Khôi phục lễ hội truyền thống

.

Đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của người dân địa phương, nhiều lễ hội truyền thống trên địa bàn thành phố được phục dựng theo tinh thần bảo tồn, tôn vinh những vốn quý cha ông để lại…

Thả bồ câu cầu quốc thái dân an tại Lễ hội đình làng Hải Châu.  Ảnh: T.T
Thả bồ câu cầu quốc thái dân an tại Lễ hội đình làng Hải Châu. Ảnh: T.T

Là cái nôi giàu truyền thống văn hóa, huyện Hòa Vang hiện là nơi diễn ra nhiều lễ hội đậm chất truyền thống. Ông Đỗ Thanh Tân, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hòa Vang cho biết, hầu hết các lễ hội trên địa bàn huyện Hòa Vang chủ yếu được phục dựng từ những năm 2000, theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII).

Hàng loạt di tích cùng lễ hội được phục dựng trong giai đoạn này như Lễ hội đình làng Bồ Bản, lễ hội đình làng Túy Loan, lễ hội đình làng Quá Giáng, lễ Tắt bếp… Gần nhất, theo kế hoạch bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống của cộng đồng người Cơ tu thành phố Đà Nẵng, giai đoạn 2015-2020, trong năm 2016, huyện Hòa Vang phục dựng hai lễ hội truyền thống của người Cơ tu:

Một là lễ ăn thề kết nghĩa giữa các làng, hai là lễ hội Mừng lúa mới (tổ chức cùng ngày 18-11-2016) cho đồng bào Cơ tu 3 thôn Tà Lang, Giàn Bí (xã Hòa Bắc), Phú Túc (xã Hòa Phú). Đây là hai trong nhiều lễ hội truyền thống tiêu biểu trong đời sống tinh thần của người Cơ tu...

“Việc phục dựng các lễ hội này góp phần xây dựng mối quan hệ đoàn kết gắn bó trong cộng đồng người Cơ tu, từng bước tôn tạo, bảo tồn các nét đẹp văn hóa truyền thống, làm phong phú đời sống tinh thần của dân tộc này. Xa hơn, chúng ta có thể nghĩ về việc góp phần phục vụ phát triển du lịch cộng đồng của địa phương sau này”, ông Đỗ Thanh Tân nói.

Theo GS. TSKH. Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, lễ hội Mục đồng vào hàng độc đáo và có thể là duy nhất tại Việt Nam. Từ ngày được phục dựng, Lễ hội Mục đồng diễn ra 3 - 4 năm một lần tại đền Thần Nông, làng Phong Nam, xã Hòa Châu.

Theo ông Ngô Văn Nghĩa, nguyên Trưởng thôn Phong Nam, đại diện Ban tổ chức Lễ hội Mục đồng từ năm 2007 - 2014, lễ hội dành cho trẻ chăn trâu xưa tại địa phương này được tổ chức lần cuối cùng vào năm Bảo Đại thứ mười một (1936). Mãi đến hơn 70 năm sau, tháng 4-2007, lần đầu tiên, Lễ hội Mục đồng mới được phục dựng lại, theo ý nguyện của bà con 17 họ tộc trong làng, cùng sự hỗ trợ về mặt chuyên môn của Hội Văn nghệ dân gian thành phố Đà Nẵng.

“Tôi còn nhớ như in cái không khí nô nức chưa từng có của làng Phong Nam năm đó. Người đến tham gia lễ hội như nêm, chen chân, xếp hàng dài hàng cây số”, ông Nghĩa nhớ lại. Năm 2010, lễ hội được tổ chức lần hai.

Tại lần đó, đại diện các hãng lữ hành, công ty du lịch đã đưa khách tham gia lễ hội và đánh giá đây là sản phẩm văn hóa - du lịch độc đáo có một không hai của Đà Nẵng và cả nước. Năm 2014, Lễ hội Mục đồng được tổ chức lần ba.

Lễ hội diễn ra 2 đêm 1 ngày và vẫn tiếp tục là ngày hội của người làm nông làng Phong Nam và các địa phương lân cận. Dự kiến, tháng 4-2018, sẽ diễn ra lễ hội Mục đồng lần thứ tư. Theo lý giải của ông Nghĩa, sở dĩ khoảng cách giữa các kỳ Lễ hội Mục đồng khá thưa là do vấn đề kinh phí. Để tổ chức một kỳ lễ hội bài bản, ban tổ chức phải chuẩn bị cả nửa năm trước đó với những đạo cụ và phục trang khá kỳ công, tốn kém…

Chủ thể của lễ hội Mục đồng là các trẻ mục đồng.  Ảnh: VĂN THÀNH LÊ
Chủ thể của lễ hội Mục đồng là các trẻ mục đồng. Ảnh: VĂN THÀNH LÊ

Tại địa bàn trung tâm thành phố, mới được phục dựng trong chưa đầy 10 năm trở lại đây, lễ hội đình làng Hải Châu và lễ hội đình làng Thạc Gián ngày càng khẳng định vị trí đặc biệt trong đời sống tinh thần của người dân các địa phương. Đình làng Hải Châu được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia từ năm 2001. Từ năm 2009 đến nay, lễ hội đình làng Hải Châu được khôi phục với quy mô ngày càng lớn. Cũng là một trong những di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu của thành phố Đà Nẵng, đình làng Thạc Gián được Bộ VH-TT&DL công nhận di tích cấp quốc gia từ năm 2007. Trong niềm tự hào đó, bà con chư phái tộc đình cùng các cấp ngành liên quan đã đồng lòng phục dựng lễ hội tại đình làng này, với quy mô trọng thể từ năm 2011.

Năm 2016, lần đầu tiên, lễ hội tín ngưỡng thờ Mẫu - Bửu đản Thánh Mẫu đệ tam Thoải cung được tổ chức với quy mô lớn, tại Tam Giang Thánh Điện – phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ) thu hút hàng nghìn người trên khắp nước về dự. Lễ hội là một nét đẹp văn hóa trong dân gian liên quan tín ngưỡng thờ Mẫu (Đệ tam Thủy cung), gắn với đời sống của người làm nghề sông nước, được khôi phục với quy mô nhỏ từ năm 2009. “Lễ hội tín ngưỡng thờ Mẫu được tổ chức hằng năm vào các ngày 20 - 22 tháng 2 âm lịch hằng năm, không ngoài mục đích cầu mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an”, ông Trần Văn Hòa, Trưởng Ban tổ chức lễ hội cho biết.

Nói về điều kiện khôi phục các lễ hội truyền thống, một cán bộ chuyên trách của Sở Văn hóa - Thể thao thành phố cho biết chủ yếu xuất phát từ nhu cầu tự thân của các cộng đồng địa phương. Sở Văn hóa - Thể thao sẽ xem xét các điều kiện từ các đề xuất của địa phương để quyết định khôi phục lễ hội nào. Thường các lễ hội đình làng được khôi phục đồng thời hoặc sau khi di tích đình được công nhận di tích các cấp, vị cán bộ này nói.

THANH TÂN

;
.
.
.
.
.