộ phim I, Daniel Blake.

Theo Viện Điện ảnh Anh quốc (BFI), trong năm 2016, đầu tư vào lĩnh vực sản xuất phim ảnh và truyền hình tại nước này tăng 13% so với năm trước đó. Trong tổng số tiền làm phim của nước Anh trong năm qua, có tới 1,7 tỷ USD được đầu tư bởi các hãng sản xuất phim trong nước. Điều này một lần nữa chứng minh rằng, ngành công nghiệp điện ảnh của Anh hoàn toàn có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Trong khi đó, các hãng phim nước ngoài cũng chi gần 600 triệu USD để làm các chương trình truyền hình tại Anh. Doanh số xuất khẩu các chương trình truyền hình của Anh sang các thị trường quốc tế đạt hơn 1,6 tỷ USD trong năm ngoái, tăng 10% so với năm 2015.

Đánh dấu cho sự phục hưng của nền công nghiệp điện ảnh Anh là cả hai bộ phim Gravity (Cuộc chiến không trọng lực) của đạo diễn Mexico Cuaron và phim 12 Years A Slave (12 năm nô lệ) của đạo diễn Anh Steve McQueen được sản xuất vào năm 2013 đều thắng đậm trong lễ trao giải Oscar 2014. Đạo diễn Mexico Cuaron từng ca ngợi điện ảnh Anh tại lễ trao giải Oscar rằng: “Dứt khoát là phải dựa vào nền công nghiệp điện ảnh Anh vô cùng chất lượng và tinh tế, tôi mới làm được bộ phim này. Đặc biệt là các công ty như  Framestore và đội ngũ làm phim mà tôi hợp tác. Đây là bộ phim thứ ba của tôi được sản xuất ở Anh. Tôi làm phim ở Anh nhiều hơn bất cứ nước nào khác trên thế giới. Điều tuyệt vời là nền văn hóa điện ảnh Anh hiện nay chẳng kém gì so với Mỹ”.

Đặc biệt trong năm 2016, vượt qua nhiều ứng cử viên nặng ký, bộ phim của Anh về phúc lợi xã hội có tên I, Daniel Blake (Tôi, Daniel Blake) của đạo diễn gạo cội Ken Loach nhận danh hiệu cao nhất tại Liên hoan phim Cannes lần thứ 69. Đây là lần thứ 2 sau một thập niên, điện ảnh Anh thắng lớn ở Cannes. Bên cạnh chiến thắng ngoạn mục của I, Daniel Blake, điện ảnh Anh còn có vinh dự khi bộ phim tâm lý tình cảm American honey (Mật ngọt Hoa Kỳ) của tác giả nữ Andrea Arnold được giải của Ban giám khảo bình chọn.

Theo Amanda Nevill, Giám đốc điều hành BFI, hiện nay nền công nghiệp điện ảnh Anh vẫn đang tiếp tục thể hiện sức mạnh của mình. Thành công này đến từ nhiều nguyên nhân. Đó là quỹ đầu tư của Công ty Xổ số quốc gia đã góp phần tài trợ đào tạo nhiều kỹ thuật viên và nhà biên kịch. Trong khi Film Four, công ty con của hãng truyền thông Channel Four và tập đoàn BBC Films, đã góp phần phát triển sản xuất nhiều phim. Bên cạnh đó, Chính phủ Anh có chính sách ưu đãi thuế cho các bộ phim được sản xuất ở nước này, góp phần thu hút nhiều dự án điện ảnh từ Hollywood. Ngoài ra, thiết bị làm phim hiện đại ở các trường quay như Shepperton và Pinewood, cùng vẻ đẹp tự nhiên của nước Anh đã hấp dẫn giới làm phim đến đây. Và một yếu tố không kém phần quan trọng nữa là các nhà làm phim nước Anh vẫn sử dụng những câu chuyện đậm chất Anh chứ không bắt chước lối kể chuyện của Hollywood. Chính điều này đã nhận được sự hưởng ứng của khán giả khắp nơi trên thế giới.

ĐOÀN GIA HUY

.