Vài năm trở lại đây, quận Hải Châu và quận Sơn Trà tổ chức Tuần lễ sách nhằm thúc đẩy phong trào đọc sách tại địa phương. Thành công của hoạt động này mang lại hy vọng Đà Nẵng sẽ có đường sách- không gian văn hóa thường xuyên dành cho mọi đối tượng độc giả.
Phiên chợ sách Đà Nẵng lần thứ 1 tại Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng thu hút nhiều người dân tham quan, mua sách. Ảnh: THU HÀ |
Thật ra, không phải bây giờ, chính quyền và người dân Đà Nẵng mới nhắc đến việc cần xây dựng đường sách. Đề án Đường sách Đà Nẵng đã được triển khai vào cuối năm 2016, do Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các sở: Xây dựng, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Viện Quy hoạch thành phố thực hiện; nguồn kinh phí trên 7 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng từ ngân s ách Nhà nước; miễn phí tiền thuê mặt bằng cho các đơn vị tham gia trong 1 năm.
Đường sách Đà Nẵng được tổ chức tại khu đất trống 3 mặt tiền đường Bạch Đằng, Thành Điện Hải, Trần Phú. Đây là nơi trưng bày, giới thiệu, mua bán sách và ấn phẩm văn hóa của các nhà xuất bản (NXB), đơn vị phát hành sách; là nơi giao lưu giữa tác giả với bạn đọc; đồng thời gầy dựng thói quen đọc sách cho mọi đối tượng, lứa tuổi.
Đường sách Đà Nẵng có khoảng 10-16 ki-ốt sách, mỗi ki-ốt có diện tích 30m2, có không gian cà-phê sách và các hoạt động văn hóa khác, hoạt động từ 8-22 giờ hằng ngày.
Theo kế hoạch, Đường sách Đà Nẵng được khánh thành vào cuối tháng 3-2017. Thế nhưng, đến tháng 3-2017, UBND thành phố bất ngờ chuyển sang kêu gọi xã hội hóa. Tính đến nay, có 4 doanh nghiệp đăng ký tham gia đầu tư kinh phí, với điều kiện được miễn thuế trong vài năm đầu. Tên đề án “Đường sách Đà Nẵng” được chuyển thành “Vườn sách Đà Nẵng”.
Cái khó trong vấn đề xây dựng đường sách tại Đà Nẵng là chưa tìm được tiếng nói chung giữa lợi ích của đơn vị đầu tư và mục tiêu lâu dài của thành phố. Bà Nguyễn Lệ Thủy, Giám đốc điều hành Công ty CP Green & Brown cho biết, đơn vị đang cân nhắc có nên tham gia đầu tư vào dự án Đường sách Đà Nẵng hay không. “Nếu đầu tư, chúng tôi xác định mục tiêu xây dựng thương hiệu là chính chứ rất khó có lợi nhuận vì so với hai đầu đất nước, thị trường mua bán sách ở Đà Nẵng còn rất hạn chế”, bà Thủy bày tỏ.
TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sách Thái Hà (Hà Nội) cho hay, sau khi tiếp nhận ý tưởng xây dựng đường sách tại đường Bạch Đằng, UBND thành phố Đà Nẵng đã có công văn mời lãnh đạo doanh nghiệp họp bàn chi tiết phương án triển khai.
Ông Hùng trăn trở: “Sau buổi họp ấy, chúng tôi đã trao đổi, báo cáo cụ thể mô hình xây dựng đường sách nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai. Trong khi đó, cùng một thời điểm xây dựng đề án nhưng đường sách ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã đi vào hoạt động ổn định”.
Trong khi chờ đợi không gian mới, một số địa phương đã chủ động xây dựng Tuần lễ sách nhằm khuyến khích văn hóa đọc tại địa phương. Đơn cử, Tuần lễ sách Sơn Trà hồi tháng 7-2017 có 60 gian hàng của 25 đơn vị phát hành sách, các NXB lớn như: Nhã Nam, Phương Nam, Fahasa; trang trí và trưng bày khá đẹp mắt; những tác phẩm hay, bán chạy nhất được giới thiệu đến bạn đọc.
Ông Nguyễn Đắc Xứng, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà khẳng định, Tuần lễ sách diễn ra thành công ngoài mong đợi, thu hút nhiều người tham gia, các đơn vị đã bán ra thị trường gần ngàn cuốn sách chỉ trong vòng vài ngày.
Ngay trong tháng 3 này (từ ngày 22 đến 25-3), lần đầu tiên Đà Nẵng có phiên chợ “Sách của bạn”. Theo đó, phiên chợ sách do Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng tổ chức với các quầy sách theo chủ đề như sách thời bao cấp, sách khoa học thường thức, sách thiếu nhi..., hình thành “điểm hẹn văn hóa” cho cả người dân lẫn du khách.
Không những thế, trong năm nay, phiên chợ sách sẽ được duy trì hằng quý, không gian được mở rộng từ khuôn viên Thư viện Khoa học tổng hợp sang vỉa hè đường Bạch Đằng ven sông Hàn.
Song, giải pháp mang tính lâu dài nhằm tạo ra không gian văn hóa, thúc đẩy phong trào đọc sách sôi nổi vẫn là đường sách. Ông Trần Phước Tuấn (phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ) bày tỏ mong mỏi Đà Nẵng sẽ có con đường sách để độc giả tìm, lựa và chọn cho mình những cuốn sách yêu thích.
“Ở Đà Nẵng còn rất nhiều người mê sách và có riêng cho mình những tủ sách giá trị. Giữa cuộc sống này, tôi vẫn tin rằng sách có thể cảm hóa được con người, đưa con người hướng thiện. Do đó, để xây dựng Đà Nẵng là nơi đáng sống, một nơi dành cho văn hóa, thiết lập một không gian tập trung dành cho sách là điều chính quyền cần làm ngay”, ông Tuấn đề nghị.
Tại buổi làm việc với Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa hồi đầu năm nay, ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Đà Nẵng khẳng định, cộng đồng doanh nghiệp thành phố sẵn sàng hỗ trợ kinh phí để hình thành một số công trình văn hóa như công viên, đường sách... nhằm phục vụ người dân. Đây thật sự là tín hiệu đáng mừng cho những người yêu sách ở Đà Nẵng.
TIỂU YẾN