Đánh thức để bảo tồn văn hóa Cơ tu

.

Diễn ra trong hai ngày 13 và 14-4, Liên hoan “Văn hóa - Thể thao và Phục dựng lễ hội truyền thống người Cơ tu” năm 2018, do UBND huyện Hòa Vang tổ chức tại nhà Gươl thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc đã mang đến cho đồng bào Cơ tu một ngày hội ý nghĩa, làm sống dậy nét đẹp văn hóa Cơ tu.

Phục dựng mâm cúng của đồng bào Cơ tu tại lễ hội.
Phục dựng mâm cúng của đồng bào Cơ tu tại lễ hội.

Trong hai ngày diễn ra lễ hội, đồng bào Cơ tu 3 thôn Phú Túc, Tà Lang, Giàn Bí (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) và huyện Tây Giang (Quảng Nam) dựng các trại có trang trí cây nêu, các loại gùi, nỏ, cung, tên, cồng, chiêng, trống, trang phục truyền thống... trưng bày để giới thiệu nét văn hóa của dân tộc mình với khách người Kinh và bạn người Cơ tu từ các nơi về.

Đồng thời, mỗi làng đều chuẩn bị một mâm cỗ ẩm thực gồm các món đặc trưng của đồng bào Cơ tu như: cơm lam, bánh sừng trâu, ốc đá um, cá niên nướng, rau dớn xào tỏi, heo rừng nấu ống tre... Ngoài ra, còn có một món rất độc đáo là lá sắn xắt nhỏ xào mềm, canh sắn, gỏi làm bằng xoài, cây bạc hà tím và thơm.

Theo chị Trần Thị Oanh (thôn Giàn Bí), sắn được xem là thức ăn phổ biến của đồng bào Cơ tu. Mỗi ngày khi đi làm trên núi, dân làng chỉ cần mang theo ít sắn luộc và món gỏi, hoặc sắn luộc và lá sắn xào; trong bữa cơm hằng ngày, món canh thường dùng cũng là canh sắn… Còn những món như thịt rừng, heo rừng chủ yếu dùng trong các ngày lễ của làng.

Bên cạnh ẩm thực, tại ngày hội, đồng bào Cơ tu trình diễn cồng chiêng, múa tung tung-da dá, hát lý, tham gia các trò chơi dân gian truyền thống như bắn nỏ, đi cà kheo, leo cột lồ ô… Bà Trần Thị Nô (80 tuổi, thôn Tà Lang) cho biết, từ sáng sớm bà đã chọn trang phục đẹp nhất, mang những chiếc vòng cổ rực rỡ nhất để đến lễ hội.

“Ngày thường cũng quần áo như người Kinh thôi, ngày lễ hội mới có dịp mặc đồ truyền thống, vui mừng và hạnh phúc lắm. Tôi như sống lại những ngày xưa, cũng tiếng cồng chiêng, cũng điệu múa tung tung-da dá, cứ thế vui suốt mấy ngày đêm”, bà Nô nói.

Trình diễn múa tung tung-da dá tại Liên hoan “Văn hóa - Thể thao và Phục dựng lễ hội truyền thống người Cơ tu”. Ảnh: NGỌC HÀ
Trình diễn múa tung tung-da dá tại Liên hoan “Văn hóa - Thể thao và Phục dựng lễ hội truyền thống người Cơ tu”. Ảnh: NGỌC HÀ

Trong khi đó, lần đầu tiên giao lưu với đồng bào Cơ tu xã Hòa Bắc, đoàn đại diện dân tộc Cơ tu huyện Tây Giang mang đến tiết mục múa trống chiêng khá ấn tượng. Trong vai già làng, ông Alăng Sơn (59 tuổi) trên tay cầm nhạc cụ được đồng bào Cơ tu gọi là loát hay c’rdool được làm bằng sừng trâu, dài khoảng 30-50cm, ở giữa thân đục một lỗ hình chữ nhật dài, bỏ lưỡi gà để làm lỗ thổi, theo sau là đoàn người với trống, cồng, chiêng… tạo nên âm thanh vang vọng cả núi rừng.

Theo ông Alăng Sơn, văn hóa Cơ tu rất đặc sắc. Bản thân ông từ nhỏ đã biết đến nhiều nhạc cụ và điệu múa cồng chiêng, tung tung-da dá; nhưng mãi đến năm 1991, khi tham gia liên hoan văn hóa các dân tộc thiểu số, ông mới bắt đầu tìm hiểu về văn hóa Cơ tu từ việc lặn lội đường rừng tìm gặp các nghệ nhân Cơ tu để ghi lời cùng các làn điệu dân ca Cơ tu đến “đạo diễn” các tiết mục biểu diễn của đội cồng chiêng Tây Giang.

“Với tôi, văn hóa Cơ tu như đã thấm sâu vào trong máu thịt, cuốn hút ngay từ khi còn rất nhỏ và nhiều người Cơ tu khác cũng đang nỗ lực kế thừa và gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của cha ông”, ông Alăng Sơn bộc bạch.

Theo đồng bào Cơ tu các thôn Phú Túc, Tà Lang và Giàn Bí, so với đồng bào Cơ tu ở Quảng Nam thì hiện nay, một số đặc trưng văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ tu tại Đà Nẵng đã dần mai một, do quá trình tiếp biến văn hóa.

“Trẻ con bây giờ thậm chí rất ít nói tiếng Cơ tu, thanh niên rời làng xuống phố đi làm hết, có khi bảo mặc đồ truyền thống còn không chịu. Tôi chỉ sợ đến một lúc nào đó, văn hóa Cơ tu biến mất chứ không phải đơn giản là mai một.

Dù thế hệ đi trước vẫn tìm cách lưu truyền văn hóa Cơ tu cho con cháu, dù lễ hội như thế này làm sống dậy văn hóa Cơ tu nhưng cần có giải pháp cụ thể thế nào đó mới mong bảo tồn văn hóa Cơ tu”, ông Đinh Văn Trí, người được xem là “kho chữ” của người Cơ tu Phú Túc chia sẻ.

Về điều này, ông Bùi Nam Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết, để giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, những năm gần đây, chính quyền địa phương không ngừng nỗ lực trong việc xây dựng và phát triển văn hóa đồng bào Cơ tu thông qua các hoạt động phục dựng lễ hội, liên hoan văn hóa - thể thao, tổ chức giao lưu với đồng bào Cơ tu tỉnh Quảng Nam.

“Từ năm 2016, Liên hoan “Văn hóa - Thể thao và Phục dựng lễ hội truyền thống người Cơ tu” được tổ chức luân phiên giữa 3 thôn Phú Túc, Tà Lang, Giàn Bí, giúp đồng bào thêm tự hào về truyền thống của dân tộc mình, quảng bá vẻ đẹp và sự độc đáo của văn hóa cộng đồng người Cơ tu hướng đến phát triển du lịch cộng đồng của huyện trong thời gian đến, hướng đến bảo tồn văn hóa Cơ tu bền vững”, ông Bùi Nam Dũng cho biết.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.
.