Băn khoăn về "khán giả nhà"

.

Thời gian tới, Đà Nẵng sẽ trở thành tâm điểm diễn ra nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật không chỉ của cả nước mà mang tầm thế giới. Tuy nhiên, những người trong ngành tỏ ra băn khoăn khi khán giả Đà Nẵng chưa mấy mặn mà.

Một bộ phận khán giả Đà Nẵng chỉ đến rạp khi có chương trình biểu diễn của các ca sĩ hải ngoại tên tuổi.
Một bộ phận khán giả Đà Nẵng chỉ đến rạp khi có chương trình biểu diễn của các ca sĩ hải ngoại tên tuổi.

Theo nhìn nhận của một nhà quản lý văn hóa lâu năm trong ngành (đề nghị không ghi tên), một bộ phận khán giả Đà Nẵng chỉ đến rạp khi có chương trình biểu diễn của các ca sĩ hải ngoại, các ca sĩ trẻ đang là “hiện tượng” trên mạng, hoặc đến các phòng trà. Lạ ở chỗ, những chương trình triển lãm mỹ thuật lớn của cả khu vực, các cuộc thi nghệ thuật mang tầm vóc của cả nước lại chỉ có người trong giới với nhau; khán giả Đà Nẵng chẳng hề quan tâm. Có thể kể, gần đây nhất là Liên hoan âm nhạc khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên được tổ chức tại Đà Nẵng vào tháng 7-2017, được đầu tư dàn dựng khá quy mô, mở cửa miễn phí mà người dân chẳng mặn mà.

Điều này cũng nhận được khá nhiều chia sẻ của những nghệ sĩ từng tham gia chương trình nghệ thuật, đặc biệt nghệ thuật truyền thống tại Đà Nẵng. NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam trong lần tham gia cuộc thi Nghệ thuật sân khấu Tuồng và Dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc 2016 diễn ra tại Nhà hát Trưng Vương, đã ngậm ngùi khi phần thi của các đội chỉ có cổ động viên đội dự thi và ban giám khảo, thậm chí bạn diễn cũng không xem nhau; báo giới cũng chẳng chú ý tuyên truyền, các nhà quản lý cũng không chú tâm đến sự kiện...

“Cứ để ý mà xem, sau khai mạc triển lãm mỹ thuật, khách đến xem tranh triển lãm chủ yếu người trong nghề và bạn bè mà thôi. Người dân Đà Nẵng chưa quan tâm đến bồi dưỡng cái đẹp tâm hồn. Gốc rễ sâu xa là chưa làm tốt công tác giáo dục thẩm mỹ, nghệ thuật đến công chúng, đặc biệt là trẻ em, học sinh trong nhà trường”, họa sĩ Lê Huy Hạnh tâm sự.

Khán giả Đà Nẵng cũng là điều mà nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đình An từng trăn trở. Ông Nguyễn Đình An cho rằng, nhà hát lớn là công trình trong kế hoạch dự kiến đầu tư về thiết chế trọng điểm của thành phố. Nhưng đến bao giờ Đà Nẵng có đội ngũ nghệ sĩ biểu diễn nghệ thuật hàn lâm, có tầng lớp dân trí biết thưởng thức nghệ thuật thì vẫn chưa tìm ra câu trả lời. Vậy khi có nhà hát lớn thì liệu công trình này hoạt động có hiệu quả hay không? Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình An, việc làm cần nhất là đầu tư nâng cao dân trí của người dân, đồng thời người dân cũng cần tự nâng cao trình độ thưởng thức nghệ thuật của mình.

Đứng trước bài toán về “khán giả” Đà Nẵng, ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao thành phố tỏ ra lo lắng khi hai sự kiện văn hóa nghệ thuật lớn sắp diễn ra tại Đà Nẵng là Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20 vào cuối tháng 11-2017, Festival nghệ thuật biểu diễn thế giới vào năm 2018. “Các sự kiện văn hóa, nghệ thuật lớn diễn ra tại Đà Nẵng là cơ hội để người dân tiếp cận các loại hình văn hóa, nghệ thuật, bồi đắp tâm hồn. Nhưng với những gì đã diễn ra thời gian qua, tôi thật sự e ngại. Nhất là khi nghệ sĩ diễn mà nhìn xuống dưới không có ai thì dễ “mất lửa” lắm. Để gỡ khó trước mắt về khán giả, chúng tôi sẽ đặc biệt chú trọng đến khâu tuyên truyền, quảng bá; nhưng về lâu dài tôi nghĩ cần có những giải pháp căn cơ hơn”, ông Hùng chia sẻ.

Thật ra, những giải pháp căn cơ về khán giả đó là “đào tạo” khán giả - được nhiều nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa chỉ ra bấy lâu nay. Tại Đà Nẵng, đến nay, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đã thực hiện đưa nghệ thuật tuồng vào học đường, đưa tuồng xuống phố; một số trường học cũng đưa học sinh đến Bảo tàng Mỹ thuật. Tuy nhiên, theo nhận xét của ông Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, học sinh và công chúng tiếp cận nghệ thuật tuồng chừng đó là quá ít ỏi để khơi dậy niềm đam mê, sự hiểu biết. “Trong bối cảnh xã hội hiện đại, sự phát triển vũ bão của các phương tiện truyền thông không thuận lợi cho các loại hình nghệ thuật truyền thống phát triển. Mà cũng không riêng nghệ thuật truyền thống, các loại hình nghệ thuật khác cần được bồi đắp, nuôi dưỡng tâm hồn từ bé để có lớp khán giả sau này. Để làm được như thế, cần phải cùng một lúc thực hiện nhiều biện pháp, tác động tới nhiều thành phần, sự quan tâm của các cấp, ngành liên quan chứ sự cố gắng của một vài cá nhân, đơn vị không bao giờ là đủ”, ông Tuấn nói.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.