Múa hài Đà Nẵng "lên tiếng"

.

Loại hình múa hài vẫn được các nghệ sĩ dàn dựng và biểu diễn nhưng phải đến Liên hoan múa hài toàn quốc lần thứ nhất sắp diễn ra vào ngày 28 và 29-4 tại Nhà hát Trưng Vương Đà Nẵng, các nghệ sĩ múa hài mới lần đầu tiên có một sân chơi quy mô tầm quốc gia để thỏa sức tranh tài.

Biên đạo múa Kim Huệ và Lê Thị Hậu tập luyện tác phẩm múa “Thầy bói xem voi”.
Biên đạo múa Kim Huệ và Lê Thị Hậu tập luyện tác phẩm múa “Thầy bói xem voi”.

Theo thông tin từ Ban tổ chức, Liên hoan múa hài toàn quốc thu hút nhiều đơn vị nghệ thuật, cá nhân và vũ đoàn các tỉnh, thành tham gia với hơn 40 tác phẩm dự thi, mỗi tác phẩm 5-8 phút và nhóm diễn viên nhiều nhất là 5 người.

Đà Nẵng có các đoàn ca múa Quân khu 5, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, Nhà hát Trưng Vương, Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật và các vũ đoàn tham gia với các tác phẩm: Cô du kích thôn Bưởi, Thầy bói xem voi, Hoàng tử và con sãi chùa, Nghê và sư tử, Vợ sếp, Nữ hoàng linh trưởng, Ông ăn chả bà ăn nem, Đấu chiêng...

Thông điệp của mỗi tác phẩm được các biên đạo múa gửi gắm khá đa dạng, từ giá trị nhân văn của cuộc sống đến những vấn đề mang tính thời sự, mặt trái của xã hội. Với tác phẩm Cô du kích thôn Bưởi, biên đạo Lê Thị Hậu muốn gửi thông điệp về tính cách của người Việt Nam trong kháng chiến rất kiên cường, anh dũng song cũng đầy nhân văn qua hình ảnh cô du kích thôn Bưởi bắt anh lính Mỹ nhưng thấy anh này bị thương nên đã băng bó giúp và mời anh dùng trái bưởi của quê hương mình.

Hay tác phẩm Thầy bói xem voi của biên đạo múa Kim Huệ (Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh), mặc dù đây là câu chuyện ngụ ngôn nhưng ý nghĩa giáo dục đến nay vẫn rất lớn về cách nhìn, cách đánh giá sự việc, con người…

Để chuyển tải những thông điệp này đến khán giả thông qua ngôn ngữ múa mà phải có yếu tố hài hước là không dễ dàng. Biên đạo Lê Thị Hậu chia sẻ, ngay từ đầu sáng tác, chị chủ ý đưa vào những tình tiết gây cười và tìm được diễn viên phù hợp nhân vật, lột tả hết ý đồ của biên đạo bằng sự biểu cảm và ngôn ngữ hình thể. Múa hài rất khó, hơn nữa đây là lần đầu tiên tham gia thi thể loại này nên chị rất lo lắng liệu những gì tập luyện, biên đạo có ra được chất hài hay không.

Biên đạo múa Lê Thị Hậu (phải) đang tập cho diễn viên tác phẩm múa “Cô du kích thôn Bưởi”. Ảnh: HÀ THU
Biên đạo múa Lê Thị Hậu (phải) đang tập cho diễn viên tác phẩm múa “Cô du kích thôn Bưởi”. Ảnh: HÀ THU

Tương tự, biên đạo Hoàng Châu (Vũ đoàn Galaxy) sử dụng hiphop làm ngôn ngữ chủ đạo để diễn tả yếu tố hài trong tác phẩm Nữ hoàng linh trưởng. Lần đầu tiên khán giả sẽ được xem màn những động tác khó trong hình hài của những chú voọc chà vá tại sân khấu Nhà hát Trưng Vương, Đà Nẵng.

Hơn mấy chục năm sáng tác, NSND Lê Huân nhìn nhận, múa hài trước hết kịch bản phải có sự việc và số phận nhân vật gây tiếng cười bằng các loại hình ngôn ngữ múa từ dân gian, đương đại đến hiphop… Múa hài đã có từ rất lâu trong nghệ thuật múa Việt Nam, chẳng hạn trong kháng chiến chống Mỹ, các nghệ sĩ tên tuổi như NSND Đoàn Long, NSND Trần Minh, NSND Kim Tiến đã có những tác phẩm múa hài hấp dẫn công chúng như Một ông hai bà, Ong vò vẽ, Bù nhìn rơm. Sau này, bản thân NSND Lê Huân cũng sáng tác các tác phẩm múa hài đoạt nhiều giải thưởng và công diễn nhiều nơi như: Anh nuôi say súng, Mưu Thị Hến, Học trò xứ Quảng…

“Múa hài vẫn là loại hình có sức hấp dẫn người xem. Việc tổ chức liên hoan múa hài toàn quốc góp phần mang nghệ thuật múa đến gần hơn với công chúng. Đà Nẵng là đơn vị tham gia với số lượng tiết mục nhiều nhất và chúng tôi kỳ vọng đây là cơ hội để nghệ sĩ múa thành phố khẳng định mình và tạo nên sức sống mới cho loại hình nghệ thuật này”, NSND Lê Huân nói.

Với những biên đạo múa, nhất là những biên đạo trẻ của thành phố, liên hoan múa hài toàn quốc tổ chức lần đầu tiên tại Đà Nẵng vừa là cơ hội vừa là thách thức không nhỏ. Các nghệ sĩ và diễn viên đang gấp rút dàn dựng, biên đạo, dưới sự góp ý của NSND Lê Huân để mang đến cho công chúng những tác phẩm chất lượng nhất.

Biên đạo múa Kim Huệ (Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh) cho hay, chị đã tham gia khá nhiều cuộc thi, nhưng riêng múa hài là lần đầu tiên. So với những loại hình múa khác, múa hài hấp dẫn hơn rất nhiều, bởi không chỉ dùng một ngôn ngữ mà có thể sử dụng bất kỳ ngôn ngữ nào để chuyển tải tác phẩm. Hấp dẫn nhưng vô cùng khó, chính cái khó đó càng tạo động lực cho nghệ sĩ múa tìm tòi, sáng tạo.

“Cuộc thi này rất mới, lần đầu tiên ở Việt Nam, lại diễn ra tại Đà Nẵng nên bên cạnh tinh thần yêu nghề, nghệ sĩ chúng tôi mang cả “tiếng nói” của người Đà Nẵng vào trong phần thi. Mỗi nghệ sĩ đều có công việc riêng nhưng cố gắng sắp xếp tập luyện. Hy vọng từ những sân chơi lớn này, nghệ sĩ múa học hỏi được nhiều hơn và công chúng Đà Nẵng sẽ đón nhận cũng như hiểu thêm về nghệ thuật múa”, biên đạo Lê Thị Hậu chia sẻ thêm.

Bài và ảnh: HÀ THU

;
.
.
.
.
.
.