Văn hóa - Giải trí
Phối hợp quản lý Hải Vân quan chưa như kỳ vọng
Di tích Hải Vân quan được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) có quyết định xếp hạng di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, thuộc sự quản lý trực tiếp của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế từ tháng 4-2017. Tuy nhiên, đã gần nửa năm trôi qua, công tác phối hợp quản lý, trùng tu di tích vẫn chưa như kỳ vọng.
Mũ nón, kẹo được bày bán dọc lối vào cửa thành Hải Vân quan. |
Trở lại Hải Vân quan vào một ngày cuối tháng 9, vẫn như thường lệ, các đoàn xe nườm nượp đưa đón khách đến đây tham quan. Theo một chủ quán kinh doanh mặt hàng lưu niệm, nước giải khát trên đỉnh đèo này, từ ngày Hải Vân quan được công nhận di tích cấp quốc gia, lượng khách đông đúc hơn. Tuy nhiên, lượng khách đổ về đông cũng kéo theo một số hệ lụy như: vứt rác bừa bãi, đội ngũ hàng rong tăng, lại thêm tình trạng phóng uế...
“Trước đây tôi còn thấy có đề bảng nguy hiểm, cấm trèo ở trên các lô cốt để cảnh báo khách tham quan nhưng hiện nay không thấy nữa, hàng trăm người mỗi ngày vẫn vô tư trèo lên đó chụp hình, nguy hiểm vô cùng. Chúng tôi mong muốn chính quyền hai địa phương nhanh chóng tìm giải pháp khắc phục, bảo vệ và tôn tạo di tích để nơi đây thành điểm đến hấp dẫn, văn minh, lịch sự”, chủ quán này nói.
Theo tìm hiểu, tại buổi đón nhận Bằng di tích cấp quốc gia vào ngày 24-5-2017, lãnh đạo hai địa phương đã ký bản ghi nhớ gồm 6 nội dung, trong đó nhấn mạnh việc lãnh đạo hai địa phương phối hợp chỉ đạo xây dựng và ban hành quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Hải Vân quan; phối hợp chỉ đạo việc lập hồ sơ quy hoạch tổng thể tu bổ, tôn tạo, bảo quản và phục hồi di tích Hải Vân quan gắn với phát triển du lịch bền vững...
Đồng thời, thông tin từ Sở VH-TT thành phố Đà Nẵng cũng cho biết, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đầu tư 500 triệu đồng và sẽ tiến hành cải tạo lối đi, lan can bảo đảm an toàn cho khách tham quan, cải thiện ô nhiễm môi trường, chống xâm phạm di tích... ngay trong năm 2017.
Tại cuộc họp vào cuối tháng 9-2017 với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Đặng Thị Bích Liên một lần nữa khẳng định giá trị của Hải Vân quan, đặc biệt ở khía cạnh lịch sử, dưới triều Nguyễn, cha ông ta đã đưa vị thế của Hải Vân quan lên một tầm cao mới trong việc biến nơi đây trở thành một pháo đài quân sự, một cứ điểm phòng thủ từ xa hữu hiệu trong hệ thống phòng thủ quanh kinh đô Huế, cũng như giám sát các hoạt động ở cửa biển Đà Nẵng... Bà Đặng Thị Bích Liên yêu cầu thành phố Đà Nẵng phối hợp chặt chẽ với tỉnh Thừa Thiên Huế đẩy nhanh việc lập hồ sơ quy hoạch tổng thể tu bổ, tôn tạo, bảo quản và phục hồi di tích Hải Vân quan.
Trao đổi về vấn đề này, ông Hà Vỹ, Phó Giám đốc Sở VH-TT thành phố Đà Nẵng cho biết, hiện tại việc quản lý di tích Hải Vân quan thì UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giao cho Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế; trong khi đó, UBND thành phố Đà Nẵng giao cho quận Liên Chiểu lập ban quản lý. Hai cơ quan này sẽ có cơ chế quản lý tại chỗ.
Dự kiến ban quản lý do quận Liên Chiểu thành lập gồm lãnh đạo quận làm trưởng ban, lãnh đạo Phòng Văn hóa-Thông tin, lãnh đạo phường Hòa Hiệp Bắc làm phó ban, thành viên gồm đại diện các ban, ngành liên quan của quận, đại diện Sở. Việc đầu tư tu bổ, tôn tạo, bảo quản và phục hồi di tích Hải Vân quan vẫn đang trong giai đoạn khảo sát, lập dự án.
Trong khi đó, ông Trương Công Hiếu, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin quận Liên Chiểu cho rằng, việc quản lý di tích Hải Vân quan lâu nay vẫn được thực hiện thường xuyên. Lực lượng kiểm tra quy tắc đô thị, dân phòng phường Hòa Hiệp Bắc, Biên phòng Hải Vân gồm 4 người túc trực kiểm tra, kiên quyết xử lý những đối tượng buôn bán hàng rong, chèo kéo khách.
“Cái khó là những người bán hàng rong tập trung buôn bán và cả du khách trèo lên những lô cốt hư hỏng nặng đều nằm bên địa phận thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) nên không thể xử lý. Chúng tôi cũng mong muốn thời gian tới, chính quyền huyện Phú Lộc cùng phối hợp xử lý tại chỗ để xử lý dứt điểm”, ông Hiếu chia sẻ.
Bài và ảnh: NGỌC HÀ