.

Đầu tư xây dựng không gian văn hóa

.

Các hoạt động văn hóa trên địa bàn thành phố gần đây được đầu tư, đổi mới, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và du khách.

Biểu diễn nghệ thuật tuồng trên đường phố thu hút người dân.
Biểu diễn nghệ thuật tuồng trên đường phố thu hút người dân.

Đa dạng hoạt động văn hóa

Mùa thứ 3 Hội sách Hải Châu 2017 trở thành sự kiện “bùng nổ” về văn hóa đọc tại Đà Nẵng. Chỉ trong 5 ngày, Hội sách Hải Châu có hơn 160.000 lượt khách đến tham quan, mua sắm; tổng doanh thu của các gian hàng ước đạt hơn 15 tỷ đồng với hơn 250.000 bản sách được bán ra. Theo đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu về văn hóa, điều này cho thấy chỉ cần tạo không gian văn hóa đọc hợp lý sẽ khơi gợi tình yêu với sách của người dân Đà Nẵng, kể cả những người đã lâu năm gắn bó với sách hay những người mới làm quen với sách.

Cũng về văn hóa đọc, khi Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng tăng thời gian mở cửa (kể cả ngày chủ nhật), lượng bạn đọc đến thư viện khá đông với 745 lượt/ngày. Lượng bạn đọc trực tuyến tại thư viện điện tử sachdientu.thuvien.danang.gov.vn cũng hơn 70.000 lượt truy cập.

Ngoài văn hóa đọc, nhu cầu tìm hiểu lịch sử của người dân cũng được đáp ứng khi các bảo tàng lần lượt được nâng cấp, đầu tư và xây mới như: Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng.

Đáng kể nhất trong hoạt động văn hóa thành phố là các chương trình nghệ thuật sôi động diễn ra tại hai bên bờ sông Hàn thơ mộng khi thành phố chủ trương hình thành trục văn hóa lễ hội tại đây từ năm 2015. Triển khai chủ trương của UBND thành phố, từ năm 2016, ngành Văn hóa tổ chức hàng loạt chương trình như: Tuồng xuống phố, bài chòi, vũ hội đường phố, âm nhạc đường phố, sân chơi cuối tuần… NSƯT Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh nhìn nhận, tuồng xuống phố diễn ra hơn một năm qua, với nhiều tiết mục được đầu tư, dàn dựng công phu thu hút phần lớn khán giả địa phương.

Tiến tới giảm khoảng cách trong hưởng thụ văn hóa

Anh Nguyễn Quang (39 tuổi, trú phường Thạch Thang, quận Hải Châu) cho biết, sinh ra và lớn lên tại Đà Nẵng nhưng anh mới trở về sống và làm việc ở quê hương 6 năm nay. Trong khoảng thời gian này, anh đã chứng kiến nhiều sự đổi thay về hưởng thụ văn hóa của người dân Đà Nẵng. “Từ chỗ không biết cùng gia đình đi chơi đâu ngoài ra quán cà-phê, xem phim, đến nay, có nhiều điểm văn hóa để gia đình cùng thưởng thức. Khi không gian hai bờ sông Hàn được “đánh thức”, nơi đây trở thành điểm đến hấp dẫn của gia đình tôi vào mỗi tối cuối tuần”, anh Quang chia sẻ.

Nói về mức hưởng thụ văn hóa của người dân thành phố, ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Đà Nẵng cho rằng, thời gian qua, thành phố đầu tư tương đối thỏa đáng cho văn hóa từ công trình trọng điểm, thiết chế cơ sở đến hoạt động văn hóa, tiêu biểu là xây dựng trục lễ hội hai bờ sông Hàn. So với các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, mức hưởng thụ văn hóa của người dân Đà Nẵng vẫn chưa sánh kịp nhưng với những nỗ lực đầu tư của thành phố, cơ bản các hoạt động đã đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân.

“Điều khiến tôi lo ngại là mức hưởng thụ văn hóa của người dân vùng ven thành phố vẫn còn khá thấp. Chúng tôi cũng đã định hướng cho các đơn vị sự nghiệp như Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, Nhà hát Trưng Vương, Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng, Trung tâm Văn hóa thành phố tăng cường hoạt động biểu diễn để phục vụ bà con vùng ven; đồng thời, phát huy mạnh mẽ công năng của các thiết chế văn hóa cơ sở, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân”, ông Hùng nói.

Bài và ảnh: HÀ THU

;
.
.
.
.
.