Mặc dù có khá nhiều ưu đãi về miễn giảm học phí, học bổng nhưng năm nào cũng vậy, Trường Cao đẳng Văn hóa-Nghệ thuật Đà Nẵng chỉ tuyển được khoảng 50% chỉ tiêu so với nhu cầu.
Theo học ngành nghệ thuật đòi hỏi phải có đam mê và năng khiếu. Trong ảnh: Lớp học múa của Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Đà Nẵng. |
Phùng Tú Anh (18 tuổi), sinh viên năm nhất ngành múa, lớp K14, Trường Cao đẳng Văn hóa-Nghệ thuật Đà Nẵng cho biết: “Em đã phải thuyết phục gia đình cho theo ngành múa vì niềm đam mê múa từ bé. Bạn bè cũ cùng lứa của em rất ít bạn đi theo ngành múa hay các ngành nghệ thuật mà chủ yếu học kinh tế, quản trị kinh doanh. Lớp múa của em cũng chỉ có hơn 10 bạn với nhiều độ tuổi khác nhau. Tất cả học vì niềm đam mê múa”.
Tú Anh chia sẻ thêm, vào học ở đây em và các bạn gần như không phải đóng học phí vì đã được miễn giảm đáng kể, chỉ lo sinh hoạt phí hằng ngày cho bản thân. Ngoài ra, mỗi sinh viên giỏi nhất lớp còn được nhận học bổng của nhà trường.
Tú Anh dự định sau khi tốt nghiệp sẽ về quê hương Hội An mở lớp dạy múa cho trẻ em, giúp các em có thêm niềm đam mê với nghệ thuật múa. Múa dẻo không thua kém các bạn nữ, Thái Văn Sự (24 tuổi), cũng là sinh viên của lớp K14, cho hay sẽ theo đuổi ngành múa đến cùng bằng việc tiếp tục ra Hà Nội học chuyên ngành múa.
Trường Cao đẳng Văn hóa-Nghệ thuật Đà Nẵng là cơ sở giáo dục công lập, trực thuộc UBND thành phố, thực hiện chức năng đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao đẳng chính quy trở xuống trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật gồm: âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu, múa, sư phạm âm nhạc, sư phạm mỹ thuật, nghiệp vụ văn hóa.
Đây là đơn vị lớn nhất tại Đà Nẵng đào tạo các ngành nghệ thuật để cung ứng nguồn nhân lực cho không chỉ thành phố mà còn các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên. Học phí tại đây khá “mềm”, chỉ khoảng gần 600.000 đồng/tháng/sinh viên đối với trình độ cao đẳng và hơn 500.000 đồng/tháng/sinh viên đối với trình độ trung cấp (năm học 2017-2018).
Ngoài ra, sinh viên học các chuyên ngành nghệ thuật như: tuồng, chèo, cải lương, múa hát cung đình… còn được trợ cấp từng mức khác nhau theo quy định của Nhà nước. Riêng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS vào đây học sẽ được miễn 100% học phí cho đến khi ra trường.
Mặc dù được quan tâm và có khá nhiều ưu đãi nhưng số thí sinh đăng ký vào trường này không nhiều. Ông Nguyễn Bá Sỹ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm nào nhà trường cũng đăng chỉ tiêu tuyển khoảng 70 sinh viên hệ cao đẳng và hơn 200 sinh viên hệ trung cấp, thế nhưng con số tuyển được thực tế chỉ khoảng 50%.
Bên cạnh đó, ban tuyển sinh của nhà trường năm nào cũng đi khắp các trường ở các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên để giới thiệu và gửi thư ngỏ đến các trường, cũng như tìm kiếm các hạt nhân “nhí” phong trào nghệ thuật quần chúng nhằm hỗ trợ, đào tạo các em, nhưng việc tuyển sinh vẫn gặp khó do đây là ngành đặc thù, đòi hỏi người học phải có năng khiếu nên không phải em nào cũng có thể theo được.
“Cũng có những em mặc dù mong muốn vào học nhưng trong buổi thi sơ tuyển chúng tôi nhận thấy không có năng khiếu nên động viên em theo học ngành nghề khác”, ông Sỹ nói.
Là một trong những giảng viên thanh nhạc lâu năm, thầy Trần Khánh Chung chia sẻ, một số lý do khiến các em ngần ngại thi vào trường nghệ thuật là bởi “đất” diễn ở miền Trung không nhiều, đời sống nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng cũng không sôi động bằng ở hai đầu đất nước, đến cả nơi để các em thực tập cũng không nhiều sự lựa chọn. Không ít em dù ra trường có việc làm nhưng phải kiêm nhiệm những mảng, lĩnh vực khác chứ không thể chỉ hoạt động nghệ thuật nên phần nào đã bị mai một nghề.
“Đã là nghệ sĩ thì phải có đất diễn. Ngay cả khi các em đang theo học nghệ thuật cũng nhất thiết phải có “sân chơi” để thể hiện mình và định hình phong cách nhưng “sân chơi” như thế hiện nay rất ít”, thầy Chung nói.
Theo thầy Chung, cần có chế độ đãi ngộ nhiều hơn cho những người hoạt động nghệ thuật để họ theo đuổi đam mê và sống được bằng nghề, đồng thời thu hút người học lựa chọn con đường nghệ thuật.
Theo dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy; tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy do Bộ GD-ĐT vừa công bố, từ năm 2018, thí sinh ngành năng khiếu nghệ thuật đã tốt nghiệp THPT hoặc tốt nghiệp trung cấp các trường năng khiếu nghệ thuật, đoạt giải chính thức trong các cuộc thi nghệ thuật quốc tế về ca, múa, nhạc, mỹ thuật… được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch công nhận được xét tuyển thẳng vào học các ngành tương ứng trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp của các trường năng khiếu, nghệ thuật theo quy định của từng trường. |
Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ