Văn hóa - Giải trí

Đặt tượng, bia di tích: Hướng đến tính nghệ thuật

10:26, 04/03/2017 (GMT+7)

Gần đây, một số quận, huyện tiến hành lắp đặt tượng, bia di tích nhằm tôn vinh các danh nhân, đánh dấu các cột mốc lịch sử, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, văn hóa địa phương... Điểm tích cực là các tượng, bia di tích đã mang dáng dấp các công trình nghệ thuật, phù hợp với chủ trương thành phố về quy hoạch đặt bia, biển, tượng đài.

Tượng danh nhân Lê Văn Hiến tại vườn hoa trước Trung tâm Hành chính quận Ngũ Hành Sơn tạo điểm nhấn kiến trúc của trục đường Lê Văn Hiến và giới thiệu làng nghề chế tác đá đặc trưng của địa phương.
Tượng danh nhân Lê Văn Hiến tại vườn hoa trước Trung tâm Hành chính quận Ngũ Hành Sơn tạo điểm nhấn kiến trúc của trục đường Lê Văn Hiến và giới thiệu làng nghề chế tác đá đặc trưng của địa phương.

Mới đây, quận Ngũ Hành Sơn đặt tượng danh nhân Lê Văn Hiến (1904-1997), nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động, Bộ Tài Chính, nguyên Chủ tịch UBND cách mạng lâm thời thành Thái Phiên (Đà Nẵng) năm 1945 tại vườn hoa trước Trung tâm Hành chính quận (đường Lê Văn Hiến). Quận còn đặt tượng Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương (1772-1822) trên dải phân cách, đoạn đầu đường Hồ Xuân Hương. Mỗi tượng được làm từ đá trắng nguyên khối, cao trên 3m, có ghi vắn tắt tiểu sử, kèm tên đơn vị tài trợ, chế tác, tác giả, chủ dự án.

Ông Trần Văn Sinh, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Ngũ Hành Sơn cho biết, mỗi tác phẩm là một công trình nghệ thuật điêu khắc riêng biệt, có chất liệu đá và nét riêng trong tạo hình, chế tác nhưng quy chuẩn về kích cỡ. Để có những tác phẩm này, quận đã tiếp thu các ý kiến chuyên môn từ thành phố, dựa vào sự chế tác tài hoa của những nghệ nhân làng đá Non Nước và nguồn kinh phí do các cơ sở chế tác đá trên địa bàn quận hỗ trợ. Trong thời gian đến, quận Ngũ Hành Sơn tiếp tục triển khai 9 công trình tượng còn lại như: tượng Võ Nguyên Giáp, Sư Vạn Hạnh, Mai Đăng Chơn, Huyền Trân Công Chúa, Trần Đại Nghĩa, Minh Mạng, Võ Chí Công, Nguyễn Duy Trinh, Phan Tứ.

Bên cạnh tượng danh nhân, các bia di tích, lịch sử được lắp đặt trong năm 2016 cũng mang tính nghệ thuật. Cụ thể, quận Hải Châu thực hiện công trình tái dựng bia di tích “Phòng tuyến Cổ viện Chàm và đồn Võ Tánh” tại công viên vườn dạo khu vực đường Nguyễn Văn Linh-Trần Phú-Lê Đình Dương; quận Thanh Khê gắn biển Bến xe Lam - chợ Cồn (đường Hùng Vương, ngay trước Trung tâm Thương mại Vĩnh Trung). Theo đó, các bia, biển di tích có hình thức như tác phẩm điêu khắc, hài hòa với không gian kiến trúc đô thị hiện đại, vừa đậm tính nghệ thuật mà vẫn bảo đảm sự trang nghiêm. Trên bia, biển ghi những thông báo về sự kiện lịch sử giúp người dân dễ dàng phổ cập thông tin, hiểu thêm về dấu ấn văn hóa, lịch sử của thành phố.

Chia sẻ về vấn đề đặt bia, biển lưu niệm sự kiện, nhân vật lịch sử trên địa bàn thành phố, ông Hồ Tấn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Quản lý di sản không khỏi băn khoăn khi Đà Nẵng có khoảng 67 bia, biển lưu niệm sự kiện, nhân vật lịch sử nhưng đa phần na ná giống tượng đài liệt sĩ khiến người dân địa phương đặt lư hương thờ cúng. Ông Tuấn cũng khuyến cáo không nên “chạy đua” xây tượng, lắp đặt biển, bia di tích. Tùy theo tình hình thực tế, bối cảnh xung quanh mà có kế hoạch sao cho hợp lý, nếu không sẽ gây lãng phí.

“Cái gì chứ tượng đài, tượng danh nhân, bia, biển di tích... khi đã được dựng lên thì không thể đập phá. Vì thế cần cân nhắc thận trọng. Ngoài ra, làm thế nào để các địa chỉ đó phát huy giá trị, tạo thành điểm đến của người dân và du khách khi tìm hiểu về lịch sử vùng đất Đà Nẵng mới là điều thật sự ý nghĩa”, ông Tuấn nói.

Bài và ảnh: PHẠM THU HÀ

.