Thời gian qua, nhiều họa sĩ, nhà điêu khắc nước ngoài đã đến tham gia triển lãm tranh cũng như giao lưu điêu khắc tại Đà Nẵng. Thông qua ngôn ngữ của hội họa và tạo hình, những nghệ sĩ không cùng chung tiếng nói, màu da bỗng xích lại gần nhau hơn.
Nhà điêu khắc người Mexico - Paloma Torres, bên tác phẩm “Chuyện phố” tại Công viên APEC Đà Nẵng. |
Mới đây, trong chuyến ghé thăm Đà Nẵng, nhà điêu khắc người Mexico - Paloma Torres (SN 1960) đã đến tham quan Công viên APEC Đà Nẵng, nơi bà có bức tượng “Chuyện phố” được chọn đặt tại đây. Khi được hỏi về nguồn cảm hứng tạo nên tác phẩm, bà cho biết giữa điêu khắc Việt Nam và điêu khắc Mexico có điểm tương đồng là đều hướng tới nét văn hóa dân tộc.
Nếu Việt Nam có trống đồng với biểu tượng mặt trời in trên mặt trống thì Mexico có đá mặt trời. Các tượng điêu khắc của Mexico cũng có nét tương đồng với các tượng điêu khắc đình làng ở Việt Nam. Tại Mexico, năm 1968 có Olympic Game và lúc đó các nhà điêu khắc cũng được yêu cầu tạo một tác phẩm biểu trưng cho tình bạn giữa các nước tham gia. Sự kiện Tuần lễ Cấp cao APEC diễn ra tại Việt Nam cũng thôi thúc bà làm nên một tác phẩm biểu trưng cho tình bạn, tình hữu nghị.
Theo bà Paloma Torres, các tác phẩm của bà đa phần đều lấy chủ thể là hình trụ vì ở nơi bà sống, các tòa nhà hình trụ cao chọc trời trở nên thân thuộc và ăn sâu vào tiềm thức. “Chuyện phố” cũng không ngoại lệ. Tác phẩm được làm từ đất sét, thể hiện khát vọng hướng đến một vũ trụ, nơi những sự khác biệt cấu thành vẻ thịnh vượng vô tận.
“Ngôn ngữ tạo hình, ý tưởng của mỗi nhà điêu khắc đều có nét riêng nhưng vẫn luôn có điểm chung là thể hiện cái đẹp. Nghệ sĩ tạo ra tác phẩm và thông qua cái đẹp của nghệ thuật để làm cầu nối gắn kết các nền văn hóa.
Với tâm niệm ấy, suốt 40 năm gắn bó với điêu khắc, tôi tham gia nhiều hoạt động nghệ thuật liên quan đến lĩnh vực của mình, tổ chức nhiều triển lãm cá nhân và triển lãm nhóm trong và ngoài nước”, bà Paloma Torres chia sẻ.
Trong khi đó, triển lãm “Kết nối - Connection” do Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng tổ chức vào cuối tháng 3-2018 đã thu hút 14 họa sĩ châu Âu đang sống và làm việc tại Quảng Nam và Đà Nẵng. Họa sĩ Jean Cabean, quốc tịch Pháp tâm sự:
“Tôi thực sự hạnh phúc khi nhận thấy những con người từ các nước trên lục địa châu Âu đã đến sống ở đây, tại thành phố Đà Nẵng này và cùng nhau sẻ chia niềm đam mê”.
Cũng theo họa sĩ này, Đà Nẵng trong tương lai trở thành một thành phố mang tính quốc tế, vì thế sự kết nối, giao thoa văn hóa sẽ tất yếu và những người làm nghệ thuật đến từ nhiều quốc gia hiện công tác tại Đà Nẵng cũng cần hợp tác tạo nên một bức tranh nghệ thuật phong phú cho thành phố bên sông Hàn.
Nhà điêu khắc Phạm Hồng cho rằng, không phải đến bây giờ mà mỹ thuật Đà Nẵng, đặc biệt là nghệ thuật điêu khắc, đã trở thành cầu nối văn hóa từ rất lâu trên mảnh đất này. Nhiều người đến đây giao lưu, học hỏi, thậm chí gắn bó hàng chục năm trời.
Như trường hợp nhà điêu khắc người Na Uy Oyvi Storbaekken có 20 năm gắn bó với Đà Nẵng, góp phần thúc đẩy các hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật điêu khắc của thành phố. Theo nhà điêu khắc Phạm Hồng, không chỉ giao lưu, triển lãm mà cần có những trại sáng tác mang tầm quốc tế để các nghệ sĩ học hỏi kinh nghiệm sáng tác.
Dẫn chứng về tác phẩm “Chuyện phố” của nhà điêu khắc Paloma Torres, ông Hồng cho rằng khá ấn tượng về quan điểm sáng tác gắn kết giữa điêu khắc với kiến trúc của bà. Sự hòa quyện giữa 2 loại hình nghệ thuật này rất độc đáo, tạo nên độ hoành tráng cho tác phẩm. Đây là điều nghệ sĩ Việt Nam cần phải học hỏi...
“Tôi vẫn ao ước có hội trại điêu khắc như Hội trại Điêu khắc Đà Nẵng - Na Uy được tổ chức năm 2006 từ sáng kiến của ông Oyvi Storbaekken, tạo cơ hội cho nhà điêu khắc ở Na Uy, Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm, làm việc cùng nhau bên những tảng đá nặng hàng chục tấn và cho ra đời nhiều tác phẩm chất lượng nghệ thuật cao”, ông Phạm Hồng nói thêm.
Bài và ảnh: NGỌC HÀ