Tín ngưỡng thờ Mẫu tại thành phố Đà Nẵng dần đi vào khuôn khổ và đang phát huy giá trị văn hóa, tín ngưỡng, nhất là khi “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt” được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào tháng 12-2016.
Tín ngưỡng thờ Mẫu có giá trị đặc sắc bởi di sản gắn liền với đời sống tinh thần và các phong tục tập quán văn hóa của người dân, được cộng đồng trân trọng và liên tục lưu truyền từ ngàn đời nay. TRONG ẢNH: Hát chầu văn trong nghi lễ hầu đồng. |
Ông Trần Văn Hòa, đại diện cộng đồng theo tín ngưỡng thờ Mẫu tại Đà Nẵng cho biết, hằng năm, tín ngưỡng thờ Mẫu có hai ngày lễ lớn gồm Vía mẹ 22-2 âm lịch và Vía cha 22-8 âm lịch. Lâu nay, các ngày lễ này được tổ chức với quy mô nhỏ tại khu Đảo Xanh 2 thuộc phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu.
Từ năm 2016, sau khi UBND thành phố Đà Nẵng bố trí khu đất tại phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, Ban đại diện đã xây dựng cơ sở khang trang. Đến nay, các hoạt động của tín ngưỡng thờ Mẫu tại thành phố Đà Nẵng nói chung và tại cơ sở Tam Giang Thánh Điện nói riêng dần đi vào nền nếp. Ban đại diện đã có kinh nghiệm quản lý cũng như tổ chức lễ hội. Các cấp chính quyền luôn bảo đảm điều kiện và thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước trên địa bàn.
Vì thế, theo Ban đại diện, Lễ Vía mẹ năm nay diễn ra trong 3 ngày từ 17 đến 19-3 (20 đến 22-2 âm lịch) được tổ chức quy mô nhằm tôn vinh giá trị văn hóa của tín ngưỡng thờ Mẫu. Phần lễ đặc sắc với lễ mở tẩm cung, lễ mộc dục, lễ rước kiệu, lễ tuần du trên sông, nghi lễ hầu đồng, lễ thả hoa đăng.
Bên cạnh phần lễ là phần hội trưng bày y phục của tín ngưỡng thờ Mẫu, hát chầu văn, các món ăn ẩm thực dân gian xứ Quảng, trưng bày hình ảnh và hiện vật về tín ngưỡng miền Trung qua các thời kỳ... Hát chầu văn năm nay, ngoài hát trong hầu đồng ở chính điện và trên thuyền gồm 36 giá (mỗi “giá” hiện diện một vị thánh, với âm nhạc, vũ đạo, trang phục, nghệ thuật trình diễn khác nhau), còn có đêm văn nghệ hát chầu văn với những bài về phong cảnh hữu tình của đất và người Quảng Nam- Đà Nẵng.
Ngày vía Mẫu Thoải Cung giới thiệu những nét đẹp của tín ngưỡng thờ Mẫu đến đông đảo công chúng và góp phần làm phong phú lễ hội trên địa bàn thành phố.
Tín ngưỡng thờ Mẫu tại Đà Nẵng cơ bản thuộc dạng thức Bắc Bộ. Trong quá trình tiếp biến văn hóa, người Việt đón nhận thêm Nữ thần Thiên Y A Na là vị thần Mẹ xứ sở trong tín ngưỡng của người Chăm và thờ phụng bà.
“Đây là văn hóa bản địa, nói lên ước mong thực tế trong cuộc sống hiện tại: cầu tài, cầu lộc, gia đạo an vui. Những vị thần được thờ hầu hết là người có công với dân, với nước. Do đó, khi được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, bản thân tôi và những người thực hành tín ngưỡng này cảm thấy tự hào, nhận thức sâu sắc và tích cực hơn trong công tác tham gia bảo vệ và phát huy tín ngưỡng theo luật di sản”, ông Hòa nói.
Ông Trần Văn Hòa không khỏi lo lắng khi vẫn có một số người lợi dụng hoạt động tín ngưỡng này để trục lợi. Ông bày tỏ mong muốn các ngành chức năng cùng ngồi lại với Đại diện cộng đồng theo tín ngưỡng thờ Mẫu để tìm giải pháp, ban hành văn bản pháp lý xử lý những vi phạm bởi ranh giới giữa tín ngưỡng và “mê tín” khá mong manh; ngoài ra có hướng dẫn, hỗ trợ để di sản văn hóa này phát huy giá trị như những di sản văn hóa phi vật thể khác. |
Ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó Giám đốc Thường trực Sở Văn hóa-Thể thao thành phố cho biết, năm 2016, lễ hội của cộng đồng theo tín ngưỡng thờ Mẫu được tổ chức quy mô khi cơ sở mới (Tam Giang Thánh Điện) được xây dựng tại phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ. Trong đó, phần lễ với những nghi thức truyền thống tín ngưỡng thờ Mẫu chịu sự quản lý về mặt Nhà nước của Ban Tôn giáo thành phố, phần hội thuộc sự quản lý của Sở Văn hóa-Thể thao. “Chúng tôi vừa mới chấp thuận cho hoạt động diễu hành thuyền hoa trên sông, còn những hoạt động khác trong phần hội vẫn chưa thấy văn bản đề nghị. Tuy nhiên, các cấp chính quyền luôn bảo đảm điều kiện chính đáng để người dân thực hiện tự do tín ngưỡng theo pháp luật”, ông Chiến nói. |
Bài và ảnh: NGỌC HÀ