Trải nghiệm văn hóa tại Bảo tàng Đà Nẵng

.

Tiếp nối thành công của năm 2017, năm nay, Bảo tàng Đà Nẵng tiếp tục giới thiệu nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Lào, đồng bào Xơ đăng (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam)... đến người dân và du khách, hứa hẹn mang lại những trải nghiệm văn hóa thú vị từ những vùng đất xa xôi ngay giữa lòng thành phố.

Học sinh trên địa bàn thành phố khá thích thú khi xem các nghệ nhân trình diễn nghề truyền thống.
Học sinh trên địa bàn thành phố khá thích thú khi xem các nghệ nhân trình diễn nghề truyền thống.

Từ chỗ lấy hiện vật làm trung tâm sang lấy cộng đồng xã hội làm trung tâm, Bảo tàng Đà Nẵng đã tổ chức nhiều hoạt động hướng đến cộng đồng, trong đó chú trọng các chương trình giao lưu, trải nghiệm văn hóa. Năm 2018, Bảo tàng Đà Nẵng tiếp tục tổ chức các sự kiện văn hóa theo hình thức trải nghiệm.

Trong đó, có hai sự kiện đáng chú ý là Ngày hội văn hóa Lào và Lễ dựng cây nêu của người Xơ đăng. Đối với Ngày hội văn hóa Lào, dự kiến diễn ra vào ngày 17-3, công chúng sẽ được chính các sinh viên Lào, đang học tập tại Đà Nẵng giới thiệu những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình như trang phục truyền thống của người Lào có tên gọi là Sinh (dành cho nữ giới) và Salong (dành cho nam giới), điệu múa Lăm-vông, tục thắt chỉ cổ tay của người Lào, búi tóc kiểu người Lào...

Ngoài ra, công chúng còn trực tiếp tham gia các hoạt động này và thưởng thức văn hóa ẩm thực của nước bạn. Đối với văn hóa của đồng bào Xơ đăng, bảo tàng chọn giới thiệu và tái hiện nghi thức Lễ dựng cây nêu, dự kiến diễn ra vào ngày 30-4 và 1-5. Đây là nét văn hóa đặc sắc trong đời sống tâm linh của đồng bào Xơ đăng, thể hiện ước mong cuộc sống no đủ, hạnh phúc và cầu nguyện mọi người trong làng được Giàng cũng như các đấng thần linh phù hộ, chở che.

Nguyễn Thị Thúy Vi (sinh viên năm 3, Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng) chia sẻ: “Trước đây em chủ yếu đến bảo tàng tham quan theo chương trình hoạt động của Đoàn Thanh niên. Tuy nhiên, một lần trải nghiệm tìm hiểu văn hóa tại bảo tàng đã thật sự lôi cuốn em.

Trực tiếp xem trình diễn các hoạt động văn hóa dễ cảm thụ hơn là những bài học từ sách vở. Hơn nữa chính mình trải nghiệm cùng các nghệ nhân thì sự hiểu biết về giá trị văn hóa đó đậm nét hơn. Em đang háo hức chờ đợi sự kiện sắp tới tại bảo tàng”.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Kim Anh (40 tuổi, ở phường Thanh Bình, quận Hải Châu) cũng cho rằng hoạt động trải nghiệm văn hóa có ý nghĩa thiết thực. Chị đã từng dẫn con gái tham gia liên hoan làng nghề truyền thống xứ Quảng tại bảo tàng và cùng nhau học cách làm nón với các nghệ nhân.

“Không thể diễn tả nỗi sự ngạc nhiên của con bé khi lần đầu tiên thấy cảnh làm nón, dệt chiếu. Nếu không có những trải nghiệm thực tế như vậy, tôi không biết giải thích thế nào cho con hiểu khi con chỉ nhìn thấy qua sách vở. Tôi khuyến khích con cái và cả bản thân tham gia nhiều hơn các hoạt động trải nghiệm về văn hóa để thêm yêu giá trị văn hóa của dân tộc”, chị Kim Anh nói.

Theo ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, qua mỗi lần tổ chức, điều ấn tượng với những người làm công tác giáo dục tại bảo tàng là hình ảnh rất đông học sinh mặc đồng phục, vây quanh các nghệ nhân, một số em cẩn thận ghi chép thông tin vào quyển sổ nhỏ…

Đó chính là điều bảo tàng hướng đến trong hoạt động truyền bá tri thức - giáo dục tới công chúng, nhất là thế hệ trẻ. Chúng ta không chỉ quan tâm đến việc bảo tàng “dạy” gì cho công chúng, mà quan trọng hơn là “công chúng học bằng cách trải nghiệm như thế nào”.

Ngoài ra, qua những lần tổ chức như thế, công chúng trực tiếp trải nghiệm nên tăng sự đồng cảm, từ đó trân trọng những di sản văn hóa của dân tộc, địa phương. Ngược lại, các nghệ nhân làng nghề có cơ hội quảng bá, giới thiệu đến du khách và công chúng những nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc, giúp họ thêm tự hào và ra sức gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.

“Mang văn hóa của các dân tộc về giữa lòng Đà Nẵng là hướng đi táo bạo của Bảo tàng Đà Nẵng nhằm đáp ứng xu thế của khách tham quan: trải nghiệm, khám phá văn hóa trong hành trình đến với bảo tàng; tham quan trưng bày hiện vật kết hợp “mục sở thị” chính nền văn hóa đó. Sự táo bạo đó đã cho kết quả như mong đợi. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tạo ra nhiều sân chơi mang tính giao lưu, hướng đến cộng đồng”, ông Thiện cho biết.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.
.