Ngày 15-12, Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) tổ chức hội thảo khoa học tìm giải pháp bảo tồn, tôn tạo và phục hồi, phát huy giá trị di tích thành Điện Hải để di tích này trở thành điểm dừng chân không thể thiếu của du khách khi đến thành phố bên sông Hàn.
Dự kiến Bảo tàng Đà Nẵng sẽ được di dời ra khỏi khu vực thành Điện Hải. |
Ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở VH-TT cho biết, từ năm 2016, Sở VH-TT đã đề nghị lãnh đạo thành phố xem xét lại giá trị lịch sử của thành Điện Hải, nhằm có giải pháp quản lý, bảo vệ di tích “có một không hai” này.
Đầu năm 2017, lãnh đạo thành phố có chủ trương di dời giải tỏa 80 hộ dân sinh sống xung quanh bờ tường phía tây, dừng hẳn công trình xây dựng Trung tâm lưu trữ ở phía bắc và phê duyệt luận chứng kinh tế, kỹ thuật trùng tu, tôn tạo và phục hồi thành Điện Hải gồm 2 giai đoạn.
Theo đó, giai đoạn 1 (năm 2017-2019), tiến hành giải phóng mặt bằng, di dời toàn bộ số hộ dân ra khỏi thành Điện Hải; tháo các kiến trúc không nguyên gốc, phục hồi kè, hào như nguyên trạng, xây dựng công viên, cây xanh, bãi đỗ xe, tạo không gian đệm cho di tích.
Giai đoạn 2 (2019-2021), di dời Bảo tàng Đà Nẵng ra khỏi thành Điện Hải và tiến hành tôn tạo, phục hồi các yếu tố gốc trong khu vực nội thành gồm những công trình đã có ở thành trong lịch sử như nhà kho, kho thuốc súng, kỳ đài, vọng lâu… và nghiên cứu xây dựng không gian tưởng niệm các anh hùng, nghĩa sĩ đã hy sinh; xây dựng các khu phụ trợ phục vụ cho việc phát huy giá trị di tích.
“Chúng tôi hy vọng sau khi trùng tu và tôn tạo, thành Điện Hải sẽ trở thành một địa chỉ đỏ trong mạng lưới các di tích văn hóa, lịch sử thành phố, là điểm đến không thể bỏ qua của du khách gần xa khi đến thành phố bên sông Hàn”, ông Huỳnh Văn Hùng nói.
Tại hội thảo, GS.TS Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho biết, các hoạt động bảo tồn di tích thành Điện Hải đã và đang được lãnh đạo thành phố Đà Nẵng hết sức quan tâm. Theo GS.TS Trương Quốc Bình, trong giai đoạn 1 chỉ nên tập trung triển khai những nội dung giải tỏa đền bù các hộ dân phía tây thành Điện Hải; tu bổ, tôn tạo lại thành trong, thành ngoài và hào nước, cải tạo cảnh quan khuôn viên, bãi đỗ xe, hạ tầng kỹ thuật, sân vườn phía ngoài.
“Về cơ bản, sau khi hoàn thành giai đoạn 1 sẽ trả lại nguyên vẹn hào và tường thành ngoài, đồng thời tôn tạo cảnh quan di tích”, GS.TS Trương Quốc Bình nói. Ông Bình đề nghị UBND thành phố quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan chức năng đẩy mạnh việc nghiên cứu, thu thập tư liệu lịch sử về thành phố Đà Nẵng nói chung và thành Điện Hải nói riêng trong giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX; phối hợp với các cơ quan chuyên môn như Viện Hán Nôm, Viện Sử học, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, hệ thống cơ quan lưu trữ và bảo tàng Nhà nước thu thập tài liệu, sưu tầm hiện vật.
Thành phố cũng cần tổ chức các đoàn sang Pháp nghiên cứu thu thập các tư liệu lịch sử có liên quan đang được lưu giữ tại Học viện Viễn Đông Bác cổ và các cơ quan lưu trữ của Cộng hòa Pháp.
Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng đề xuất: Trước tiên cần phục dựng các công trình kiến trúc vốn có, nhất là phục dựng hào nước quanh thành. Tiếp theo là phục dựng hệ thống phòng thủ trên mặt thành và các cửa thành.
Thành Điện Hải là một cứ điểm phòng thủ quân sự được xây dựng theo kiến trúc Vauban, vì thế ngoài các tư liệu về thành cổ trong nước, chắc chắn các chuyên gia phục dựng sẽ phải nghiên cứu thêm tư liệu về thành cổ phương Tây.
Hạng mục này gắn liền với việc trưng bày các khẩu súng thần công sưu tập được lâu nay và đang chờ ý kiến thẩm định của Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia để trình Thủ tướng Chính phủ công nhân là “Bảo vật quốc gia”. Ngoài các ụ súng phải có các chòi canh, các chuyên gia phục dựng còn phải giúp chủ đầu tư hình dung các cửa thành, ụ súng và chòi canh có số lượng bao nhiêu, hình dạng thế nào.
“Đã là công trình phòng thủ quân sự, chắc phải có ít nhất một kỳ đài và sở chỉ huy/hành cung, chưa kể kho lương thực/kho vũ khí/trại lính. Theo tôi, có lẽ nên ưu tiên phục dựng kỳ đài và sở chỉ huy/hành cung, và nên kết hợp việc phục dựng hạng mục kỳ đài với việc hình thành mới một vườn tượng các tướng lĩnh như Nguyễn Văn Thành/Nguyễn Công Trứ/Đào Trí/ Lê Đình Lý… chứ không chỉ tượng Nguyễn Tri Phương như lâu nay”, nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng đề xuất.
Ông Bùi Văn Tiếng cho rằng cần xem xét việc phục dựng bệnh viện được người Pháp xây dựng vào năm 1888 và nhà nguyện được người Pháp xây vào năm 1900 hay không. Nghiên cứu kỹ tấm lưu ảnh có in ảnh bệnh viện và nhà nguyện, có thể nói cả hai đều được xây dựng trong khuôn viên thành. Sau khi xác định rõ vị trí hai hạng mục này, chỉ cần dựng ở đấy một tấm bia ghi dấu đối với mỗi hạng mục là đủ.
TS.KTS Hoàng Đạo Cương, Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích cho rằng, để công tác đầu tư, bảo tồn, tôn tạo, phục hồi và phát huy giá trị di tích đạt hiệu quả cao, trước hết cần phải có thêm những khảo sát, nghiên cứu về loại hình thành Vauban cùng thời được xây dựng ở nước ta.
Ngoài ra, cần tiến hành quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị khu thành với diện tích vùng lõi gần 3ha và vùng mở rộng nghiên cứu với diện tích phù hợp. Vì hạng mục nguyên gốc trong thành đều đã mất nên cần hết sức thận trọng khi phục hồi và phải nghiên cứu kỹ tư liệu, đối chiếu bản vẽ, bản ảnh lưu trữ cũng như đối chiếu các ghi chép trong chính sử.
Khi chưa có đủ tư liệu phục hồi thì nên làm các khu vườn hoa tạo cảnh, không nên xây dựng những công trình mới, sai lạc dấu tích gốc…
Đồng quan điểm, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế Phan Thanh Hải cho rằng, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản thành Điện Hải phải làm sao giữ gìn được một cách bền vững các giá trị nổi bật, độc đáo, hiếm có của di tích.
Đó là bảo tồn, phục hồi diện mạo một tòa thành quân sự gắn liền với một cảng khẩu quan trọng nhất của Việt Nam thế kỷ XIX - nơi đã chứng kiến cuộc đụng độ nảy lửa và bi hùng giữa dân tộc Việt Nam với quân xâm lược phương Tây. Tuy nhiên, theo ông Hải, việc thành phố quyết định mở rộng khu vực quy hoạch rộng đến 2,2ha đã tạo ra những điều kiện thuận lợi để nghiên cứu phục hồi cảnh quan phù hợp và xây dựng các hạ tầng thiết yếu phục vụ việc khai thác, phát huy giá trị di sản, nhất là quy hoạch các tuyến đi, bãi đỗ xe, hệ thống hàng quán và các loại hình dịch vụ khác…
“Cần phải tính lượng khách đến thăm khu di tích này sẽ tăng lên nhiều lần so với hiện nay sau khi thành Điện Hải trở thành di tích cấp quốc gia đặc biệt và được bảo tồn, trùng tu, trở thành một điểm tham quan hấp dẫn”, ông Hải nhấn mạnh.
Bài và ảnh: NGỌC PHÚ