Văn hóa - Giải trí
Thư viện tư nhân của thầy giáo trẻ
Một thầy giáo trẻ đã dành tất cả những đồng tiền khó nhọc kiếm được để đầu tư gần 400 triệu đồng mở thư viện mini với mong muốn chia sẻ sở thích đọc sách, khơi dậy tình yêu sách trong cộng đồng...
Khá nhiều bạn đọc trẻ đã tìm đến thư viện này để mượn sách, đọc sách và kể cả chụp hình với những góc thiết kế đẹp mắt. Ảnh: HÀ THU |
Qua giới thiệu của một người bạn, chúng tôi tìm đến thư viện mini Hiền Nhân nằm trên con hẻm nhỏ đường Lê Hữu Trác (quận Sơn Trà). Cô thủ thư còn khá trẻ (sinh năm 1995) nhẹ nhàng nhắc nhở bỏ dép bên ngoài và hướng dẫn những thủ tục cần thiết. Bước vào bên trong thư viện, chúng tôi khá bất ngờ bởi với diện tích chưa đến 50m2, nhưng chủ nhân đã khéo léo sắp xếp, bài trí khá đẹp mắt từ kệ sách, sách đến bàn ghế... Thư viện cũng phân chia thành các khu riêng gồm khu đọc sách người lớn, khu đọc sách thiếu nhi, khu sinh hoạt nhóm. Các loại sách phong phú, mới và đẹp gồm sách văn học nước ngoài, văn học Việt Nam, danh nhân văn hóa, lịch sử, khoa học trí thức, sách thiếu nhi, truyện tranh...
Vừa tìm loại sách về quản lý thời gian, Cao Hồng Hạnh (18 tuổi, đường Bùi Hữu Nghĩa, quận Sơn Trà) vừa cho biết, nhà gần đây nên khi biết có thư viện này, em đã tìm đến. “Em khá bất ngờ với không gian đọc nơi đây, đẹp, hiện đại và nhiều sách hay. Thủ thư và cả chủ nhân đều là những người mê sách nên giới thiệu em những loại sách phù hợp”, Hồng Hạnh chia sẻ. Không chỉ Hồng Hạnh mà khá nhiều bạn đọc trẻ đã tìm đến thư viện này để mượn sách, đọc sách và cả chụp hình với những góc thiết kế đẹp mắt.
Chủ nhân của thư viện mini mang tên Hiền Nhân này là thầy Đặng Văn Mười, dạy môn Vật lý tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên thành phố số 1 (quận Sơn Trà). Mới 28 tuổi, nhưng thầy Đặng Văn Mười đã có những quyết định lớn ít ai làm được. Theo thầy Mười, sở thích đọc sách của thầy bắt đầu từ khi học lớp 9 với những cuốn tiểu thuyết, văn học cổ điển như Cuốn theo chiều gió, Thằng gù nhà thờ Đức Bà... Lên đại học, niềm đam mê đó càng mãnh liệt, có bao nhiêu tiền dành dụm được, cậu sinh viên Đặng Văn Mười ngày ấy đều mua sách. Cũng từ giảng đường đại học, chàng sinh viên vạch ra cho mình một ý tưởng táo bạo: Trước 30 tuổi phải có một thư viện mini! Nói là làm, sau khi ra trường, thầy Mười đi dạy tại trung tâm, dạy kèm, đi làm các chương trình cho phong trào Đoàn, Đội... để tích lũy tiền. Năm 2016, thầy Mười đã có một kho sách cho riêng mình và cho những người có nhu cầu mượn sách mang về nhà đọc. Cái tên Hiền Nhân cũng đã ra đời từ đó. Đến giữa năm 2017, khi đã chuẩn bị được nguồn kinh phí cần thiết, thầy Mười quyết tâm thực hiện kế hoạch và thư viện mini đi vào hoạt động vào cuối tháng 9-2017.
Khá nhiều bạn đọc trẻ đã tìm đến thư viện này để mượn sách, đọc sách và kể cả chụp hình với những góc thiết kế đẹp mắt. |
“Ban đầu ba mẹ không ủng hộ, nhưng thấy tôi quyết tâm quá cũng xiêu lòng. Nói thật, tôi làm vì mong muốn chia sẻ sở thích đọc sách, khơi dậy tình yêu sách trong cộng đồng chứ kinh doanh thì không hẳn vì tôi đang “nuôi” thư viện này mà”, thầy Mười chia sẻ.
Chúng tôi nhẩm tính, với tiền thuê mặt bằng 4 triệu đồng/tháng, trả lương cho thủ thư 3 triệu đồng/tháng, tiền điện, nước..., một tháng chi phí để vận hành thư viện không ít. Trong khi đó, bạn đọc đến thư viện, mượn sách về nhà chỉ đóng mức phí 150.000 đồng/năm, thẻ thành viên 40.000 đồng/tháng; học sinh THCS giảm 50%, học sinh THPT giảm 20%. Rõ ràng, thầy giáo trẻ này đang “cõng” cái khó trên lưng song thầy vẫn hài lòng với con đường mình chọn. Trong kế hoạch dài hạn của mình, thầy Mười cho biết mục tiêu đến năm 2020, số lượng sách của mình tăng lên gấp 5 lần với 10.000 bản; hoạt động của thư viện cũng theo hướng chuyên nghiệp...
“Ước mơ là vậy nhưng tôi cũng có chút lo lắng dù mục tiêu ngắn hạn, dài hạn đều đã được vạch ra. Tôi chỉ mong mình đủ sức duy trì tình yêu với sách và ngày càng nhiều người chia sẻ niềm đam mê này”, thầy Mười bộc bạch.
Bài và ảnh: HÀ THU