Văn hóa - Giải trí
Trải nghiệm văn hóa Cơ tu giữa phố
Ngày 29-3, Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức trưng bày và giới thiệu văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ tu lần thứ hai với sự tham gia của các nghệ nhân đến từ Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam.
Dệt thổ cẩm, nghề thủ công truyền thống của người Cơ tu. |
Nhiều hoạt động đặc trưng của đồng bào Cơ tu diễn ra tại sự kiện này gồm: biểu diễn điệu múa Tung tung da dá, biểu diễn nhạc cụ, hát lý, trình diễn nghề dệt thổ cẩm, nghề đan mây tre truyền thống, giới thiệu sản phẩm rượu cần, nông sản... Đông đảo người dân và du khách, đặc biệt các em học sinh trên địa bàn thành phố rất thích thú với sự trải nghiệm mới mẻ này. Các em vây quanh các nghệ nhân, một số em cẩn thận ghi chép vào quyển sổ nhỏ. Em Lê Huỳnh Việt Trân, học sinh lớp 5/6 Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ (quận Hải Châu) tỏ rõ sự phấn khích khi nhìn thấy các nghệ nhân tạo ra chiếc gùi chắc chắn từ những thanh tre nứa mảnh khảnh. “Lần đầu tiên em được tìm hiểu văn hóa của người Cơ tu và cuộc sống của đồng bào miền núi không phải qua sách, báo mà qua trải nghiệm thực tế. Em còn được chuyện trò trực tiếp với các nghệ nhân, điều này thú vị vô cùng”, Việt Trân hồ hởi nói.
Tham gia Ngày hội văn hóa Cơ tu lần này có khoảng hơn 30 nghệ nhân Cơ tu đến từ Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam. Những năm gần đây, các nghệ nhân thường xuyên tham gia trình diễn nghề truyền thống để phục vụ du lịch và các sự kiện văn hóa. Tuy nhiên, được “khán giả” Đà Nẵng chào đón nhiệt tình như lần này thực sự là trải nghiệm đáng nhớ của các nghệ nhân. Ông Tơ Ngôn APing (65 tuổi, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) vừa vót những sợi mây tre, vừa kể chuyện, làng ông ngày trước con trai 15 tuổi đã biết nghề đan gùi, con gái biết dệt thổ cẩm. Để đan một chiếc gùi thông thường có khi mất từ 15 ngày đến cả tháng trời. Chiếc gùi làm ra có thể được dùng đến mấy chục năm. Nói xong, ông cười bảo: “Tôi không nghĩ mọi người lại quan tâm và tìm hiểu văn hóa của đồng bào tôi như thế. Đó là niềm hạnh phúc không dễ gì có được”.
Bên cạnh ông, bà Srah Rem (75 tuổi, huyện Nam Giang) tay thoăn thoắt thêu dệt và đính cườm trên chiếc khung đơn giản làm từ những thanh gỗ, tre, nứa. Chốc chốc bà dừng tay, nhìn lên khán giả đang vây quanh và nói bằng giọng Kinh lơ lớ: “Thấy mẹ dệt có đẹp không? Thời mẹ, con gái lớn chút đã được chỉ dạy nghề dệt thổ cẩm này rồi. Mẹ đã ngồi bên khung cửi được 60 năm rồi đấy”.
Ngoài không gian trình diễn nghề thủ công truyền thống, tại tiền sảnh Bảo tàng Đà Nẵng còn có 4 nghệ nhân biểu diễn hát lý. Tiếng hát, tiếng đàn mộc mạc như lời thủ thỉ tâm tình. Các nghệ nhân cho biết, nói lý, hát lý vẫn thường được dùng trong đời sống sinh hoạt văn hóa của đồng bào Cơ tu, như cách trò chuyện thú vị về cuộc sống, buôn làng, tình yêu đôi lứa...
Có thể nói, mang văn hóa Cơ tu về giữa lòng Đà Nẵng là hướng đi táo bạo của Bảo tàng Đà Nẵng nhằm đáp ứng xu thế mới của khách tham quan: trải nghiệm, khám phá văn hóa trong hành trình đến với bảo tàng; tham quan trưng bày hiện vật kết hợp “mục sở thị” chính nền văn hóa đó.
Bà Nguyễn Thị Trinh, Trưởng ban tổ chức chương trình giới thiệu văn hóa Cơ tu cho biết, chương trình mang văn hóa Cơ tu về giữa lòng thành phố giúp khách tham quan hiểu rõ hơn nét đẹp văn hóa của đồng bào Cơ tu, đồng thời tạo điều kiện để đồng bào Cơ tu bảo tồn, giữ gìn cũng như quảng bá giá trị văn hóa truyền thống đến công chúng, đó là cách để di sản này “sống được”.
Thời gian đến, hằng năm, Bảo tàng Đà Nẵng tiếp tục duy trì ngày hội văn hóa Cơ tu với phong phú các hoạt động. Bên cạnh trưng bày hiện vật, bảo tàng sưu tầm những câu chuyện kể, cách biểu diễn điệu múa, nhạc cụ dân tộc, hát lý đặc trưng của đồng bào Cơ tu.
Ông Lê Văn Nghĩa (thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang) cho biết, tại Đà Nẵng, đồng bào Cơ tu sinh sống tại hai thôn Phú Túc, xã Hòa Phú và thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang. Hiện nay, một số đặc trưng văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ tu tại Đà Nẵng đã dần mai một, do quá trình tiếp biến văn hóa. Vì vậy, hoạt động này là dịp đồng bào Cơ tu các địa phương giao lưu, học hỏi và tìm giải pháp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Bài và ảnh: NGỌC HÀ