Văn hóa - Giải trí
Cuộc sống trên sông Mississippi
Tuần qua, The Guardian giới thiệu bài nghiên cứu và bình chọn “100 tiểu thuyết xuất bản bằng tiếng Anh hay nhất mọi thời đại” của Robert McCrum, Tiến sĩ danh dự Đại học Heriot-Watt ở Edinburgh, Scotland, nguyên Giám đốc và Tổng biên tập Tạp chí Faber & Faber (1996). “Life on The Mississippi” (Cuộc sống trên sông Mississippi-1883) của Mark Twain một trong những nhà văn xuôi vĩ đại nhất nước Mỹ được bình chọn trong tập sách này.
Mark Twain (ngoài cùng, bìa trái), một trong những nhà văn xuôi vĩ đại nhất nước Mỹ bên cạnh những nhà văn nổi tiếng: Edgar Allan Poe, F Scott Fitzgerald và Ernest Hemingway (từ trái qua). |
Đây là cuốn hồi ký về thời gian sống của Mark Twain khi làm hoa tiêu trên các tàu hơi nước, dọc ngang trên sông, cung cấp cái nhìn sâu sắc về những nhân vật nổi tiếng nhất trong tiểu thuyết của ông.
Mark Twain viết: “Khi tôi còn là một cậu bé, chúng tôi cũng đã có nhiều tham vọng, nhưng tất cả chỉ thoáng qua, duy chỉ có một tham vọng duy nhất còn lại với các bạn bè của tôi trong ngôi làng bờ tây con sông Mississippi, là làm một tàu hơi nước”.
Đây là tiếng nói không thể nhầm lẫn của tác giả văn xuôi vĩ đại và độc đáo nhất của Mỹ mô tả thời thơ ấu có thể truyền cảm hứng cho tác phẩm của ông, “The Adventures of Huckleberry Finn” (Cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn -1884), như thể Twain viết về chính mình.
Bìa cuốn Life on the Mississippi của Mark Twain Nhà xuất bản Perennial (US) 1965 |
Samuel Langhorne Clemens, được biết đến với bút danh Mark Twain (1835-1910), tác giả tiểu thuyết và truyện hài hước Mỹ. Ông nổi tiếng nhờ tiểu thuyết “Cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn”, và “Cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer” (1876).
Twain lớn lên tại Hannibal, Missouri, nơi mang đến cho ông những cảm xúc, dữ liệu để viết Huckleberry Finn và Tom Sawyer. Ông học nghề thợ in, làm việc như một người thợ xếp chữ in. Sau thời gian cực nhọc với nghề in ở nhiều thành phố khác nhau, Twain trở thành người hoa tiêu cho tàu thuyền trên sông Mississippi, trước khi đi về phía tây để chuyển sang nghề báo chí. Khi là phóng viên, ông đã viết một câu chuyện khôi hài, “The Celebrated Jumping Frog of Calaveras County”, (Con ếch nhảy trứ danh của hạt Calaveras), câu chuyện đã nhanh chóng phổ biến, tên tuổi ông đã gây sự chú ý trên toàn quốc. Những tác phẩm phiêu lưu ký của ông cũng được đón nhận nồng nhiệt. Từ đó, Twain đã tìm thấy chỗ đứng nghề nghiệp của mình trong thế giới văn học. Ông được ca ngợi là “nhà khôi hài vĩ đại nhất của thời đại”, và William Faulkner, nhà văn Mỹ, giải Nobel Văn học 1949, sinh trưởng bên dòng sông Mississipi gọi Twain là “Cha đẻ của văn học Mỹ”.
Có lẽ nhiều hơn bất kỳ nhà văn nào khác trong lịch sử nước Mỹ, Mark Twain đã giúp xác định tiếng nói của đất nước. Ông muốn nâng cấp cách mà mọi người đã viết, không chỉ với văn xuôi của ông, mà còn với việc giới thiệu một sáng chế Paige Compositor.
Con tem in hình các nhân vật trong tiểu thuyết của Mark Twain. |
Twain đã gặp “nhà phát minh” Paige năm 1880 và đã được thuyết phục để đầu tư một khoản tiền lớn vào dự án này trong hơn một thập kỷ. Twain đã đánh mất tương đương với 3 triệu đô-la tính theo tiền tệ hiện nay. Chiếc “máy in tự động” trở thành bong bóng bay và đến năm 1894, dự án chính thức thất bại. Đây không phải là lần đầu tiên ông đầu tư thất bại. Trước đó, Twain đã ném tiền cho một dự án để “chế tạo” ra loại lựu đạn tay có thể dập tắt đám cháy. Nhưng kết quả tồi tệ hơn nhiều so với sự tưởng tượng và Twain gần như bị phá sản.
Không bao giờ có thể phục hồi tài chính từ thất bại này. Để bù đắp cho khoản nợ khổng lồ trong tài khoản ngân hàng của mình, Twain đã bán ngôi nhà của mình và bắt đầu tham gia một cuộc thuyết trình toàn cầu. Có thể cho rằng, đây là một bài học đắng chát không thể quên trong đời, lẽ ra, trong trường hợp này, Twain chỉ nên viết, không nên muốn trở thành… một nhà tư bản mạo hiểm.
Vào thời đỉnh cao sự nổi tiếng của mình, ông nói với một người hâm mộ: “Tôi đã là một tác giả trong 20 năm, và một con lừa, một kẻ đần độn ở tuổi 55”. Trong tiểu thuyết “Cuộc sống trên sông Mississippi”, Mark Twain làm sáng tỏ bản ngã của mình.
HOÀNG ĐẶNG (Theo The Guardian)