Sáng 8-1 (theo giờ Việt Nam), lễ trao giải Quả cầu Vàng lần thứ 75 đã diễn ra tại khách sạn Beverly Hilton ở Beverly Hills, bang California (Mỹ).
Trao giải Quả cầu Vàng cho bộ phim Three Billboards Outside Ebbing, Missouri. (Nguồn: Getty images) |
Đây luôn được xem là sự kiện mở màn chính thức cho mùa trao giải thưởng thường niên của "kinh đô điện ảnh" Hollywood. Những nghệ sỹ được nhận giải Quả cầu Vàng thường có cơ hội chiến thắng khá cao tại lễ trao giải Oscar diễn ra khoảng hai tháng sau đó.
Lễ trao giải Quả cầu Vàng kéo dài hơn 3 tiếng với 25 hạng mục được trao. Giới quan sát nhận định rằng sự kiện này năm nay không còn đơn thuần là một sự kiện vinh danh những cống hiến trong lĩnh vực điện ảnh và truyền hình, mà đã trở thành diễn đàn cho nhiều ngôi sao cất lên tiếng nói bảo vệ nữ quyền, trong bối cảnh Hollywood hầu như "tê liệt" sau bê bối lạm dụng tình dục của các nhà sản xuất điện ảnh bị phanh phui hồi cuối năm ngoái.
Thảm đỏ Quả cầu Vàng 2018 không tràn ngập sắc màu như những năm trước. Thay vào đó, màu sắc chủ đạo được các nghệ sỹ lựa chọn là màu đen, nhằm thể hiện tình đoàn kết với các nạn nhân bị quấy rối tình dục và phản đối vấn nạn bạo lực tình dục.
Đại thắng trong lễ trao giải là "Three Billboards Outside Ebbing, Missouri," khi tác phẩm này thâu tóm nhiều giải thưởng quan trọng, trong đó có "Phim truyện điện ảnh xuất sắc nhất - Thể loại phim chính kịch" và qua đó trở thành ứng cử viên sáng giá cho giải Oscar 2018.
Chuyện phim "Three Billboards Outside Ebbing, Missouri" kể về Mildred Hayes (Frances McDormand thủ vai) - một bà mẹ đang trải qua nỗi đau vô tận khi cô con gái chưa đến tuổi vị thành niên bị cưỡng hiếp và sát hại dã man.
Với bộ phim này, nhà làm phim người Anh Martin McDonagh đã lần đầu tiên được vinh danh tại giải Quả cầu Vàng, ở hạng mục "Kịch bản điện ảnh xuất sắc nhất," trong khi Frances McDormand thắng giải "Nữ diễn viên chính xuất sắc - thể loại chính kịch" và Sam Rockwell đoạt giải "Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất,"- với vai diễn một viên cảnh sát có xu hướng phân biệt chủng tộc và ưa bạo lực.
Cùng nhận được bốn giải Quả cầu Vàng danh giá là mini-series "Big Little Lies," trong đó có giải thưởng dành cho "Series phim truyền hình xuất sắc nhất."
Bộ phim này cũng mang về cho "thiên nga Australia" Nicole Kidman giải thưởng "Nữ diễn viên chính xuất sắc - Thể loại phim truyền hình," với vai diễn một người vợ bị bạo hành. Đây là lần thứ tư Kidman nhận vinh dự này. Chiến thắng gần nhất của cô cách đây đã 15 năm, với bộ phim điện ảnh "The Hours" (2003), và trước đó là các phim "Moulin Rouge" (2002) và "To Die For" (1996).
Trên sân khấu của lễ trao giải, nữ diễn viên 51 tuổi đã gửi lời cảm ơn tới tiếng nói phụ nữ trên toàn cầu và đặc biệt dành tặng giải thưởng cho mẹ cô - một người tham gia mạnh mẽ trong các phong trào vì nữ giới. Cũng nhờ "Big Little Lies," Alexander Skarsgard ẵm giải "Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất của mảng truyền hình," trong khi Laura Dern được trao giải "Nữ diễn viên phụ xuất sắc của mảng truyền hình."
Nhà làm phim người Mexico Guillermo del Toro đã vượt qua ứng cử viên nặng ký Christopher Nolan để thắng giải "Đạo diễn điện ảnh xuất sắc" với bộ phim mới "The Shape of Water." Nội dung phim xoay quanh câu chuyện tình kỳ lạ giữa nữ lao công (Hawkins) và một thủy quái bị bắt làm thí nghiệm trong bối cảnh thời Chiến tranh Lạnh. Bộ phim cũng được tôn vinh về "Nhạc nền xuất sắc nhất." Tất cả những điều ấy khiến hàng loạt tác phẩm đình đám thuộc thể loại chính kịch trong năm qua như bom tấn chiến tranh "Dunkirk" và tác phẩm lãng mạn đồng tính "Call Me by Your Name" buộc phải ra về tay trắng.
Với thể loại hài/ca vũ nhạc của mảng điện ảnh, "Lady Bird" thắng giải hai giải quan trọng là "Phim điện ảnh hài/ca vũ nhạc xuất sắc nhất" và "Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất" (Saoirse Ronan). Đây cũng là Quả cầu Vàng của tài năng trẻ 22 tuổi này.
Bộ phim "Lady Bird" của nữ đạo diễn Greta Gerwig, kể về một cô gái tuổi 17, có những suy nghĩ nổi loạn trước khi phải đưa ra quyết định về việc sẽ ở lại quê hương Sacramento cùng gia đình hay theo học đại học ở miền Đông nước Mỹ.
Một trong những bộ phim gây chú ý trong năm qua là "The Disaster Artist" của đạo diễn kiêm diễn viên James Franco. Phim kể lại quá trình thực hiện tác phẩm "The Room" (2003) của nghệ sỹ Tommy Wiseau. Trực tiếp vào vai nhân vật chính, Franco đã lột tả hoàn hảo từ ngoại hình, điệu bộ cho tới phong cách lập dị của Tommy Wiseau và mang về giải thưởng "Nam diễn viên chính xuất sắc - Thể loại hài hoặc ca vũ nhạc của điện ảnh."
Ở hạng mục "Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất - Thể loại chính kịch," Elisabeth Moss có chiến thắng với "The Handmaid's Tale." Loạt phim truyền hình 18+ của Hulu thu hút lượng lớn người xem khi lấy bối cảnh tương lai với tỷ lệ sinh nở giảm sút bởi các bệnh truyền nhiễm. Những phụ nữ còn khả năng sinh nở bị bắt làm "hầu gái," chuyên phục vụ và phải sinh con cho các gia đình quyền quý.
"The Handmaid's Tale" cũng vượt qua hàng loạt ứng cử viên nặng ký như The Crown, Stranger Things hay Games of Thrones để trở thành "Phim truyền hình chính kịch xuất sắc nhất."
Không nằm ngoài dự đoán, tại hạng mục dành cho phim hoạt hình, "Coco" - bộ phim gây náo loạn các phòng vé thời gian qua - đã dễ dàng vượt qua các đối thủ và tiến thêm một bước nữa trong chuyến hành trình chinh phục Oscar.
Ngoài ra còn một số giải thưởng nữa như "Nam diễn viên xuất sắc thể loại phim điện ảnh" - trao cho diễn viên gạo cội Gary Oldman (phim "The Darkest Hour"), "Nữ diễn viên phim hài kịch xuất sắc nhất" - Rachel Brosnahan (phim "The Marvelous Mrs Maisel"), "Bài hát trong phim hay nhất" - This is me (phim "The Greatest Showman"), hay "Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất" dành cho Allison Janney (phim "I, Tonya")...
Quả cầu Vàng là giải thưởng thường niên của Hiệp hội báo chí nước ngoài tại Hollywood, nhằm vinh danh những tác phẩm và cá nhân xuất sắc trong lĩnh vực điện ảnh và truyền hình. Năm nay, nam diễn viên hài Seth Meyers lần đầu tiên được trổ tài làm MC của lễ trao giải, trong khi "bà hoàng" của ngành truyền thông thế giới Oprah Winfrey được tôn vinh giải thưởng cống hiến Cecil B. de Mille.
Theo Vietnam+