.

Nhớ màu khói lam chiều

.

Kinh tế phát triển, cuộc sống con người cũng dần được cải thiện theo hướng hiện đại hơn và dường như họ cũng trở nên vội vã. Bởi thế sống ở phố có những lúc mệt mỏi vì công việc, hay áp lực của cuộc sống, rồi chuyện này chuyện kia…, tôi thường trốn về quê để tìm chút bình yên trong tâm hồn.

Ở nơi ấy còn đọng lại trong tâm trí tôi luôn là hình ảnh  màu khói lam chiều của mẹ thường bay lên sau chái nhà bếp, quyện vào đống rơm rạ chất đầy sau vườn nhà và dần lan tỏa vào hư không, lẩn khuất trong đó là mùi khói thơm đến nức lòng gợi nhớ về bao kỷ niệm của một thời nghèo khó nhưng ấm cúng của những ngày xưa.      

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Quê tôi vốn nghèo, cuộc sống người dân quanh năm gắn liền với đồng ruộng, với con trâu, cái cày hay mảnh vườn con con để trồng dăm bảy thứ rau, cuộc sống bình dị và giản đơn vô cùng. Ở đây khó mà thấy những dãy nhà cao tầng che khuất tầm nhìn mà thay vào đó là những ngôi nhà tranh mái rơm san sát nhau. Vào mỗi buổi chiều những làn khói trắng mỏng manh ảo diệu lại được thổi bay lên từ những chái bếp của các bà, các mẹ, các chị.

Tuổi thơ tôi lớn lên ở làng, đi chân trần lội bùn, đồ chơi là vài con tò he, hay những trò đồng dao, quà vặt là vài ba thứ bánh quê của mẹ, bà mỗi khi đi chợ. Ở  nơi đó những đứa trẻ sau giờ học lại í ới gọi nhau dắt trâu ra đồng, nằm trên đồng cỏ êm ái nói đủ thứ chuyện, rồi đùa vui nghịch dại, chơi chán lại đi kiếm củ khoai, củ sắn, bó rơm, bó rạ về để túm tụm nướng ăn trong làn khói trắng cay xè mắt. Hòa lẫn vào trong gió là những tiếng cười đùa vui rộn rã, vô tư.

Còn nhớ mỗi buổi chiều dắt trâu về đi đến đầu ngõ thôi là đã có thể ngửi thấy rõ mùi khói rơm thơm từ chái bếp của mẹ.

Căn bếp của mẹ cũng như bao căn bếp khác thời bấy giờ đều được chụm lên từ ba viên gạch, dưới cùng phủ tro trấu và đun bằng rơm, rạ ấy nhưng cái mùi khói rơm sao lại thơm đến thế, quyện cả mùi của đất, bùn thêm cả cái nắng, cái gió, và những giọt mồ hôi đang rơi vào áo, tóc, ám khói vào cả người để đến bây giờ dẫu có đi đến nơi đâu cái mùi thơm ấy vẫn còn mãi vấn vương, phảng phất không thể nào lẩn khuất được.

Mẹ chẳng mấy khi bảo tôi vào bếp thổi cơm bởi cứ  lần nào vào bếp mặt tôi cũng tèm nhem nhọ, vết lem trên mặt, còn mắt thì cay xè không mở nổi vì thổi khói. Ấy vậy nên tôi mới được chứng kiến những hình ảnh diệu kỳ về làn khói của mẹ vào mỗi buổi chiều hoàng hôn. Từng làn khói mỏng manh khi thì ngùn ngụt từng đám từng đám một đuổi nhau bay lên, nhưng có khi lại mỏng manh leo loét một sợi nhỏ dài rồi tan biến mất.

Những bó rơm sau mỗi mùa thu hoạch sẽ được mẹ cẩn thận phơi khô rồi chất đầy quanh một thân cây sau vườn. Mỗi khi mẹ cần đun lại sai tôi ra rút bớt. Bọn trẻ chúng tôi cực kỳ thích những cây rơm ấy bởi đó là nơi trốn lí tưởng khi chơi trò trốn tìm, hay là nơi để ngủ vùi một cách êm ái mỗi khi trời vào hè nắng oi ả.

Thích nhất vẫn là những ngày nước lũ rút, mấy mẹ con sẽ ra đồng để thu gom những gốc rạ, gốc rơm, những củ khoai, sắn còn sót. Xong việc lúc nào mẹ cũng bảo mấy chị em lên bờ vun những gốc rạ, rơm để thổi lửa, lấy một ít khoai, sắn mót được, vài bắp ngô, quả trứng mẹ mang theo vùi vào trong đó.  Lúc ấy bếp lửa đỏ rực với những tiếng nổ tí tách thật vui tai và lan tỏa trên cao là làn khói trắng với mùi thơm thơm của bùn đất, của mùi ngô, khoai, sắn đến là thèm thuồng.

Sau bao năm rời làng ở phố, hòa nhập vào cuộc sống thành thị tôi dần rời xa làn khói lam chiều của mẹ, rời xa sự yên bình của làng quê để đi theo cái vội vã, xô bồ của những lo toan, bộn bề của cuộc sống hiện tại. Ấy nhưng những kí ức về ngày xưa cũ vẫn nguyên vẹn chưa hề phai mờ, hình ảnh màu khói lam chiều từ chái bếp của mẹ vẫn cứ còn đó trong tâm thức về một thời nghèo khó nhưng quá đỗi thân thuộc và yên bình.

THY NGUYÊN

;
.
.
.
.
.