Đi lễ chùa là nét đẹp văn hóa của người Việt. Tuy nhiên, cách xử sự của một bộ phận người dân hiện nay còn chưa phù hợp, dẫn đến những hình ảnh phản cảm, biến tướng, lệch lạc.
Người dân đến chùa dâng hương. |
Dạo quanh các chùa Pháp Lâm, Bát Nhã, Phổ Đà, Linh Ứng trên địa bàn Đà Nẵng, không khó bắt gặp các cô gái trẻ mặc váy ngắn, áo xuyên thấu, quần tất lưới chắp tay lễ Phật. Nhiều người còn mặc cả áo và váy chống nắng vào Phật đường. Bên cạnh đó, không ít người vào chùa tham quan, hành lễ nhưng hò hét, nói chuyện điện thoại rôm rả, chen lấn chụp hình như chốn vui chơi.
Có người dẫn theo trẻ nhỏ và để trẻ thoải mái đùa giỡn, gây ồn ào. Một sư thầy chùa Bát Nhã cho hay: “Trước chùa có biển cấm thắp hương lên tường rào, gốc cây nhưng nhiều người vẫn thiếu ý thức thắp hương mọi nơi xung quanh chùa.
Nhiều bạn trẻ vô ý mặc váy ngắn, mang cả giày dép vào trong chùa, trên đài dâng hương, dù đã có biển lưu ý. Khi thấy những trường hợp này, các thầy đều nhắc nhở, chỉ dạy để mọi người hiểu rõ, hành lễ đúng nghĩa, giữ gìn nét đẹp khi đi lễ chùa”.
Còn tại chùa Phúc Lâm, một đạo hữu cho biết: “Người lớn tuổi đến chùa ăn mặc rất chỉnh tề, nhưng các bạn trẻ lại ăn mặc phóng khoáng. Rất nhiều bạn trẻ không hiểu ý nghĩa của việc đi chùa. Họ đến chùa theo phong trào, đi cùng nhóm bạn, hành lễ qua loa và chủ yếu tham quan chụp hình”.
Ở một góc độ khác, để xảy ra tình trạng này một phần do nhà chùa buông lỏng khâu quản lý, tổ chức lễ hội. Khu vực trước chùa thành địa điểm kinh doanh, bày bán đủ thứ nhang, hoa, chim phóng sinh, sách kinh Phật, bói toán. Nhiều người còn tập trung nơi đây chèo kéo bán tăm, vé số. Các quán chay, giữ xe xung quanh chùa cũng tấp nập ra đời, cạnh tranh, giành khách.
Đến dâng hương tại chùa Bát Nhã, chị Lê Xuân Hương chia sẻ: “Tôi làm lễ tân cho khách sạn gần đây nên những ngày nghỉ, mồng 1 hay rằm đều đến chùa thắp hương. Thường những ngày đó số lượng người đến chùa rất đông dẫn tới tình trạng chen lấn để dâng hương. Cổng chùa nhỏ hẹp lại kẻ ra, người vào tấp nập, xô đẩy nhau, bày bỏ giày dép lộn xộn. Con đường dẫn vào chùa nhỏ, trong khi lượng người đến dâng hương đông nên gây cản trở giao thông”.
Còn chị Hà Thị Mai, một du khách đến từ Hà Tĩnh cho biết: “Năm nay gia đình tôi du xuân tại Đà Nẵng. Vì nghe nói chùa Linh Ứng Bãi Bụt (Sơn Trà) có tượng Phật Bà Quan Thế Âm cao nhất Việt Nam nên gia đình tôi đến tham quan và dâng hương. Chùa khang trang, tôn nghiêm nhưng nhiều bạn trẻ thản nhiên mặc váy ngắn, cười nói, chụp hình làm mất vẻ đẹp của chùa”.
Đại đức Thích Thông Đạo, Phó ban kiêm Chánh Thư ký Ban Trị sự Phật giáo Đà Nẵng, trụ trì chùa Bà Đa cho biết: “Để hạn chế những hành vi thiếu ý thức khi đi lễ chùa, nhiều chùa đã có những nội quy cụ thể, khi vào chùa có các thầy hướng dẫn, nhắc nhở người dân. Tuy vậy, để thay đổi những hành vi không đẹp khi vào viếng chùa, bên cạnh những quy định cũng rất cần có quá trình để giáo dục ý thức mọi người”.
Bài và ảnh: THU THẢO