Diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 2 đến 4-4 (ngày 17 đến 19-2 âm lịch) tại chùa Quán Thế Âm (đường Sư Vạn Hạnh, quận Ngũ Hành Sơn), Lễ hội Quán Thế Âm 2018 thu hút hàng vạn người đến tham quan, chiêm bái trong không khí trang nghiêm, yên bình.
Đông đảo chư tôn, tăng ni, phật tử, đạo hữu cả nước về tham dự lễ hội. |
Bình yên vùng đất Phật
Khởi nguyên từ lễ vía Đức Quán Thế Âm Bồ Tát thuần túy tôn giáo của đồng bào theo đạo Phật vào ngày 19-2 âm lịch hằng năm, đến năm 2000, lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn được xếp vào danh mục 15 lễ hội lớn của cả nước. Từ đó, Lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn ngày càng được quan tâm đầu tư quy mô hơn, thu hút nhiều tăng ni và đạo hữu phật tử cả nước cùng du khách thập phương đến chiêm bái, tham quan. Đặc biệt, Lễ hội Quán Thế Âm 2018 được thực hiện theo hình thức xã hội hóa 60% nên công tác tổ chức dần chuyên nghiệp. Ngoài chương trình nghệ thuật khai mạc, bế mạc, các hoạt động văn hóa - văn nghệ, một phần hoạt động thể thao thì với việc vận động xã hội hóa, tuyến đường Sư Vạn Hạnh được đầu tư trang trí lồng đèn, cây cảnh, tượng đá nghệ thuật tạo điểm nhấn dừng chân cho du khách khi đến với lễ hội.
Điểm khác biệt của lễ hội năm nay là người dân và du khách không chỉ lắng mình trong sự linh thiêng, bình yên của các nghi lễ và những buổi thiền tọa mà còn hòa trong không khí ngày hội giữa vùng danh thắng Ngũ Hành Sơn. “Đoàn phật tử chúng tôi gần cả 100 người hành hương về vùng đất Phật. Chẳng mấy khi có dịp nên chúng tôi không chỉ tham gia lễ hội mà còn tham quan danh thắng Ngũ Hành Sơn, ghé động Huyền Không, động Âm Phủ, nghe kể về truyền thuyết Rồng vàng ấp năm trứng tạo ra các ngọn núi Ngũ hành: Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Hỏa Sơn và Thổ Sơn, thăm làng nghề truyền thống đá mỹ nghệ Non Nước…”, bà Bùi Thị Phương (70 tuổi, người dân Tam Kỳ, Quảng Nam) chia sẻ.
Trong ba ngày diễn ra lễ hội có hàng vạn lượt khách tham quan nhưng tình hình an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm vẫn bảo đảm. Các hàng quán ăn uống, giải khát tươm tất, giá cả niêm yết rõ ràng; các cửa hàng dịch vụ buôn bán quà lưu niệm được bố trí sau vệt vỉa hè 9m trên đường Sư Vạn Hạnh. Ngoài hoạt động của Tiểu ban An ninh trật tự - Vệ sinh môi trường, các phật tử trẻ (thuộc Chúng thanh niên Phật tử Phật Quang) đã tự tay nhặt rác và kêu gọi mọi người cùng bỏ rác vào bao được phân loại sẵn.
Ông Nguyễn Hòa, Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn, Phó Ban tổ chức lễ hội cho biết, Lễ hội Quán Thế Âm 2018 diễn ra an toàn, văn minh. Tình trạng nâng vé giữ xe, bán hàng rong, ăn xin trá hình, nạn bán chim, cá phóng sinh, các hoạt động mê tín dị đoan… không còn tái diễn, tạo tâm lý thỏa mái, vui vẻ cho người dân và du khách đến chiêm bái, tham gia lễ hội.
Tái hiện hình tượng Bồ tát Quán Thế Âm tại lễ hội Quán Thế Âm. Ảnh: NGỌC HÀ |
Hướng con người đến điều tốt đẹp
Theo truyền sử, lễ vía Đức Phật Quán Thế Âm có 3 ngày kỷ niệm 19-2, 19-6 và 19-9 âm lịch; đặc biệt, ngày lễ 19-2 được tổ chức long trọng hơn không chỉ ở Đà Nẵng mà ở các tỉnh, thành khác. Với người theo đạo Phật nói riêng và người Việt nói chung, ngày vía Đức Phật Quán Thế Âm có ý nghĩa thiêng liêng. Hơn mấy mươi năm tham gia lễ hội Quán Thế Âm, bà Nguyễn Thị Hòa (55 tuổi, đường Núi Thành, quận Hải Châu) chia sẻ, mỗi năm, đến ngày vía Đức Bồ Tát Quán Thế Âm, bà đều về đây để cầu nguyện Đức phật Quán Thế Âm ban sức khỏe, hạnh phúc cho bản thân, gia đình, tìm thấy sự an yên trong cuộc sống.
Theo giảng giải của Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), Quán Thế Âm là vị Bồ Tát quen thuộc và gần gũi không chỉ với các tín đồ Phật giáo mà còn lan rộng trong quần chúng nhân dân Việt Nam. Bởi người ta tin rằng, vị Bồ Tát này có thể nghe thấu và trông thấy những khổ đau của con người để luôn sẵn lòng cứu giúp. “Ở bất cứ nơi nào có hình tượng Đức Quán Thế Âm thì nơi đó có tín ngưỡng Quan Thế Âm, có niềm tin về sự từ bi, bác ái. Vì thế, lễ hội Quán Thế Âm chứa đựng ý nghĩa nhân văn với ước vọng đồng hành phụng sự đối với cuộc sống con người, hướng con người đến tình yêu thương và những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Đến với lễ hội, mỗi người hãy lắng nghe mình cũng như lắng nghe mọi người để cùng tạo nên cuộc đời an lạc, hạnh phúc, góp phần vào công cuộc đoàn kết, phát triển của quê hương xứ sở”, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn nói.
Theo bà Nguyễn Thị Anh Thi, Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn, Trưởng Ban tổ chức lễ hội, lễ hội Quán Thế Âm cũng là dịp để những giá trị văn hóa, lịch sử địa phương được chuyển tải đến với du khách, thể hiện tinh thần dân tộc, đạo lý uống nước nhớ nguồn, tri ân tổ tiên, nguồn cội... Ngoài ra, nhiều hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức trong suốt thời gian diễn ra lễ hội, tạo nên một lễ hội vừa trang nghiêm vừa tràn đầy sức sống, tươi vui không khí hội hè, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân và du khách, góp phần đưa danh thắng Ngũ Hành Sơn thành điểm du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn.
Ngày 4-4 (19-2 âm lịch), lễ chính thức (lễ vía Đức Bồ tát Quán Thế Âm) của Lễ hội Quán Thế Âm 2018 diễn ra tại chùa Quán Thế Âm thu hút hàng vạn chư tôn, tăng ni, phật tử, đạo hữu cùng người dân, du khách tham gia. Về phía Ban trị sự có sự tham gia của Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương GHPGVN, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Hòa thượng Thích Như Thọ, thành viên Hội đồng Chứng minh Trung ương GHPGVN, Chứng minh Ban trị sự GHPGVN thành phố, các đoàn phật tử đến từ Thái Lan, Nhật Bản, Ấn Độ, Myanmar… Về phía lãnh đạo thành phố có sự tham dự của Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đặng Thị Kim Liên và Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn. Phần lễ gồm nghi lễ phật giáo truyền thống và phần cầu nguyện của đạo hữu, thả bong bóng cầu nguyện hòa bình. Phần hội gồm các hoạt động: đua thuyền, viết thư pháp, hô hát bài chòi… |
Bài và ảnh: NGỌC HÀ