Thành Điện Hải: Hồn cốt văn hóa Đà Nẵng

.

Hơn 160 năm trôi qua với biết bao thăng trầm lịch sử nhưng thành Điện Hải vẫn đứng đó uy nghi, hùng dũng, trở thành biểu tượng tinh thần bất khuất, kiên trung của quân và dân Đà Nẵng trong đấu tranh gìn giữ từng tấc đất quê hương. Và không bao lâu nữa, thành Điện Hải sẽ được đông đảo công chúng trong và ngoài nước biết đến sau khi được trùng tu, tôn tạo, trả lại giá trị vốn có.

Thành Điện Hải là điểm đến đầy ý nghĩa trong giáo dục truyền thống yêu nước sâu đậm cho các thế hệ, đặc biệt thế hệ trẻ Đà Nẵng. Ảnh: NGỌC HÀ
Thành Điện Hải là điểm đến đầy ý nghĩa trong giáo dục truyền thống yêu nước sâu đậm cho các thế hệ, đặc biệt thế hệ trẻ Đà Nẵng. Ảnh: NGỌC HÀ

Bài 1:  “Của tin” còn lại chút này

Là di tích quốc gia đặc biệt duy nhất của Đà Nẵng (tính đến thời điểm hiện tại), thành Điện Hải nằm ngay giữa lòng thành phố, bên con sông Hàn thơ mộng, chứa đựng những giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc độc đáo…

Theo tài liệu sử sách ghi lại, vào thế kỷ XIX, Đà Nẵng là cửa ngõ của kinh thành Huế, vừa thông thương với bên ngoài vừa kiểm soát tàu thuyền qua lại, tránh sự dòm ngó của người ngoại quốc đối với kinh đô. Với vị trí quan trọng của thương cảng Đà Nẵng, ngay khi vừa lên ngôi (năm 1802) vua Gia Long tổ chức canh phòng vùng đất này, cho xây dựng nhiều đồn lũy ở bán đảo Sơn Trà, dọc hai bên bờ sông Hàn.

Bản đồ chiến sự 1858 - 1860 do liên quân Pháp - Tây Ban Nha thu được vào ngày 15-9-1859 hiện trưng bày tại Bảo tàng Đà Nẵng chỉ rõ hệ thống phòng thủ được nhà Nguyễn bố trí dày đặc ở những vị trí cửa ngõ của Đà Nẵng.

Thuộc hệ thống phòng thủ Sơn Trà, trên đỉnh núi là đồn Trấn Dương, dưới chân núi Sơn Trà ở mũi Mỏ Diều có pháo đài Phòng Hải, nằm dọc theo bờ đông sông Hàn là thành An Hải, các đồn Hóa Khuê và Mỹ Thị.

Bên bờ tây sông Hàn có thành Điện Hải và các đồn Thạc Gián, Liên Trì; dọc theo sông Cu Đê có các đồn Hóa Ổ, Chơn Sảng, thành Định Hải... Trong đó, chỉ có hai thành lũy được xây dựng kiên cố theo kiểu Vauban là thành Điện Hải và thành An Hải nhưng thành Điện Hải được xây dựng quy mô hơn. “Đài Điện Hải quan trọng hơn nên đặt thêm một Quan vệ và 300 biền binh, đài An Hải 200 biền binh và một lãnh binh kiêm coi cả hai đài” (theo “Đại Nam nhất thống chí”).

Cũng theo sách này, thành Điện Hải ban đầu được vua Gia Long cho xây dựng bằng đất vào năm 1813 (gọi là Bảo Điện Hải) nằm gần bờ biển. Năm 1823 (Minh Mạng thứ 4), được dời vào bên trong đất liền, trên một gò đất cao và xây bằng gạch, mang tên đồn Điện Hải. Năm 1834 (Minh Mạng thứ 15), đồn được đổi tên là thành Điện Hải.

Năm 1840, Tham tri Bộ công Nguyễn Công Trứ vào xem xét hệ thống phòng thủ ở Đà Nẵng, sau đó đề nghị tăng cường phòng thủ các thành Điện Hải, An Hải. Năm 1847 (Thiệu Trị thứ 7), thành Điện Hải được mở rộng và xây theo kiểu Vauban.

Thành có hình vuông với bốn góc lồi hình cung tròn, có độ cao hơn 5m, chung quanh là hào sâu 3m và 2 cửa (một cửa mở về phía nam, một cửa mở về phía đông). Thành có hai lớp tường cách nhau bởi hào sâu, thành ngoài cao hơn thành trong, muốn vào trong thành phải vượt qua cây cầu bằng gạch xây bắc ngang con hào. Trong thành có hành cung, kỳ đài, các cơ sở chứa lương thực, đạn dược, thuốc súng và được trang bị 30 ụ súng đại bác cỡ lớn…

Bản đồ chiến sự 1858 - 1860 do liên quân Pháp - Tây Ban Nha thu được vào ngày 15-9-1859 hiện trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Đà Nẵng chỉ rõ hệ thống phòng thủ được nhà Nguyễn bố trí dày đặc ở những vị trí cửa ngõ của Đà Nẵng.
Bản đồ chiến sự 1858 - 1860 do liên quân Pháp - Tây Ban Nha thu được vào ngày 15-9-1859 hiện trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Đà Nẵng chỉ rõ hệ thống phòng thủ được nhà Nguyễn bố trí dày đặc ở những vị trí cửa ngõ của Đà Nẵng.

Ông Hồ Tấn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Quản lý di sản thành phố, cho biết, theo thời gian và chiến tranh, thành An Hải (nằm ở vị trí An Đồn ngày nay), từng phối hợp cùng thành Điện Hải ở bờ tây (khu vực Bảo tàng Đà Nẵng hiện nay) làm thành hai “cứ điểm phòng thủ” lớn nhất của Đà Nẵng, đã không còn. Thành Định Hải, các đồn ngày ấy ở tình trạng tương tự.

“Tháng 8-2017, trong chuyến đi thực tế làm hồ sơ về di tích thành Điện Hải, Trung tâm Quản lý di sản tìm về đồn Chơn Sảng, nơi đây vẫn còn dấu tích tường thành bằng đá nhưng bị sạt đổ nhiều chỗ... Như vậy, hệ thống phòng thủ trong những ngày đầu chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha của quân và dân Đà Nẵng chỉ còn lại mỗi thành Điện Hải”, ông Hồ Tấn Tuấn nhận định.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, trải qua hơn 160 năm với bao thăng trầm của thời gian, lịch sử, thành Điện Hải vẫn còn giữ được một số thành phần kiến trúc về thành, hào, súng thần công…; giúp hình dung được quy mô cũng như kiến trúc của thành Điện Hải xưa.

Nhà sử học Dương Trung Quốc khẳng định, thành Điện Hải được xây theo loại hình kiến trúc quân sự được du nhập từ châu Âu vào nước ta, trong giai đoạn thế kỷ XVIII-XIX. Hiện trên cả nước còn lại không nhiều các di tích kiểu này và hầu hết không còn nguyên vẹn. Nếu không kể cố đô Huế thì thành Điện Hải là di tích duy nhất về thành lũy quân sự cổ còn sót lại ở miền Trung.

Trong khi đó, GS.TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng, thành Điện Hải có giá trị đặc biệt về mặt lịch sử, góp phần đập tan ý đồ đánh nhanh thắng nhanh của Liên quân Pháp - Tây Ban Nha khi nổ súng xâm lược nước ta ở Đà Nẵng vào những năm 1858-1860.

Giá trị của trận đánh này ở chỗ đây là mặt trận tấn công đầu tiên của thực dân phương Tây, cụ thể là quân Pháp đối với cuộc chiến xâm lược Việt Nam; đây cũng là trận đánh thể hiện sự đồng lòng của cả dân tộc khi các nghĩa sĩ ngoài Bắc và cả nước đã dâng biểu và đưa nghĩa binh của mình vào sát cánh cùng nhân dân Đà Nẵng chống kẻ thù xâm lược, là thắng lợi duy nhất của quân ta trong buổi đầu chống thực dân Pháp xâm lược.

Với người dân Đà Nẵng, thành Điện Hải bao đời nay là biểu tượng của tinh thần bất khuất, kiên trung của quân và dân Đà Nẵng trong đấu tranh gìn giữ từng tấc đất quê hương và trở thành “hồn cốt” văn hóa Đà Nẵng.

Ông Nguyễn Hoàng Long, nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, thành Điện Hải là di tích hết sức đáng tự hào của người dân Đà Nẵng. Từ quá khứ hào hùng của cha ông, nơi đây là điểm đến đầy ý nghĩa trong giáo dục truyền thống yêu nước sâu đậm cho các thế hệ, đặc biệt thế hệ trẻ Đà Nẵng. Đến với thành Điện Hải, mỗi người như soi mình vào lịch sử để nung nấu, nuôi dưỡng tình yêu nước, yêu quê hương.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.
.