Văn hóa - Giải trí

Thương nhớ ngọt ngào

15:32, 12/02/2017 (GMT+7)

Thật lâu, hôm nay bỗng thèm chén chè đặc. Có phải vì cơ thể “đòi chè”, hay tại cơn mưa chợt mạnh đầu xuân, hay tại sau những bôn ba mỏi gối chồn chân, chợt thấm thía hương vị quê nhà?

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Trong se se lạnh, được ôm chén chè nóng vào lòng, hít hà hơi ấm, nghe vị gừng lan tỏa, với tôi khoảnh khắc ấy thật ngọt ngào, đủ sưởi ấm đôi môi hay run lên vì lạnh, ngọt hơn cả mọi niềm nhớ nhung… Tuổi thơ tôi cũng tràn trề kỷ niệm bên nồi chè đậu đen nấu với nếp của mẹ, nhớ nhất đoạn vét nồi, rồn rột tiếng cọ muỗng vào xoong, nhớ một thời gian khó.

Sau những món ăn vặt vừa mới vừa lạ, tôi lại đi tìm chè, như thể tìm về cố hương, tìm về ký ức. Là món ăn chơi, mùa nào cũng có. Nếu ngày mưa gió, chè đặc xua tan cái lạnh, thì ngày nắng chói chang, chè đá xua đi cái nóng. Mùa đông thèm chè mẹ nấu, thì mùa hè nhớ gánh chè trước sân trường. Ký ức về chè, không ai không có, hương vị và kỷ niệm về chè, bao giờ cũng ngọt lịm mỗi khi nhớ về.

Chè là sản vật trong cúng kiếng. Từ khi chào đời, đến khi trở về cát bụi, chè luôn hiện diện để chứng kiến thời khắc thiêng liêng của đời người. Khi muốn tri ân, tưởng nhớ, nguyện cầu, chè đóng vai trò chuyên chở, gửi gắm thế giới hiện tại vào thế giới tâm linh. Trong đi đám thôi nôi, hay đám đầy tháng đứa trẻ, gia chủ luôn trao tận tay khách mời một bịch xôi, chè…

Cứ mỗi khi dạo chợ, bất kể chợ nào, gian hàng chè luôn quyến rũ tôi. Sà vào hàng chè, không chỉ là “ăn hàng”, mà còn đi tìm hương vị ngày cũ. Chè ở đâu cũng có điểm chung là ngọt ngào, quyến rũ; khác nhau là chè trong ký ức mỗi người nhạt nhòa hay rõ nét. Giữa thời đại sành ăn, người ta dễ dàng bỏ qua một món ăn mới lạ nhưng lại khắt khe với những gì thuộc hương vị quê nhà. May mà chè quê muôn đời nay vẫn thế, cho vị ngọt đủ nhớ, khiến người đi xa khắc khoải, nhưng thử lai căng một chút, người ta ngúng nguẩy, thắc mắc ngay. Khắt khe với chè quê là thế, nhưng luôn dễ dãi với chè của bất kỳ vùng miền nào, bởi vì chè đã trở thành đặc sản, làm nên hương vị riêng của miền đất ấy, thì chúng ta không có quyền đòi hỏi, khen chê.

Có đôi lúc, giữa phố phường bày biện nhiều món ăn vặt, làm tôi không biết lựa chọn món nào, cuối cùng vẫn trung thành với chè. Hương vị cũ và nỗi nhớ quê, đã khiến chè trở thành ưu tiên duy nhất. Bỏ qua những món ăn vặt khá hấp dẫn như bánh tráng trộn, xoài lắc, trà sữa…, chè thắng thế bởi gắn với một thời gian khó, nên rất dễ… gây nghiện. Dù có lúc sợ mập, sợ rủi ro từ những món ngọt như đường, nhưng không thể cưỡng lại chén chè quê, nhất là chén chè nóng trong những ngày mưa lạnh.

Có phải tại ngày xưa các món ăn vặt chưa đa dạng, nên chè là lựa chọn hàng đầu? Ngày xưa đậu đường có sẵn, nên chè là món “cây nhà lá vườn” dễ nấu dễ ăn? Thật chẳng biết tại sao, nhưng giữa cơ man món ăn vặt thời thượng, chè vẫn náu mình trong cái chén nho nhỏ, trong chiếc ly cao gầy, ung dung đưa người ta đi về những chân trời ký ức. Nhớ ngày xưa bạn bè toàn rủ nhau ăn chè, người yêu dẫn nhau đi ăn chè, mẹ đi chợ về trong giỏ cũng có vài bịch chè… Ngày nay, người ta vẫn không quay lưng với chè. Bằng chứng là, các quầy chè trong chợ, lúc nào cũng dập dìu chị em; các quán chè ngoài đường mọc lên, bóng dáng đàn ông con trai vẫn nhiều. Người ta đi ăn chè chưa hẳn vì thèm, mà có thể đi tìm kỷ niệm, tìm sự ngọt ngào giữa dòng đời.

PHI KHANH

.