Tháng 7 vừa qua, nhà thơ Trần Đăng Khoa có buổi giao lưu với độc giả và các chiến sĩ hải quân về tiểu thuyết mini Đảo chìm tại Đà Nẵng. Đây là tác phẩm viết về những người lính, nhà giàn và cuộc sống khổ cực trên đảo từ chính trải nghiệm của nhà thơ khi là chiến sĩ đóng quân trên quần đảo Trường Sa.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa giao lưu với độc giả Đà Nẵng tại Tuần lễ sách Sơn Trà 2017. |
Tiểu thuyết mini Đảo chìm được xuất bản lần đầu năm 2000 và sớm được nhà văn Lê Lựu “sắc phong” hai chữ “Thần bút”. Đến năm 2009, tác phẩm được tái bản đến lần thứ 25 (Bách khoa toàn thư mở Wikipedia đã ghi nhận sự kiện này như một kỷ lục về sách của Việt Nam). Tháng 2-2016, Đảo chìm được Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng tái bản lần thứ ba và đây là lần tái bản thứ 31 của tác phẩm.
Những ai từng đọc Đảo chìm có thể cười hóm hỉnh với cuộc đời người lính biển, rồi lại cay cay khóe mắt bởi những vất vả, chịu đựng và hy sinh. Với từng câu chuyện nhỏ xuyên suốt, Đảo chìm cứ thế đi vào lòng người một cách tự nhiên, xúc động bởi chính lối viết thật, những câu chuyện rất đời thường của Trần Đăng Khoa và những nhân vật trong câu chuyện cũng bằng xương, bằng thịt như:
Huy - y tá của đảo, những người lính biển Tư xồm, Hai “ùm”... Họ ở đó, trên hòn đảo chưa có cả cát, nghĩa là chưa có gì cả, nó đang là một vỉa san hô ngầm còn chìm sâu dưới nước, như một cái bào thai. Bởi thế, những người lính biển đã phải dựng chòi bảo vệ giữa sóng gió hoang vu để canh giữ “một vỉa san hô ngầm còn chìm sâu dưới nước”, hay “cái dải nước xanh phơn phớt ở đây” bằng mọi giá. Và giữa mênh mông biển trời khắc nghiệt ấy, nhiều lính biển đã hy sinh. Có lẽ chẳng cái chết nào dữ dội như cái chết của người lính biển. Chết rồi mà chẳng được yên. Cho dù chỉ còn một mẩu xương tàn thì mẩu xương ấy vẫn phải giằng co, vật lộn với sóng gió...
Đảo chìm khiến bạn đọc xúc động bởi tính thời sự cách đây hơn 30 năm đến nay vẫn còn nóng hổi - đó là lời thề giữ đảo. Lời thề của một chiến sĩ canh giữ đảo quê ở Nghệ An với Tư lệnh Hải quân Giáp Văn Cương. Người chiến sĩ ấy không xin Tư lệnh thêm súng, thêm đạn, thêm áo quần, lương mà chỉ nói với vị Tư lệnh: “Bố cho con mượn tạm cái xẻng. Chỉ ba tiếng là con giấu xong đảo thôi. Mà không đến ba tiếng đâu. Chỉ tiếng rưỡi đồng hồ là con xúc xong chỗ cát này cho xuống biển, đố kẻ thù nào nhìn thấy đảo, có muốn cướp đảo cũng chịu”...
Trong Đảo chìm, bạn đọc còn cười ra nước mắt với cách canh giữ kho báu “nước ngọt” của Tư xồm, cách gọi “nàng” heo bằng cái tên kiều diễm An-ta-ra-mê-na... Hay chuyện các cô văn công mặt hoa da phấn hẳn hoi ra đảo, các cô múa hát và khâu vá cho chiến sĩ. Nhiều anh áo quần còn mới nguyên, cũng bí mật xé ra, rồi nhờ các cô vá hộ...
Có mặt tại Tuần lễ sách Sơn Trà hồi tháng 7 vừa qua, chia sẻ thêm về tiểu thuyết Đảo chìm, nhà thơ Trần Đăng Khoa cho biết, ông đến hòn đảo này lần đầu vào những năm 70 của thế kỷ XX và gắn bó trực tiếp với quần đảo Trường Sa khoảng trên dưới 2 năm trong tư cách là một chiến sĩ Hải quân.
Chừng ấy năm sống cuộc đời của người lính biển đảo cũng đủ cho nhà thơ có những trải nghiệm thú vị. “Khi cuộc sống đã rất đẹp thì không cần phải hư cấu gì thêm, ta chỉ cần bê nguyên vào sách là đã đẹp lắm rồi. Tất nhiên Trường Sa bây giờ đã khác lắm rồi, không như thời Trần Đăng Khoa ở đảo chìm, đã có một căn nhà vững chãi như lô cốt hai tầng bằng bê-tông cốt thép. Cái lều bạt ngày xưa đã không còn, biển đã xóa hết dấu vết. Tôi chỉ mong mỏi qua Đảo chìm, những người đến sau, được thấy lại những gì tôi đã thấy”, Trần Đăng Khoa tâm sự.
Cũng theo nhà thơ, ông nặng lòng với Trường Sa bởi Tổ quốc Việt Nam trên bản đồ thế giới trông như một bà mẹ gầy gò đội nón lá, lưng còng gập, có lẽ vì phải gánh quá nhiều sứ mệnh lịch sử. Bà mẹ đáng thương ấy vẫn lặn lội thân cò, bước thập thững bên bờ sóng.
Tấm lưng còng gập quay ra Biển Đông. Cái phên giậu giữ cho tấm lưng còng ấy khỏi lạnh chính là phên giậu Trường Sa, Hoàng Sa. Để giữ vững cái phên giậu Trường Sa đã có biết bao thế hệ gửi cả tuổi thanh xuân của mình trên những hòn đảo này. Lòng dũng cảm và tình yêu Tổ quốc đã thành chiến hào che chở cho người lính và ông gọi mỗi người - dù còn sống hay đã chết - cũng đều là những cột mốc đánh dấu chủ quyền của đảo...
"Khi cuộc sống đã rất đẹp thì không cần phải hư cấu gì thêm, ta chỉ cần bê nguyên vào sách là đã đẹp lắm rồi. Tất nhiên Trường Sa bây giờ đã khác lắm rồi, không như thời Trần Đăng Khoa ở đảo chìm, đã có một căn nhà vững chãi như lô cốt hai tầng bằng bê-tông cốt thép. Cái lều bạt ngày xưa đã không còn, biển đã xóa hết dấu vết. Tôi chỉ mong mỏi qua Đảo chìm, những người đến sau, được thấy lại những gì tôi đã thấy” Nhà thơ Trần Đăng Khoa |
Đọc xong Đảo chìm của Trần Đăng Khoa, nhà thơ Bùi Hoàng Tám bình luận: Nếu cách đây nửa thế kỷ, cái Góc sân và Khoảng trời ở làng Điền Trì - quê Khoa, làm nên một thần đồng Trần Đăng Khoa, thì sau đó, với tiểu thuyết mini Đảo chìm này, Trần Đăng Khoa đã tạo dựng được một “vương quốc” cho riêng mình. Ở đó, có lãnh địa, lãnh hải, có khoảng trời và cả con người... |
Bài và ảnh: NGỌC HÀ