Văn hóa - Giải trí

Trung tâm Hán Nôm góp phần gầy dựng xã hội học tập

08:02, 23/09/2017 (GMT+7)

Trên đường gầy dựng xã hội học tập ở Đà Nẵng, trong 5 năm qua, Trung tâm Hán Nôm thuộc Hội Khuyến học thành phố đã có những đóng góp đáng kể và độc đáo.

Người đầu tiên cảm thấy có nhu cầu học chữ Hán, chữ Nôm và đã tự học thành công là ông Huỳnh Phương Bá.  							   Ảnh: LÊ VĂN THƠM
Người đầu tiên cảm thấy có nhu cầu học chữ Hán, chữ Nôm và đã tự học thành công là ông Huỳnh Phương Bá. Ảnh: LÊ VĂN THƠM

Trước hết, có thể thấy bản thân Trung tâm Hán Nôm Đà Nẵng là sản phẩm của niềm đam mê tự học và khao khát tri thức trong một số cựu sĩ quan quân đội. Người đầu tiên cảm thấy có nhu cầu học chữ Hán chữ Nôm và đã tự học thành công là Đại tá Huỳnh Phương Bá: chỉ sau 2 năm tự học, đến năm 1990, ông đã có thể tự mình phiên âm dịch nghĩa các chữ Hán Nôm trên bia mộ và câu đối trong nhà thờ tộc ở quê ông. Đến năm 2006, có thêm 3 người bạn thân đồng hành với ông: Đại tá Nguyễn Đình Ngật, Đại tá Nguyễn Xuân Đáng và Thượng tá Phó Đức Vượng. Rồi nhóm tự học Hán Nôm chỉ có 4 người ấy đã dần phát triển đến vài chục người.

Lấy tinh thần tự học làm chính

Tháng 3-2009, Câu lạc bộ (CLB) Hán Nôm quận Hải Châu ra đời, thu hút những người ham thích học chữ Hán chữ Nôm không chỉ ở Đà Nẵng mà còn ở nhiều địa phương của tỉnh Quảng Nam. Phát triển đến mức “cái áo” CLB của một quận - dù là quận trung tâm nội thành như Hải Châu - đã trở nên quá chật và thế là Trung tâm Hán Nôm Đà Nẵng được thành lập.

Những người sáng lập Trung tâm Hán Nôm Đà Nẵng hẳn đã nghĩ đến các trung tâm Anh ngữ hay Nhật ngữ đang mở lớp dạy tiếng Anh hay tiếng Nhật trên địa bàn thành phố khi quyết định chuyển từ mô hình CLB sang mô hình trung tâm, đổi tên CLB Hán Nôm thành Trung tâm Hán Nôm. Tuy nhiên đến nay, sau 5 năm thành lập Trung tâm Hán Nôm vẫn chưa có tư cách pháp nhân độc lập, mọi giao dịch mang tính pháp lý vẫn phải nhờ vào cơ quan chủ quản là Hội Khuyến học thành phố. Nhưng sự “phụ thuộc” này không quan trọng, bởi người ta ghi danh vào trung tâm Anh ngữ hay Nhật ngữ là để học tiếng Anh hay tiếng Nhật, nhưng quan trọng hơn là để được cấp một giấy chứng nhận trình độ tiếng Anh hay tiếng Nhật mang tính pháp lý.

Trong khi đó, người học Hán Nôm ở Trung tâm Hán Nôm chắc không cần giấy chứng nhận ấy, chỉ cần tự mình giải mã được những con chữ tượng hình mà họ nhìn thấy trong gia phả/tộc phả, trên văn bia/hoành phi/câu đối... là đủ để hâm nóng trong họ niềm đam mê học chữ Hán chữ Nôm. Vả lại, thực chất của việc dạy - học Hán Nôm của Trung tâm Hán Nôm là vẫn lấy tinh thần tự học làm chính, quan hệ thầy - trò ở đây chủ yếu là quan hệ giữa người biết nhiều với người biết ít hoặc chưa biết; người đang dạy cũng là người đang học bởi khoa học sư phạm từng chứng tỏ cách học hiệu quả nhất nhiều khi lại là dạy cho người khác những gì mình vừa học được.

Dạy - học Hán Nôm hoàn toàn tự nguyện

Thương hiệu của Trung tâm Hán Nôm Đà Nẵng hiện nay không chỉ được thể hiện qua kết quả rất đáng kể trong việc mở các lớp dạy chữ Hán chữ Nôm hoàn toàn miễn phí, mà còn được thể hiện qua những đóng góp thiết thực của Trung tâm Hán Nôm vào việc nghiên cứu thư tịch cổ liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; qua các hợp đồng “tác nghiệp” Trung tâm Hán Nôm ký với một số cơ quan đơn vị để thẩm định hoặc dịch thuật các tư liệu Hán Nôm quý hiếm; hoặc qua việc một số thành viên của Trung tâm như Hồ Quang, Phạm Thúc Hồng, Nguyễn Văn Hà... đã dày công biên soạn và xuất bản các sách phục vụ dạy - học Hán Nôm, chủ yếu dưới dạng từ điển. Đây cũng là một hướng đi tích cực của Trung tâm trong thời gian tới. Chẳng hạn nên chăng có thể biên soạn và xuất bản loại từ điển Hán Việt tinh nghĩa nhằm giúp độc giả tiện tra cứu khi cần phân định nghĩa khác nhau của những từ đồng âm dị nghĩa.

Dưới dạng chữ quốc ngữ thì khó phân định từ Minh trong Bình minh đồng nghĩa hay dị nghĩa với từ Minh trong U minh, nhưng dưới dạng chữ Hán thì từ Minh trong Bình minh - được viết với bộ Nhật - nghĩa là Sáng khác hẳn với từ Minh trong U minh - được viết với bộ Mịch hoặc bộ Miên- nghĩa là Tối. Dưới dạng chữ quốc ngữ cũng khó phân định từ Minh trong Bình minh đồng nghĩa hay dị nghĩa với từ Minh trong Đồng minh, nhưng dưới dạng chữ Hán thì từ Minh trong Bình minh - chỉ được viết với bộ Nhật - nghĩa là Sáng lại khác với từ Minh trong Đồng minh - được ghép bằng chính cái từ Minh bộ Nhật ấy lên trên bộ Mãnh - nghĩa là Thề. Và nữa và nữa... Trong khi chưa kịp biên soạn và xuất bản loại từ điển Hán Việt tinh nghĩa - vốn đòi hỏi nhiều công phu tra cứu và sự thận trọng khoa học, Trung tâm có thể bổ sung vào giáo trình cho các lớp dạy chữ Hán bởi học từ Hán Việt theo lối tinh nghĩa như vậy cũng rất hấp dẫn.  

Trung tâm Hán Nôm Đà Nẵng không phải là trung tâm Anh ngữ hay Nhật ngữ hay Hoa ngữ, cũng không phải là Viện Nghiên cứu Hán Nôm chuyên nghiệp đầy uy tín học thuật ngoài Hà Nội. Tuy nhiên, Trung tâm Hán Nôm Đà Nẵng vẫn cần và có thể tạo uy tín học thuật của mình thông qua một số hình thức giao lưu phù hợp với các chuyên gia Hán Nôm ở khoa Ngữ văn - Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), hay ở Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam... Trung tâm Hán Nôm Đà Nẵng cũng không phải là trung tâm học tập cộng đồng phường xã (hoạt động theo quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 09/2008/QĐ-BGDĐT ngày 24-3-2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) với chức năng chủ yếu là xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ, nhưng Trung tâm vẫn có thể kết hợp với các trung tâm học tập cộng đồng phường xã để chiêu sinh và mở lớp dạy - học Hán Nôm tại trung tâm học tập cộng đồng.

Điều cần chú ý là việc xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ mang tính cưỡng bách theo yêu cầu của phổ cập giáo dục, trong khi đó việc dạy - học Hán Nôm là hoàn toàn tự nguyện, xuất phát từ đòi hỏi tự thân của người học.

5 năm đã trôi qua kể từ ngày thành lập Trung tâm Hán Nôm Đà Nẵng. Đây là khoảng thời gian không dài nhưng cũng đủ để khẳng định đóng góp của một tổ chức mang tính thiện nguyện bất vụ lợi không chỉ vào quá trình gầy dựng xã hội học tập ở Đà Nẵng mà còn vào nỗ lực bảo tồn di sản văn hóa cổ truyền để thành phố bên sông Hàn mãi mãi là một thành phố có ký ức.

Đến nay, sau 5 năm thành lập Trung tâm Hán Nôm vẫn chưa có tư cách pháp nhân độc lập, mọi giao dịch mang tính pháp lý vẫn phải nhờ vào cơ quan chủ quản là Hội Khuyến học thành phố.

BÙI VĂN TIẾNG

.