Không gian đọc trên địa bàn thành phố Đà Nẵng ngày càng đa dạng và rộng mở để mỗi người dân thêm cơ hội trải nghiệm niềm vui với sách.
Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố thu hút đông đảo bạn đọc với nhiều độ tuổi khác nhau. |
Mỗi ngày, hơn 700 lượt bạn đọc đến thư viện thành phố
Đầu tháng 4-2017, Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố bắt đầu triển khai phục vụ bạn đọc từ 8 giờ đến 21 giờ từ thứ ba đến chủ nhật hằng tuần. Cũng từ đầu năm 2017, thư viện thực hiện không thu phí thẻ bạn đọc. Ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố cho biết, đây là cách thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho bạn đọc. “Nhiều bạn đọc cả tuần đi làm, chỉ có ngày chủ nhật thong thả thời gian đến thư viện đọc sách. Lượng bạn đọc hai ngày cuối tuần luôn đông đảo”, ông Thái cho biết.
Cũng theo ông Thái, thời gian qua, ngoài nâng cấp, xây mới công trình, trang thiết bị của thư viện được thành phố quan tâm đầu tư đồng bộ, tạo điều kiện phát huy tối đa hiệu quả, chất lượng các hoạt động chuyên môn như: nâng cấp phần mềm chuyên dụng, phòng đọc đa phương tiện, phòng chiếu phim 3D, tăng thêm 8 chỉ tiêu về nhân sự... Nhờ đó, thư viện đón trung bình 745 lượt bạn đọc/ngày. Tính đến hết năm 2016, Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố luân chuyển hơn 700.000 lượt tài liệu, tăng gấp đôi so với năm 2015; cấp hơn 6.000 thẻ mới, tăng gấp 13 lần so với những năm trước.
Ngân sách cấp cho công tác bổ sung tài liệu của thư viện cũng tăng theo thời gian. Cụ thể, giai đoạn 2010-2014, ngân sách còn hạn chế, trung bình 250 triệu đồng/năm. Đến năm 2015, con số này khoảng 1,4 tỷ đồng; năm 2016 khoảng 950 triệu đồng và năm 2017 khoảng hơn 1 tỷ đồng. Theo đó, thư viện đã bổ sung nhiều đầu sách, tài liệu mới, đa dạng, đáp ứng tốt nhu cầu học tập, nghiên cứu, giải trí của nhiều đối tượng bạn đọc.
“Từ năm 2017, trung bình mỗi người dân Đà Nẵng sẽ có 0,5 bản sách (kể cả sách điện tử), 20% dân số sử dụng dịch vụ thư viện và bổ sung gần 20.000 bản sách, đầu báo, tạp chí cũng như kết nối hệ thống mạng dữ liệu với tất cả các thư viện trên địa bàn. Đến năm 2020, bảo đảm mỗi người dân Đà Nẵng có 0,8 bản sách trong thư viện công cộng, 50% dân số thành phố sử dụng dịch vụ của thư viện”, ông Thái phấn khởi nói.
Không gian đọc tại Đà Nẵng ngày càng đa dạng và rộng mở. TRONG ẢNH: Tham quan các gian hàng tại Hội sách Hải Châu 2017. Ảnh: NGỌC HÀ |
Thêm không gian văn hóa đọc
Ngoài Thư viện Khoa học tổng hợp, gần đây, mô hình công viên, cà-phê sách trị giá 1 tỷ đồng tại quận Sơn Trà do Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc tài trợ cũng là một không gian mở dành cho việc đọc sách. Tại đây, bạn đọc có thể học ngoại ngữ miễn phí và sinh hoạt về môi trường, tham gia các trò chơi dân gian như: ô ăn quan, đánh chuyền, trồng nụ trồng hoa, nhảy lò cò, nhảy dây, rồng rắn lên mây... bên cạnh đọc sách.
Ông Lê Văn Soạn, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận Sơn Trà cho biết, đây là mô hình công viên - phòng đọc và cà-phê sách đầu tiên tại quận Sơn Trà. Mô hình này triển khai hiệu quả sẽ nhân rộng toàn quận.
Một tín hiệu vui nữa cho văn hóa đọc Đà Nẵng là thành phố đang kêu gọi xã hội hóa dự án Vườn sách nhằm tôn vinh văn hóa đọc. Vườn sách được xây dựng tại phường Thạch Thang, quận Hải Châu, ngay cạnh Trung tâm Hành chính thành phố với quy mô quy hoạch hơn 1.900m2, ranh giới quy hoạch: phía bắc giáp đường vào thành Điện Hải, phía nam giáp với sân tennis hiện trạng, phía đông giáp đường Bạch Đằng và phía tây giáp đường Trần Phú. Đây sẽ là nơi trưng bày, giới thiệu sách hay, sách mới, tác giả mới hằng tháng, hằng tuần; tổ chức hoạt động mua bán sách và sản phẩm văn hóa của nhà xuất bản, đơn vị phát hành. Đây còn là nơi giao lưu tác giả, độc giả, giới thiệu xu hướng, trào lưu làm sách mới, tác giả mới, tạo dựng thói quen, cách thức đọc sách, niềm đam mê với sách.
Xã hội hóa hội sách Hội sách Hải Châu diễn ra từ ngày 19 đến 23-4, thu hút đông đảo bạn đọc mọi lứa tuổi. Theo ước tính của Ban tổ chức, mỗi ngày có khoảng 17.000 lượt khách tham quan và mua sắm tại hội sách, gần 1.000 khách tham dự các chương trình giao lưu. So với hai mùa hội sách trước, năm nay các gian sách được lắp dựng vững chãi và thoáng mát hơn. Theo đánh giá của bạn đọc, Hội sách Hải Châu có đa dạng đầu sách, nhiều sách mới, chương trình khuyến mãi phong phú. Hai ngày đầu của hội sách còn có nhiều hoạt động phụ trợ sôi nổi, hấp dẫn như chương trình kể chuyện ngụ ngôn Việt Nam bằng tiếng Anh (với các câu chuyện quen thuộc Thầy bói xem voi, Thạch Sanh - Lý Thông, Anh hùng La Văn Cầu, Bánh chưng bánh dày, Đinh Bộ Lĩnh - Người anh hùng cờ lau); cuộc thi tô màu với chủ đề Sắc màu cổ tích Việt Nam; triển lãm tranh “Nét đẹp Hải Châu”, biểu diễn xoay rubic, giao lưu với diễn giả Trần Vũ Nguyên, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Đây cũng là hội sách đầu tiên xã hội hóa mạnh mẽ trong các khâu từ chi phí đầu tư lắp dựng gian hàng, quảng bá, tiếp thị, mời tác giả đến giao lưu cũng như tổ chức các hoạt động đồng hành. Công ty CP Văn hóa Phương Nam là đơn vị đầu mối trong thực hiện nhiều đầu việc theo chủ trương xã hội hóa Hội Sách Hải Châu-Đà Nẵng 2017. |
Nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam lần thứ 4 (21-4) - Hội Nhà văn Đà Nẵng phối hợp với Trường Đại học Duy Tân Đà Nẵng giới thiệu 2 tác phẩm gồm: Tuyển tập thơ của Thanh Quế và Tập truyện ngắn Chó hoang của Bùi Tự Lực. - Từ ngày 15 đến 22-4, UBND huyện Hòa Vang tổ chức cuộc thi kể chuyện theo sách; tổ chức trưng bày, triển lãm, giới thiệu sách. Quận Sơn Trà tổ chức hội nghị bạn đọc năm 2017 và triển khai các hoạt động cụ thể khác nhằm phát triển văn hóa đọc tại địa phương. - Các trường học trên địa bàn thành phố tổ chức nhiều hoạt động đổi, tặng sách; ngày hội sách... |
Bài và ảnh: NGỌC HÀ